Nhờ có khoáng sản với công trường khai thác quặng sắt với quy mô những năm 1960-1970 lên đến vài nghìn cán bộ, chuyên gia, công nhân để phục vụ nguyên liệu cho Khu công nghiệp Gang thép Thái Nguyên mà thị trấn Trại Cau được hình thành, phát triển. Thị trấn Trại Cau từng được gọi là “Thị trấn trong sương”, “Thị trấn trong rừng”...
Những năm sau này, nhất là những năm 2015- 2020, khai thác khoáng sản đã tác động tiêu cực đến đời sống người dân, môi trường. Đó là tình trạng sụt lún mất nước sinh hoạt, nước canh tác; sụt lún làm hàng chục nhà dân bị nứt, nghiêng phải di dời; đồng ruộng cũng bị sụt lún với vài trăm hố lớn, nhỏ, làm người dân bức xúc.
Nguyên nhân chủ yếu là do hút nước dưới moong sâu để khai thác quặng sắt tại mỏ tầng sâu Núi Quặng dẫn đến mất nước ngầm, địa chất Karst biến động, sụt lún. Trước tình trạng này, tỉnh Thái Nguyên và Mỏ sắt Trại Cau dừng khai thác mỏ tầng sâu Núi Quặng để không làm tình trạng sụt lún, mất nước diễn biến phức tạp hơn.
Các cấp chính quyền địa phương và Mỏ sắt Trại Cau đã nỗ lực khắc phục hậu quả do khai thác khoáng sản gây ra, các hộ dân có nhà cửa, công trình xây dựng được bồi thường, tái định cư; những hộ mất nước sinh hoạt được xây dựng công trình cấp nước. Những hộ có ruộng đất bị sụt lún, không canh tác được, những năm qua được thống kê, bồi thường sản lượng, trám lấp hoàn thổ trả lại mặt bằng.
Phó Giám đốc Mỏ sắt Trại Cau Vi Trần Dương, cho biết: Đến đầu năm 2023, chúng tôi hoàn thành việc bồi thường sản lượng lương thực cho người dân đối với những diện tích không canh tác được; đồng thời trám lấp xong toàn bộ những hố sụt lún để người dân canh tác bình thường từ vụ xuân năm nay.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Trại Cau Nghiêm Sơn Hà, chia sẻ: Những năm qua, mặc dù phải dừng hoạt động, không có doanh thu, nhưng Mỏ sắt Trại Cau vẫn tích cực khắc phục hậu quả do khai thác khoáng sản để ổn định đời sống, sản xuất của người dân. Từ năm 2020, Mỏ sắt Trại Cau không có hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Mặt khác, khi dừng khai thác, mỏ sắt Thác Lạc rộng lớn trên địa bàn thị trấn Trại Cau được Mỏ sắt Trại Cau san lấp hoàn thổ, trả lại mặt bằng như ban đầu và tiến hành trồng cây phủ xanh, sẽ là “lá phổi” của thị trấn trong hai, ba năm tới.
Chứng kiến những bước thăng trầm của địa phương, ông Lao Văn Thắng ở thị trấn Trại Cau, tâm sự: “Khai thác khoáng sản mà hình thành nên thị trấn, sản xuất ra nhiều gang, thép cho xã hội, giải quyết nhiều việc làm, góp phần thúc đẩy địa phương phát triển. Nhưng những năm sau này, khai thác khoáng sản có nhiều tác động tiêu cực về môi trường, sản xuất, đời sống người dân. Đến đầu năm 2023, những tác động tiêu cực này đã được khắc phục triệt để, người dân chúng tôi rất mừng”.
Khu du lịch sinh thái-văn hóa Đá Thiên ở thị trấn Trại Cau đang được xây dựng theo phối cảnh. |
Dịp đầu năm mới 2023, người dân thị trấn Trại Cau cũng đón nhận những niềm vui mới, đó là sau gần ba chính quyền địa phương kết luận thanh tra, hòa giải, tòa án xét xử, cuối cùng đền Đá Thiên - cơ sở tín ngưỡng được coi là linh thiêng đã trở về với sự quản lý, điều hành của cộng đồng để người dân sở tại và khách thập phương được tự do tín ngưỡng.
Tại đây, Dự án Khu du lịch sinh thái, văn hoá Đá Thiên có quy mô lớn đang được triển khai, dự kiến đến cuối năm nay, giai đoạn một sẽ hoàn thành, là địa chỉ để ngày càng thu hút nhiều khu khách thập phương, giải quyết nhiều việc làm, thu nhập cho người dân. Ngay trước cửa Trụ sở thị trấn Trại Cau, quảng trường rộng, quang cảnh đẹp được hoàn thành, vừa được đưa vào sử dụng, là không gian vui chơi, giải trí, thể thao, tổ chức sự kiện của chính quyền, tổ chức và người dân.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Trại Cau Nghiêm Sơn Hà, vui mừng: Với những sự kiện vui, công trình mới được đưa vào sử dụng, người dân thị trấn chúng tôi như được tiếp thêm sinh lực trên hành trình phát triển kinh tế, xã hội. Tới đây, giai đoạn một Dự án Khu du lịch sinh thái, văn hóa Đá Thiên hoàn thành, đưa vào sử dụng, khách thập phương sẽ đông, cần chỗ ăn, chỗ nghỉ, dịch vụ kèm theo nên kinh tế sẽ phát triển, đời sống người dân sẽ tốt hơn.