Nét duyên thổ cẩm
Trò chuyện cùng chị Rơ Lan Bel và các chị em người Gia Rai tại lớp học dệt thổ cẩm được tổ chức tại nhà ông Ksor Hnhang (làng Kép, phường Đống Đa, TP Plây Cu, Gia Lai), mới biết thêm bao điều về đặc điểm và ý nghĩa của thổ cẩm trong văn hóa truyền thống Tây Nguyên. Ai chưa tìm hiểu hoặc chỉ nhìn qua, khó mà phân biệt vải thổ cẩm của người Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Xơ Đăng hay Cơ Tu… bởi những sự tương đồng trong mầu sắc và hình khối. Nhưng thật ra, mỗi dân tộc ở Tây Nguyên đều có cách tạo hình, phối mầu và hoa văn rất riêng.
Lấy nền đen hoặc xanh chàm làm chủ đạo, dường như tất cả hình ảnh của đất trời và con người nơi đại ngàn được bàn tay người phụ nữ khéo léo dệt lên những tấm vải. Hình nhà rông, nhà dài, cây nêu, con voi, ché rượu, cảnh con người giã gạo, lên rẫy, đánh chiêng, múa xoang… được tái hiện một cách đầy nghệ thuật trên các tà áo, nếp váy. Trang phục của phụ nữ Gia Rai, Ê Đê thường khá giản dị với chiếc váy quấn dài đến mắt cá chân, áo cổ thuyền có tay, họa tiết chạy ngang theo tà áo. Những cô gái Ba Na, MNông thì “hiện đại” hơn một chút với áo cộc tay khỏe khoắn, chân váy ngang bắp chân và thường kèm sợi dây thổ cẩm rực rỡ buộc trên vầng trán. Còn người Cơ Tu ở bắc Tây Nguyên thì có kỹ thuật dệt thổ cẩm kết hạt cườm nổi vô cùng độc đáo, tạo điểm nhấn bắt mắt… Với trang phục nam giới thường chỉ là chiếc khố, một số nơi có mặc thêm áo, song đều được dệt rất kỳ công và đính thêm một số phụ kiện bằng gỗ hay kim loại để tăng phần mạnh mẽ, oai vệ. Tất cả tạo nên vẻ đẹp vừa phóng khoáng vừa uyển chuyển, hòa quyện với thiên nhiên nơi đại ngàn. Không chỉ đẹp mắt, mỗi tấm vải thổ cẩm còn chứa đựng cả những câu chuyện văn hóa, tập quán tốt đẹp. Chẳng hạn, người Gia Rai ở Kon Tum quan niệm người con gái khi về nhà chồng phải tự tay dệt và thêu thùa trang phục của mình, khi lên rẫy phải biết làm chiếc khăn địu con. Người Cơ Ho ở Lâm Đồng thì có tục thách cưới bằng thổ cẩm, tùy điều kiện kinh tế của gia chủ, nhưng sính lễ nhất thiết phải có từ vài cái đến vài chục tấm vải dệt tay truyền thống…
Nỗi lo thất truyền
Đáng quý là thế, song nghề dệt thổ cẩm ở nhiều vùng của Tây Nguyên đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Sản phẩm may sẵn giá rẻ trở nên phổ biến cộng với sự du nhập văn hóa bên ngoài khiến đồng bào dân tộc, đặc biệt là giới trẻ, dần ít mặc trang phục truyền thống và không còn hứng thú với công việc se sợi, dệt vải vốn kỳ công và mất thời gian. Nhiều hợp tác xã, làng nghề lâu năm thì hoạt động cầm chừng, “thoi thóp”, do không có đầu ra ổn định. Trong khi nhiều sản phẩm thổ cẩm của bà con dân tộc vùng núi phía bắc không ngừng cải tiến mẫu mã, chất lượng, có thể xuất khẩu sang một số thị trường nước ngoài khó tính như Nhật Bản hay châu Âu, thì thổ cẩm Tây Nguyên vẫn là một tiềm năng bị lãng phí. Nghề dệt vẫn “sống”, vẫn được lưu truyền trong cộng đồng bởi những lớp nghệ nhân cao tuổi. Nhưng nếu không làm cho nó lan tỏa, phát huy được giá trị văn hóa thì nỗi lo thất truyền vẫn còn đó.
Cũng như nghệ nhân Rơ Lan Bel, nghệ nhân Y Thoát người Ba Na ở làng Kon K’tu (xã Đắc Rơ Va, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) là một trong những thợ dệt lành nghề nhất ở địa phương, cùng mang nỗi niềm trăn trở giữ nghề. Trong trí nhớ của chị, các bé gái Ba Na từ 10 đến 11 tuổi đã được các bà, các mẹ dạy dệt; lớn hơn chút nữa đã có thể tự dệt và khâu thành váy áo cho mình. Những tấm chăn, thảm, túi cũng được các cô cần mẫn làm cho cả gia đình, có khi mất vài tháng chăm chút những hoa văn tinh tế chứa đựng đặc trưng văn hóa, tâm hồn phong phú của con người Tây Nguyên.
