Sau gần nửa năm chuẩn bị, ngày 16/12, dịch vụ xe đạp công cộng tại TP Hồ Chí Minh chính thức ra mắt hoạt động. Ðây là dự án do Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam đầu tư thực hiện với mục đích giảm ô nhiễm môi trường, xây dựng hình ảnh "giao thông xanh", tạo thói quen sử dụng phương tiện công cộng hai bánh đi lại ở khu vực trung tâm thành phố. Từ trước đó, nhiều bạn trẻ và cả người cao tuổi đã hào hứng chọn những chiếc xe đạp mầu xanh đạp vòng quanh các tuyến đường trung tâm khi đơn vị chủ đầu tư tổ chức thí điểm dịch vụ này. Tại đường Lê Lợi, quận 1, khu vực bố trí dịch vụ thuê xe đạp công cộng, rất nhiều bạn trẻ xếp hàng chờ đến lượt nhận xe để chạy. Khánh My, nhà quận Tân Bình chia sẻ: "Tuần trước em ra đây chạy xe đạp thử nghiệm thấy thú vị cho nên hôm nay đến thuê chạy một vòng trung tâm. Ðạp xe vừa rèn luyện thể chất, có điều kiện ngắm cảnh thành phố và quan trọng là tạo thói quen sử dụng phương tiện công cộng".
Ghi nhận thực tế, tại trạm xe đạp công cộng nằm trên vỉa hè đường Lê Lợi được kẻ sơn, có 10 xe đạp xếp theo hàng, mỗi xe đều được gắn khóa thông minh, có tính năng định vị GPS. Ðể thuê xe đạp này, người sử dụng phải cài phần mềm TNGO, sau đó đăng ký thông tin khách hàng và quét vào mã QR sau yên xe để mở khóa. Ðồng thời, người dùng cũng có thể đặt xe trước thông qua ứng dụng di động, website và sử dụng quét mã QR hoặc dùng thẻ từ để mở khóa xe tại trạm. Giá thuê là 5.000 đồng trong 30 phút, 10.000 đồng trong một giờ sử dụng xe. Cũng trong buổi sáng ra mắt dịch vụ, ngoài vị trí trên đường Lê Lợi, chủ đầu tư còn bố trí xe đạp công cộng ở 42 trạm khác trên các tuyến đường ở khu vực quận 1 gồm: Hàm Nghi, Nguyễn Huệ, Võ Văn Kiệt, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thị Nghĩa, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn… Hầu hết trạm xe đạp được bố trí gần nhà chờ xe buýt, công viên, điểm du lịch... để phục vụ du khách và người dân đi lại với các chặng đường ngắn. Ông Ðỗ Bá Dân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam cho biết: Trong giai đoạn thí điểm, công ty sẽ đầu tư 388 xe đặt tại 43 vị trí khu vực trung tâm ở quận 1. Giai đoạn 2 dự kiến cần 2.000-5.000 xe, triển khai trên khắp địa bàn thành phố. Ông Dân cho rằng, xe đạp bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí đi lại, hành khách có thêm sự lựa chọn để di chuyển thuận lợi hơn; đồng thời, tạo một nét văn hóa giao thông mới cho người dân thành phố. Bên cạnh đó, nhiều người sử dụng xe đạp công cộng cũng kỳ vọng, các trạm xe đạp này sẽ kết nối với các địa điểm du lịch để phục vụ nhu cầu đi lại của du khách, cũng như người dân thành phố.
Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đánh giá, việc phát triển loại hình xe đạp công cộng nhằm hỗ trợ kết nối các phương thức vận tải hành khách công cộng khác và tạo thêm sự lựa chọn về phương thức giao thông cho du khách tham quan khu vực trung tâm thành phố. Qua đó, góp phần đa dạng hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, hạn chế nhu cầu sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.
Mới đây, Saigon Waterbus đã tổ chức khai thác tuyến buýt đường sông ban đêm nhằm tạo thêm phương tiện giao thông đi lại kết hợp phục vụ người dân thưởng ngoạn dọc bờ sông Sài Gòn. Trong những ngày đầu tuyến buýt sông hoạt động đã thu hút hàng trăm lượt khách đi lại mỗi đêm, đặc biệt có một số tuyến kín khách sử dụng. Tuyến buýt đường sông có lộ trình giống như tuyến buýt hoạt động vào ban ngày: Xuất phát từ bến Bạch Ðằng (quận 1) đến bến Bình An (TP Thủ Ðức). Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, đơn vị khai thác tuyến buýt đường sông đầu tiên của thành phố cho biết: Người dân không những được ngắm TP Hồ Chí Minh về đêm mà còn được thưởng thức âm nhạc, ăn uống cùng bạn bè, người thân ngay trên buýt sông, tạo một không khí vui tươi sau thời gian làm việc. Theo ông Toản, sau hơn bốn tháng tạm ngưng hoạt động do giãn cách xã hội, ngày 16/10, tuyến buýt đường sông số 1 đã hoạt động trở lại với các điều kiện bảo đảm công tác phòng, chống dịch do Sở Giao thông vận tải thành phố quy định. Hiện nay, mỗi ngày có 20 lượt buýt sông hoạt động, trung bình từ 30 đến 40 hành khách/chuyến, bảo đảm khai thác 50% công suất hành khách trên mỗi chuyến. Nếu nhu cầu hành khách tăng cao; đồng thời, tình hình dịch được kiểm soát, công ty sẽ tăng thêm phương tiện đáp ứng nhu cầu đi lại, vui chơi. Việc mở thêm hoạt động buýt sông ban đêm hy vọng sẽ tạo thêm sinh khí mới cho người dân thành phố ■
Bài và ảnh: QUÝ HIỀN