Trách nhiệm của hệ thống chính trị trong chuyển đổi số

Thời gian qua, tỉnh Bình Phước có nhiều nỗ lực chuyển đổi số và đã đạt bước tiến vượt bậc. Năm 2022, tỉnh xếp hạng thứ 9/63 tỉnh, thành phố cả nước về chuyển đổi số. Các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trên các lĩnh vực, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Thành viên tổ công nghệ hướng dẫn, tuyên truyền người dân Bình Phước thực hiện các thủ tục dịch vụ công trực tuyến.
Thành viên tổ công nghệ hướng dẫn, tuyên truyền người dân Bình Phước thực hiện các thủ tục dịch vụ công trực tuyến.

Sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị

Ngày 18/5/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh với quan điểm: “Chuyển đổi số là một bước cụ thể Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, chuyển đổi số phải do cấp ủy lãnh đạo, Nhà nước thực hiện với sự quyết liệt và chung tay của toàn hệ thống chính trị nhằm chuyển đổi số thành công trên mọi lĩnh vực”.

Nghị quyết đưa ra quan điểm, mục tiêu là thực hiện chuyển đổi “từng lĩnh vực” tiến tới chuyển đổi “tổng thể và toàn diện”. Trong đó, doanh nghiệp, người dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình chuyển đổi số; lĩnh vực nào mà doanh nghiệp, người dân cần thì tập trung chuyển đổi trước; chọn một số ngành, địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi toàn diện, làm điểm để rút kinh nghiệm.

Bình Phước đã chọn chín lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số gồm: Quản lý dân cư, tài nguyên, giáo dục, y tế, tài chính-ngân hàng, nông nghiệp, giao thông, năng lượng, sản xuất công nghiệp và chọn năm mô hình thí điểm chuyển đổi số toàn diện: Mô hình doanh nghiệp với năm công ty, mô hình hợp tác xã với hai đơn vị, mô hình cơ quan hành chính với 12 cơ quan, mô hình cấp huyện với ba địa phương, mô hình cấp xã với 20 xã, phường, thị trấn.

Theo đồng chí Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh, chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, khách quan theo xu thế của thời đại. Chuyển đổi số chính là sự phát triển của ứng dụng công nghệ thông tin mang tính đột phá, giúp cho mọi hoạt động được đưa lên môi trường số, tạo ra một không gian hoạt động hoàn toàn mới, làm thay đổi cách vận hành công việc và cuộc sống. Đây là cơ hội vàng giúp chúng ta bắt kịp, tiến cùng và vượt lên, thậm chí có thể đi đầu trong phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, làm thay đổi cuộc sống của nhân dân, tạo sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của doanh nghiệp.

Khi chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, Bình Phước là địa phương gần như không có nền tảng ban đầu để triển khai. Kết quả xếp hạng chung chỉ số “Vietnam ICT Index” của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2019, Bình Phước xếp thứ 56/63 tỉnh, thành phố; nhưng đến năm 2021, tỉnh đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố. Sự bứt phá này chứng minh chủ trương đúng đắn và tinh thần đồng thuận cao của toàn tỉnh trong thời gian không dài.

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Quang, từ khi triển khai Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy và kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh, các dự án về công nghệ thông tin từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư bài bản, phát huy hiệu quả như “bộ não số” IOC, trung tâm hành chính công các cấp. Từ năm 2020, tỉnh triển khai mạng 4G phủ sóng toàn địa bàn giúp người dân khai thác dữ liệu nhanh, tiện lợi. Tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch triển khai “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số”; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ sở y tế; các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và tổ chức trong tỉnh đều thực hiện khai thuế điện tử; hóa đơn điện tử; thí điểm mô hình chợ 4.0 ở nhiều địa phương…

Tuy nhiên, đến giữa năm 2022, còn nhiều nội dung liên quan chuyển đổi số, nhất là một số nội dung về dịch vụ công trực tuyến đang ở mức thấp so với toàn quốc, cho thấy các mục tiêu của Nghị quyết số 04 khó đạt. Do đó, UBND tỉnh đã quyết định tổ chức một đợt cao điểm từ ngày 1/6 đến 31/8/2022, chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp, trong đó giải pháp quan trọng là phát huy vai trò của các tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, ấp, khu phố. 111 tổ cấp xã và 843 tổ cấp thôn, ấp được thành lập, từng thành viên trong tổ được giao nhiệm vụ, trong đó nòng cốt là đoàn viên thanh niên, giáo viên, học sinh trung học phổ thông bởi đây là lực lượng có kiến thức, tiếp thu nhanh công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm thành thạo, có sức khỏe và có tinh thần xung kích, tình nguyện.

