Yên Bái phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm 13,3%

Trà Vinh quan tâm phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc Khmer

Lắp ráp máy chế biến chè tại công ty CP Phú Yên, cụm công nghiệp đầm hồng,TP Yên Bái .
Lắp ráp máy chế biến chè tại công ty CP Phú Yên, cụm công nghiệp đầm hồng,TP Yên Bái .

Hội nghị thống nhất đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế sáu tháng cuối năm là 15%, bảo đảm cả năm tăng 13,3%. Trong đó tập trung chỉ đạo quyết liệt để tăng trưởng nhanh kinh tế công nghiệp, thương mại và dịch vụ, đồng thời duy trì sự ổn định và phát triển của kinh tế nông nghiệp. Với mục tiêu nêu trên, Ðảng bộ tỉnh Yên Bái xác định: Tiếp tục bám sát tình hình, thực hiện tốt công tác chỉ đạo, triển khai các chương trình, kế hoạch khả thi, nâng cao hiệu quả thực hiện; tiếp tục thực hiện kịp thời, có hiệu quả các giải pháp theo Nghị quyết của Chính phủ; đẩy mạnh thực hiện chương trình hành động theo Nghị quyết Trung ương 7 về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn". Ðiều chỉnh, bổ sung các chính sách trong quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, tập trung tháo gỡ khó khăn nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tăng cường công tác chỉ đạo, thống nhất kịp thời, đồng thời chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát theo chương trình, kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm. Khai thác sử dụng tốt nội lực, tích cực thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện tốt cải cách hành chính tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển. Bảo đảm tốt an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực văn hóa xã hội và bảo vệ môi trường...

*Trà Vinh là một trong hai tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, sau Sóc Trăng. Toàn tỉnh hiện có hơn 300.000 đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chiếm khoảng 30% số dân của tỉnh. Bên cạnh việc tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đồng bào dân tộc Khmer, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Trà Vinh đã ban hành các nghị quyết và chỉ thị về việc tăng cường công tác giáo dục trong vùng đồng bào dân tộc Khmer. Từ đó, mạng lưới trường lớp đã được đầu tư xây dựng đến tận các phum sóc. Các trường tiểu học có tỷ lệ học sinh người dân tộc cao đều thực hiện dạy song ngữ (Việt - Khmer); bảy trường dân tộc nội trú hiện có khoảng 1.300 học sinh theo học từ lớp 6 đến lớp 12 và hiện có khoảng 1.000 sinh viên đang theo học các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Ðây là nguồn nhân lực quan trọng có tính kế thừa, bổ sung cho đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và cải cách hành chính ở vùng dân tộc thiểu số.