Trả nợ miệng

NDO - Về một xã ngoại thành Hải Phòng viếng bố người bạn mất, vợ chồng tôi phải đi từ hơn sáu giờ sáng để kịp đưa đám vào bảy giờ. Ở quê thường đưa đám sớm.

Công việc xong xuôi. Chủ hiếu khăn mặt vắt vai, chạy ngược chạy xuôi mời mọi người nán lại xơi 'lưng cơm nhạt'. Hơn tám giờ, trời nắng chang chang nên rất ngột ngạt. Sân gạch và vườn khá rộng được dựng rạp hết. Dù tang gia bối rối, nhưng cánh hậu cần vẫn chuẩn bị chu đáo. Ðưa đám về, cỗ bàn đã bày la liệt. Những người đưa tang về í ới gọi nhau cho đủ mâm. Hình như mọi đau buồn lúc này đã để lại ngoài đồng, nơi người quá cố đã mồ yên mả đẹp. Mẹ của bạn tôi phờ phạc, hết mời người này lại níu giữ người kia. Trong buồng, bà bạn tôi vì thương cha mất đột ngột, ngất lên ngất xuống, phải mời y sĩ trạm y tế xã đến cấp cứu.

Mấy chục mâm cỗ bày la liệt. Mùi xôi thịt, giò chả quyện với hơi người và mồ hôi, tiếng nói chuyện ồn ã làm không khí như đặc quánh lại, ngột ngạt dù bao nhiêu chiếc quạt làm việc hết công suất. Chỗ này gọi rượu, chỗ kia gọi nước mắm không cay, gọi cơm. Những người phục vụ quay như chong chóng. Rượu vào lời ra, nhiều người mặt đỏ phừng phừng nói như cãi nhau. Mâm đàn bà trẻ con ăn loáng cái đã xong. Họ chỉ ăn canh và các món xào. Còn các thứ khác chia nhau mỗi người một túm đem về. Tội nghiệp mấy đứa trẻ theo người lớn đi mặt mũi đỏ gay, nhếch nhác.

Phía cuối rạp, hơn chục mâm cỗ thừa. Một người từ nội thành về, thấy cảnh bày đặt cỗ bàn trong đám hiếu ngạc nhiên hỏi một cô gái phục vụ:

- Cháu ơi, quê mình thời nay vẫn cổ hủ thế sao?

Cô gái lúng túng trả lời:

- Cũng là trả nợ miệng bác ạ. Với lại con cháu, làng xóm phục vụ, chủ hiếu cũng phải có lưng cơm chứ!

Mấy người ngồi mâm bên cạnh bảo nhau:

- Cõ lẽ đã đến lúc làng mình vận động bà con bỏ tệ xôi thịt này thôi! Vừa lãng phí vừa lạc hậu.

Hỏi ra mới biết đó là mấy bác trong Hội cựu chiến binh. Xem ra ý kiến đó được nhiều người ở các mâm khác tán đồng.

Về quê lại càng thấm thía tình làng nghĩa xóm. Ðúng là xóm giềng tắt lửa tối đèn có nhau. Tang gia bối rối, nhưng mọi công việc được chính quyền, đoàn thể cùng họ hàng con cháu lo chu đáo. Nhưng ở quê bây giờ, hiếu hỷ đều cỗ bàn linh đình. Nhà khá giả đã vậy, nhà khó khăn cũng gồng mình 'người ta mười thì mình cũng phải tám chín cho khỏi hổ thẹn'. Xem ra cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa vẫn chưa lan tỏa rộng khắp ở nhiều miền quê còn lắm khó khăn!