Kể từ tháng 4/2021, 8 vòng đàm phán đã được tiến hành tại Vienne (Áo) để khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, với tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Sau một năm “nhấc lên, đặt xuống” các điều khoản đàm phán, những ngày đầu tháng 4 vừa qua xuất hiện nhận định lạc quan cho rằng các bên đang “tới rất gần” một thỏa thuận. Tuy vậy, những động thái mới nhất từ cả phía Iran và Mỹ lại cho thấy, con đường “hồi sinh” thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn còn quá nhiều chông gai.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir Abdollahian cho rằng, nếu Mỹ có ý định quay trở lại thỏa thuận hạt nhân thì cần thể hiện thiện chí bằng cách dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống Tehran. Nhà ngoại giao Iran cáo buộc, trong 2 hoặc 3 tuần gần đây Washington đã đưa ra những yêu cầu đi ngược lại nội dung của thỏa thuận hạt nhân. Ông Abdollahian cũng nhắc lại tuyên bố cứng rắn: Iran đã và sẽ giữ vững “những lằn ranh đỏ”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken (A.Blin-ken) lại cho rằng “không quá lạc quan” về triển vọng thật sự đạt được một thỏa thuận với Iran và Washington sẽ cân nhắc liệu có nên kết thúc đàm phán hay không. Bộ trưởng Blinken cho biết, Mỹ chưa có kế hoạch đưa Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ra khỏi danh sách tổ chức khủng bố, điều mà phía Iran đã nhiều lần yêu cầu và coi đó là một trong những điều kiện then chốt đối với tiến trình đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Dường như trong phản ứng với nhận định “không quá lạc quan” của Mỹ, Iran hôm 9/4 đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 24 người Mỹ, hầu hết là những quan chức từng phục vụ dưới thời Tổng thống Donald Trump, người đã áp lệnh trừng phạt đối với nhiều quan chức, chính trị gia và doanh nghiệp của Iran, đồng thời rút Mỹ khỏi JCPOA. Theo lệnh trừng phạt mới, nhà chức trách Tehran có thể thu giữ bất cứ tài sản nào do cá nhân bị trừng phạt sở hữu tại Iran. Tuy nhiên, hầu như công dân Mỹ không có quan hệ kinh tế hay tài sản nào tại Iran, do vậy lệnh trừng phạt của nước Cộng hòa Hồi giáo này chỉ mang ý nghĩa tượng trưng.
Trong một tuyên bố chung gửi tới Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, 250 nghị sĩ Iran yêu cầu Mỹ cung cấp bảo đảm pháp lý để ngăn chặn các chính phủ tương lai của Mỹ rút khỏi thỏa thuận khôi phục JCPOA và vấn đề này phải được bảo đảm từ các thể chế ra quyết định của Mỹ, trong đó có Quốc hội. Các nhà lập pháp Iran cũng yêu cầu Mỹ cam kết không tái áp đặt các lệnh trừng phạt và Iran có quyền xuất khẩu dầu sang bất kỳ quốc gia nào với số lượng thỏa thuận.
Nhân kỷ niệm Ngày công nghệ hạt nhân quốc gia (9/4), Iran đã công bố nhiều thành tựu hạt nhân quan trọng và bày tỏ tin tưởng với những thành quả này sẽ mở ra “thời kỳ phục hưng hạt nhân”. Tổng thống Raisi công bố văn kiện Chiến lược toàn diện về phát triển hạt nhân, giữ vai trò định hướng cho sự phát triển hạt nhân của Iran trong những năm tới.
Tổng thống Iran tuyên bố, Tehran sẽ không từ bỏ quyền phát triển ngành công nghiệp hạt nhân vì mục đích hòa bình và tất cả các bên tham gia đàm phán nên tôn trọng quyền này. Ông Raisi tái khẳng định thông điệp Iran không từ bỏ các cuộc đàm phán tại Vienne, song sẽ không nhượng bộ để bảo vệ quyền phát triển hạt nhân của mình.
Đạt được thỏa thuận không chỉ là mục tiêu của riêng bên nào tham gia đàm phán làm sống lại JCPOA, mà là mong muốn chung của thế giới. Bởi trong bối cảnh địa chính trị thế giới đang có những chuyển biến phức tạp, khó lường, bất kỳ thỏa thuận nào đạt được thông qua con đường đàm phán hòa bình đều được hoan nghênh và chờ đợi.