Nếu tính trên diện rộng, thành phố còn hàng loạt dự án giao thông trọng điểm sử dụng vốn ngân sách đang thi công chậm tiến độ như: Dự án Metro số 2 Bến Thành-Tham Lương, Hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ…
Theo số liệu thống kê của UBND thành phố, tính đến hết tháng 2, tổng số vốn giải ngân của thành phố chỉ đạt 369 tỷ đồng (1%); vốn ngân sách Trung ương giải ngân chỉ đạt 0,52% so với kế hoạch được giao. Ðây là con số đáng lo ngại so với mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công trong năm 2023 mà chính quyền thành phố đề ra.
Ngoài những nguyên nhân khách quan: Thiếu mặt bằng, vốn đầu tư bị chi phối nhiều luật định…, còn có nguyên nhân từ sự hạn chế về năng lực, thậm chí, có tình trạng sợ trách nhiệm, né trách nhiệm của một bộ phận cán bộ quản lý. Ðiều này rất đáng lo ngại đối với một thành phố là trung tâm kinh tế của cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh.
Ðể đẩy nhanh tiến độ giải ngân tạo điều kiện cho các dự án trọng điểm sớm về đích, trong nhiều tháng qua, lãnh đạo UBND thành phố đã họp liên tục với các sở, ngành để thúc đẩy, tháo gỡ vướng mắc các dự án giao thông trọng điểm. Thế nhưng, tình hình vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Thực tế cho thấy, có những vấn đề phức tạp, tồn tại lâu, cần thời gian để tạo sự thay đổi. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề thành phố đã kết luận, nhưng sở, ngành, địa phương còn ngại, chưa triển khai.
Ðiều đáng mừng là qua các cuộc họp tháo gỡ vướng mắc đã chỉ rõ: Sở Xây dựng chịu trách nhiệm về để chậm tiến độ dự án Metro số 2 và hầm chui Nguyễn Văn Linh, Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm về dự án mở rộng đường Ðồng Văn Cống…, đó là những nét mới trong điều hành công vụ của UBND thành phố.
Tuy nhiên, người dân lại mong muốn sau việc gọi tên tổ chức, cá nhân nào trong tổ chức ấy sẽ bị xử lý và xử lý ở mức độ nào? Giải pháp của các đơn vị này để bảo đảm dự án có thể về đích… thì lại chưa được đề cập. Trách nhiệm phải đi đôi với thưởng, phạt nghiêm minh. Có cá nhân bị truy trách nhiệm mới có động lực để các cơ quan quyết liệt tháo gỡ vướng mắc.
Không còn cách nào khác, thành phố phải quyết liệt hơn nữa trong các giải pháp thúc đẩy tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, vì đây chính là mạch máu của nền kinh tế. Không chỉ chuyển vốn từ các dự án chậm triển khai sang các dự án khả thi mà còn phải truy trách nhiệm đến cùng các đơn vị quản lý, lãnh đạo các địa phương và chủ đầu tư.
Các tổ công tác đã được UBND thành phố thành lập như: Tổ công tác thúc đẩy giải ngân các dự án được giao vốn lớn; tổ công tác rà soát các khó khăn cho dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; tổ công tác giải quyết vướng mắc trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nếu không hoàn thành nhiệm vụ cũng phải có chế tài nghiêm minh để xử lý, tránh tình trạng phê bình, khiển trách chung chung.
Ngoài khơi gợi tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ thì ngay lúc này, vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trên địa bàn thành phố cần được thể hiện. Thông qua việc giám sát, các tổ chức đảng sẽ kịp thời phát hiện đơn vị nào, cá nhân nào chưa làm hết trách nhiệm, chưa nỗ lực cố gắng tháo gỡ các vướng mắc trong đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Chỉ khi nào, toàn hệ thống chính trị, chủ đầu tư các dự án thấy rõ trách nhiệm của mình, vào cuộc một cách quyết liệt trên tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì khi ấy những vướng mắc hiện nay tại các dự án có vốn đầu tư công mới vận hành một cách trơn tru.