Đây là những mục tiêu được Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác của ngành Du lịch TP năm 2020, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 diễn ra ngày 27-1.
Báo cáo của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã làm ngành du lịch của thành phố bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các chỉ tiêu phát triển du lịch đều giảm mạnh. Cụ thể, khách du lịch quốc tế giảm 84,8% so với năm 2019 (đạt 1.303.750 lượt), khách du lịch nội địa giảm 54,2% (đạt 15 triệu lượt), tổng thu từ khách du lịch giảm 40% (đạt 84.000 tỷ đồng).
Trong bối cảnh đó, ngành du lịch thành phố đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động nhằm phục hồi hoạt động kinh doanh du lịch trong trạng thái bình thường mới. Hàng loạt các sự kiện nổi bật được triển khai như lễ hội Áo dài, ngày hội du lịch TP Hồ Chí Minh, chương trình kích cầu, triển khai các cụm liên kết hợp tác với 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Tây Bắc mở rộng, Đông Bắc, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hà Nội. Các nỗ lực này phần nào đã làm “nóng lại” thị trường du lịch thành phố và cả nước.
Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, trong năm 2021, theo kế hoạch, TP sẽ triển khai thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030.
Sở Du lịch sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện đồng bộ giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về tài chính, tín dụng, thuế... do Chính phủ ban hành và nghiên cứu, đề xuất UBND TP một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch.
Sở Du lịch tiếp tục xúc tiến kế hoạch phát triển du lịch gắn với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Củ Chi; hình thành và phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp sinh thái gắn với xu hướng du lịch tại chỗ (staycation) trong điều kiện bình thường mới; nghiên cứu, phát triển du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ...
Một số đại diện doanh nghiệp cho rằng, trong thời gian tới, ngành Du lịch TP Hồ Chí Minh cần khai thác đa dạng, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch như chủ động phối hợp với một số Tổng lãnh sự quán, tổ chức có liên quan để mở một số lợp đào tạo ngôn ngữ Tây Ban Nha, Đức, Nga,...
Đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành Du lịch TP Hồ Chí Minh, bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh đề nghị, ngành Du lịch TP tiếp tục triển khai hiệu quả việc liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương. Trong đó, phát huy vai trò then chốt của doanh nghiệp lữ hành và doanh nghiệp dịch vụ du lịch, hiệp hội du lịch đối với việc xây dựng sản phẩm, chương trình du lịch liên kết độc đáo, khác biệt của mỗi địa phương và của cả vùng.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đánh giá, du lịch Thành phố đã nhanh chóng thích ứng với tình hình mới, đi đầu trong các hoạt động phục hồi du lịch.
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu gợi ý, trong năm 2021, TP Hồ Chí Minh cần tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp như: gỡ khó cho doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch, dịch vụ, phát huy liên kết vùng, chuẩn bị chuẩn bị phục hồi du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép; Đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại ngành du lịch từ thị trường tới sản phẩm, tận dụng xu hướng đầu tư cơ sở hạ tầng lớn, công nghệ 4.0…; Tăng cường hoạt động quảng bá trực tuyến đối với thị trường quốc tế để duy trì hình ảnh điểm đến an toàn, hấp dẫn, sống động, tươi trẻ và đẳng cấp; Tiếp tục năng động, sáng tạo thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; Đồng thời tăng cường công tác quản lý điểm đến, bảo đảm duy trì môi trường du lịch an toàn, thân thiện, văn minh, mến khách, lan tỏa hình ảnh, thương hiệu du lịch TP Hồ Chí Minh một cách mạnh mẽ hơn nữa.