Nhưng giờ hồi ức đó đã xa xôi. Đồng bào ít mặc váy áo dân tộc đã đành, ngay cả quá trình làm thổ cẩm cũng đã mất đi các bước như: trồng và thu hoạch bông, cào sợi, se sợi, nhuộm mầu... Ngày nay, bà con mua sợi chỉ hoặc sợi len sản xuất công nghiệp bán sẵn và chỉ việc lồng vào khung dệt. Đỡ vất vả và tiết kiệm thời gian hơn nhưng với nhiều người thì thấy như thiếu đi một phần hồn cốt thật sự của tấm vải thủ công truyền thống. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, trong bối cảnh đời sống xã hội thay đổi thì việc cải tiến chất liệu, phương thức dệt là tất yếu, không những vậy còn phải cải tiến, sáng tạo thêm mẫu mã thì mới mong thổ cẩm “sống” được giữa buôn làng, chứ không chỉ là “tồn tại” lay lắt nhờ những chương trình bảo tồn ngắn hạn.
Chung tay giữ nghề
Người sáng lập lớp học dệt thổ cẩm tại làng Kép là anh Siu Hrill, một người con ưu tú, hiếu học của dân tộc Gia Rai. Sau khi tốt nghiệp đại học trong nước, anh đã nhận được học bổng đào tạo thạc sĩ tại nước ngoài thông qua một đề án bảo tồn di sản nghệ thuật Gia Rai. Về nước từ năm 2010, Siu Hrill tiếp tục hiện thực hóa ước mơ gìn giữ và lưu truyền nghệ thuật truyền thống dân tộc của mình bằng việc tổ chức các dự án cộng đồng như: dạy chế tác và sử dụng nhạc cụ, tạc tượng, sưu tầm và hệ thống sử thi Gia Rai… Cùng chung niềm đam mê và giúp sức cho anh có rất nhiều người bạn là trí thức dân tộc Gia Rai, Ê Đê, người Kinh… và cả sự hỗ trợ của một số quỹ văn hóa phi chính phủ. Từ cuối năm 2015, anh đã tìm đến và thuyết phục nghệ nhân Rơ Lan Bel đến truyền dạy với mục tiêu giúp học viên dệt thành thạo tám sản phẩm thổ cẩm gồm: váy nữ, áo nữ, túi, khăn quàng, khăn trải bàn, khăn địu em bé, áo nam và khố; đồng thời nắm được ý nghĩa của 13 đến 15 loại hoa văn truyền thống phổ biến. Địa điểm học là nhà rông của ông Ksor Hnhang, được chủ nhân nhiệt tình cho mượn không gian. Hiện tại, ngoài các khung dệt và góc trưng bày sản phẩm dệt, ở đây còn lưu giữ nhiều đồ dùng sinh hoạt, nhạc cụ truyền thống của người Gia Rai, và đang hướng đến việc tổ chức thành một điểm tham quan du lịch cho du khách trong và ngoài nước yêu mến văn hóa dân tộc.
Còn ở buôn Tơ Jú, xã Eakao, thành phố Buôn Ma Thuột (Đác Lắc), Hợp tác xã thổ cẩm Tơng Bông là một trong số ít cơ sở hoạt động ổn định và đưa được sản phẩm ra thị trường rộng rãi. Để được như vậy, chị H’Yam Bkrông, Chủ nhiệm hợp tác xã đã vận động từng chị em trong buôn tham gia học nghề miễn phí, bản thân chị thì luôn trăn trở tìm cách nâng cao chất lượng và đa dạng hóa mẫu mã để tìm đầu ra. Chị đã đi thực tế nhiều vùng từ bắc vào nam để tham khảo các mô hình, tìm đến các hội chợ, triển lãm để xin giới thiệu sản phẩm. Ngoài váy áo truyền thống, cơ sở còn sản xuất nhiều mặt hàng có tính ứng dụng cao hoặc thích hợp làm đồ lưu niệm như: túi đựng điện thoại, cà-vạt, rèm, vỏ gối… được bày bán tại một số khách sạn hoặc khu du lịch của tỉnh Đác Lắc. Người phụ nữ từng nhận vô số giải thưởng, bằng khen vì những đóng góp cho cộng đồng trên cả hai mặt kinh tế và văn hóa, vẫn hằng ngày tự tay chỉ dạy cho các học viên mới của hợp tác xã và nuôi hy vọng đưa thổ cẩm Tây Nguyên đi được xa hơn.
Thổ cẩm Tây Nguyên cũng đã được một số doanh nghiệp đưa vào làm tranh, đồng hồ treo tường, hoặc bắt đầu được các nhà thiết kế thời trang sử dụng như một nguồn cảm hứng mới lạ, độc đáo. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên Linh Nga Niê Kdăm, việc kết hợp nghề dệt truyền thống với nghề may sẽ tạo ra các mặt hàng mỹ nghệ có thể trở thành hàng hóa, đồng thời phục vụ du lịch. Thổ cẩm nguyên bản kén khách, không còn phù hợp với điều kiện lao động, sản xuất và sinh hoạt hiện tại, lại có giá khá cao. Do vậy những sự sáng tạo, làm mới thổ cẩm là cần thiết, song bên cạnh đó, nhất thiết phải hài hòa giữa thị hiếu khách hàng và bản sắc văn hóa truyền thống.
Dù nghề dệt thổ cẩm đã khác xưa, nhưng những sắc mầu áo, khăn rực rỡ ấy vẫn là một trong những hình ảnh biểu tượng của miền đất cao nguyên, không thể thiếu trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - di sản văn hóa của nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng. Và có lẽ, những tấm vải thổ cẩm đẹp đẽ, sinh động ấy sẽ chỉ còn sau những khung kính bảo tàng hay trong những bức ảnh tư liệu, nếu không được trân trọng và lưu truyền từ thế hệ hôm nay.