TP Huế: Cần kiểm tra, giám sát việc đăng ký thường trú trước mùa tuyển sinh

NDO - Mùa tuyển sinh năm nay nhiều trường “điểm”, trường “đạt chuẩn” ở trung tâm TP Huế rơi vào thế bị động. Nguyên nhân là do không lường trước được số học sinh nội tuyến trên địa bàn tăng đột biến so với điều tra phổ cập giáo dục vừa được trường và chính quyền địa phương tổ chức khảo sát từ đầu năm học trước.
0:00 / 0:00
0:00
Năm học 2022-2023 Trường THCS Chu Văn An bất ngờ tiếp nhận hồ sơ nội tuyến tăng hơn 100 trường hợp so với số lượng khảo sát phổ cập giáo dục.
Năm học 2022-2023 Trường THCS Chu Văn An bất ngờ tiếp nhận hồ sơ nội tuyến tăng hơn 100 trường hợp so với số lượng khảo sát phổ cập giáo dục.

Hồ sơ nội tuyến tăng đột biến

Từ đầu năm học 2021-2022 Trường THCS Chu Văn An cùng chính quyền hai phường Xuân Phú, Phú Hội, thành phố Huế rà soát số học sinh trong độ tuổi ở trên địa bàn để xây dựng phương án tuyển sinh cho năm học kế tiếp. Vậy nhưng đến khi tuyển sinh cho năm học 2022- 2023, nhà trường đã tiếp nhận vượt số khảo sát hơn 80 hồ sơ.

Theo cô Lê Thị Hồng Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, công tác rà soát, điều tra phổ cập giáo dục từ đầu năm rất quan trọng. Từ kết quả điều tra nhà trường xây dựng kế hoạch tuyển sinh cho năm học tiếp theo thí dụ cần bao nhiêu lớp, mỗi lớp bao nhiêu em. Nhưng mọi sự tính toán của trường đã đổ sụp khi phát sinh một lượng lớn học sinh trên địa bàn. Điều này gây trở ngại cho nhà trường về sắp xếp số lớp học, sĩ số học sinh cũng như chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới.

Để giải quyết vấn đề Ban Giám hiệu Trường THCS Chu Văn An đã báo cáo lãnh đạo phòng giáo dục thành phố, tiếp đó, đã dồn học sinh khối lớp 7 để giảm đi 1 lớp, lấy phòng bố trí thêm một lớp 6. Đồng thời tăng số lượng học sinh của mỗi lớp để bố trí hết số học sinh phát sinh…Tuy nhiên đây vẫn chỉ là giải pháp tình thế. Bởi nếu năm học sau, số học sinh vẫn tăng bất ngờ vào sát ngày tuyển sinh như thế này sẽ tiếp tục đặt ra bài toán khó cho nhà trường, nhất là khi lớp đã đầy trò, trường đã đầy phòng, không còn phòng trống để mở thêm lớp.

Theo lãnh đạo các trường “điểm”, trường “đạt chuẩn” trên địa bàn thành phố Huế thì mùa tuyển sinh năm học 2022-2023, các trường đều rơi vào trạng thái lúng túng khi hồ sơ nhập học của học sinh. Bởi các năm trước, hồ sơ nhập học của học sinh đi kèm với bản sao hộ khẩu, từ đó, nhà trường xác định trường hợp này là nội tuyến hay ngoại tuyến. Nhưng năm nay, sau khi áp dụng Luật cư trú 2020, nhiều gia đình học sinh chỉ nộp giấy xác nhận thường trú của cơ quan công an phường cấp. Khi trường yêu cầu bản sao hộ khẩu, phụ huynh học sinh cho biết sau khi làm số định danh cá nhân, cơ quan công an đã thu lại hộ khẩu nên không còn.

Qua tìm hiểu từ số hồ sơ phát sinh, ngoài khu vực phường Xuân Phú do có khối lượng nhà chung cư, đô thị mới vừa đưa vào khai thác, dẫn đến số lượng trẻ ở độ tuổi đến trường tăng đột biến thì ở các phường trung tâm khác, số học sinh tăng chủ yếu thuộc đối tượng “ở nhờ”. Thí dụ, học sinh này trước ở với ba mẹ ở phường Phường Đúc, nhưng năm nay lại làm đơn xin xuống ở nhờ nhà bác ở phường Phú Hội. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận, học sinh này đã có giấy xác nhận thường trú tại phường Phú Hội và đương nhiên được tiếp nhận vào học ở Trường THCS Chu Văn An vì thuộc đối tượng học sinh nội tuyến… Có nhiều hồ sơ nhập học tại các trường “điểm”, trường trung tâm, thời điểm cơ quan công an phường ký xác nhận thường trú cách ngày trường khóa sổ tuyển sinh chỉ 1 ngày.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, hậu kiểm

Trung tá Phùng Thị Nguyên Hương, Phó đội trưởng đội Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an TP Huế cho biết, theo Điều 20 Luật Cư trú 2020, điều kiện cần để xin “ở nhờ” này khá đơn giản. Theo đó, người xin “ở nhờ” phải được sự chấp nhận của chủ nhà hợp pháp. Tiếp nữa, nhà cho “ở nhờ” phải bảo đảm diện tích sàn tối thiểu 10m2/người. Sau khi tiếp nhận hồ sơ xin “ở nhờ” công an phường xã sẽ xác minh, phê duyệt.

Như vậy, điều này cũng tương tự với thủ tục nhập hộ khẩu trước đây. Điểm khác biệt là nhập hộ khẩu do công an thành phố/quận/huyện thực hiện, thì từ ngày 1/7/2021 theo Luật Cư trú 2020, đã được chuyển về công an phường từ việc xác minh đến tiếp nhận, cấp giấy xác nhận.

Hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn cho rằng, việc công an xã/phường "ôm trọn" như thế này rất dễ nảy sinh tiêu cực. Đồng thời sẽ gây khó cho công tác tuyển sinh của các trường “điểm”, trường “đạt chuẩn” vì nhu cầu của học sinh ngoại tuyến về học ở các trường này luôn cao.

Để kết thúc tình trạng này, đề nghị công an thành phố, tỉnh, UBND các phường/xã trên địa bàn tiếp tục quán triệt chỉ đạo của Thành ủy Huế tại văn bản số 540CV/TU ngày 20/9/2017 về Chấn chỉnh tình trạng sử dụng hộ khẩu vào học các trường không đúng tuyến tuyển sinh. Đồng thời kiểm tra, phối hợp mặt trận, chính quyền địa phương kiểm tra thực hư việc ở nhờ, cho phép ở nhờ, đăng ký thường trú để hạn chế tiêu cực, nhất là trước thời điểm tuyển sinh vào các bậc tiểu học, THCS.