Tất cả thành viên tổ công nghệ cộng đồng được tập huấn kiến thức, kỹ năng thực hành. Sau đó từng thành viên thực hiện đúng phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, tỉnh đã vận động một số doanh nghiệp bưu chính, viễn thông tặng điện thoại thông minh để hỗ trợ thêm công cụ cho lực lượng thanh niên tình nguyện tuyên truyền, hướng dẫn người dân. Từ cấp tỉnh, huyện, xã thành lập các nhóm Zalo mang tên “Chiến dịch 92 ngày đêm” nhằm bảo đảm thông tin, số liệu về tiến độ triển khai được cập nhật, góp phần xử lý, tháo gỡ kịp thời hằng ngày những vướng mắc, khó khăn.

Với những cách làm nêu trên, sau đợt cao điểm, có 4/5 mục tiêu đã hoàn thành vượt kế hoạch đề ra; một mục tiêu chỉ xấp xỉ đạt, đó là tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến giải quyết đúng hạn (vẫn còn 0,5% số hồ sơ chưa được giải quyết đúng hạn). Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn là một nỗ lực lớn, bởi trước đó tỷ lệ hồ sơ quá hạn là 3,78%. Theo đồng chí Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, qua đợt cao điểm cho thấy, việc triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số, dịch vụ công trực tuyến cần có sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở, trong đó có trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các cấp và phát huy vai trò của các tổ công nghệ số cộng đồng.

Cùng với đó là nâng cao hiệu quả truyền thông với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan báo chí, đài truyền thanh cơ sở nhằm hỗ trợ đắc lực cho quá trình thực hiện các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số. Và Bình Phước luôn ưu tiên, sắp xếp các nhiệm vụ, công việc chuyển đổi số theo thứ tự ưu tiên và lấy người dân làm chủ thể, động lực của sự phát triển. Đây là mục tiêu mà tỉnh kiên trì trong quá trình chuyển đổi số.

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực

Xây dựng nguồn “nhân lực số” và “công dân số” đáp ứng yêu cầu của việc quản trị, vận hành, khai thác hiệu quả các nền tảng số của tỉnh là yêu cầu được đặt ra cấp thiết.

Trên cơ sở nhận diện những khó khăn thực tế, tỉnh đã ban hành đề án “Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tỉnh Bình Phước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu là: Đến năm 2025, tất cả cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số; 60% dân số biết và có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác; đào tạo được ít nhất 50 chuyên gia chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, địa phương để trở thành lực lượng nòng cốt dẫn dắt, tổ chức và lan tỏa tiến trình chuyển đổi số tại tỉnh.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Quang cho biết, Bình Phước đã và đang tập trung đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, tổ chức nhà nước; phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường hợp tác trao đổi kinh nghiệm về đào tạo, nghiên cứu về công nghệ số, kỹ năng số, kinh tế số và xã hội số; trong đó chú trọng phối hợp, kết nối, ký hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp, trường đại học nhằm phát triển nguồn nhân lực cho tỉnh. Đến nay, toàn bộ cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện có cán bộ chuyên trách hoặc được giao phụ trách công nghệ thông tin, trong đó người có trình độ đại học đạt tỷ lệ 91%, cao đẳng là 9%.

Đoàn viên thanh niên trong tỉnh với những lợi thế về sức khỏe, kiến thức và sự năng nổ, đã có nhiều đóng góp, chính là lực lượng tích cực đi đầu trong công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số. Thông qua mô hình tổ công nghệ số cộng đồng và tổ công tác triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các đoàn viên thanh niên đã tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chuyển đổi số, hỗ trợ giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử, căn cước công dân, xác thực điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt…

Nhờ đó, đông đảo người dân, nhất là thế hệ thanh niên trong tỉnh đã ứng dụng thành thạo các mô hình, giải pháp chuyển đổi số vào các lĩnh vực của đời sống, hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế hợp tác xã, gia đình. Anh Đặng Dương Minh Hoàng ở xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập cho biết, được tuyên truyền, hướng dẫn nhiệt tình, anh đã áp dụng internet vạn vật (mạng lưới các thiết bị thông minh và công nghệ) như tưới nước tự động, máy bay phun thuốc, mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm, phần mềm kế toán, phần mềm quản trị doanh nghiệp…

Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Nghị quyết số 04 của Bình Phước về chuyển đổi số đã thật sự đi vào cuộc sống.