Để chăm sóc, điều trị F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà, Sở Y tế thành phố đã chuẩn bị 150.000 túi thuốc A, B; Bộ Y tế cấp 16.000 túi thuốc C và đã phân bổ vượt so với số bệnh nhân F0 do quận, huyện và TP Thủ Đức báo cáo.
Tuy nhiên, qua kết quả kiểm tra, giám sát của Sở Y tế về hoạt động chăm sóc, quản lý người F0 đang cách ly tại nhà và báo cáo số liệu cấp phát túi thuốc A, B và C hằng ngày từ các Trung tâm y tế, hiện nay, số lượng các túi thuốc được cấp đến bệnh nhân F0 chậm. Còn nhiều bệnh nhân F0 chưa được nhận túi thuốc theo quy định, gây bức xúc cho người bệnh.
Trả lời câu hỏi về nguyên nhân dẫn đến việc phát túi thuốc cho F0 chậm, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu giải thích, hiện thành phố đang tăng cường xét nghiệm trên diện rộng nên số F0 phát hiện tăng lên, danh sách những trường hợp F0 mới cập nhật không kịp. Do đó, có những trường hợp F0 tại nhà chưa kịp nhận túi thuốc A, B, C. Ngoài ra, khi F0 tại nhà tăng lên thì lực lượng y tế tại trạm y tế phường, xã, thị trấn chưa đáp ứng kịp.
TP Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp để chỉnh đốn vấn đề này. Sở Y tế đã tăng cường 40 y, bác sĩ tại các bệnh viện về cho các quận, huyện, những trạm y tế phường, xã có tiến độ chậm; quân đội cũng tăng cường cho thành phố thêm 28 đội y tế lưu động.
Ngoài ra, thành phố cũng ra văn bản nhắc nhở các địa phương đẩy nhanh việc phát thuốc tại nhà.
Theo đó, để bảo đảm bệnh nhân F0 điều trị tại nhà được tiếp cận túi thuốc điều trị kịp thời nhằm giảm trường hợp bệnh nhân F0 chuyển nặng, Sở Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo Giám đốc Trung tâm y tế cùng cấp; Trưởng trạm y tế, Trưởng trạm y tế lưu động khẩn trương rà soát và cấp phát tủi thuốc cho bệnh nhân F0 theo hướng dẫn của Sở Y tế tại công văn số 6296/SYT-NVY ngày 3/9/2021 về việc chăm sóc và quản lý người F0 trên địa bàn, tuyệt đối không để bất kỳ trường hợp bệnh nhân F0 điều trị tại nhà bị thiếu thuốc. Đồng thời, nghiêm khắc phê bình những Trung tâm y tế, Trạm y tế chậm triển khai đưa túi thuốc đến cho người bệnh.
Đặc biệt, đối với túi thuốc điều trị C, loại thuốc kháng virus này được sử dụng dưới sự kiểm soát chặt của Bộ Y tế, do đó việc cung cấp túi thuốc C cần có sự tham vấn của nhân viên y tế, giải thích cho người nhà, bệnh nhân đồng ý sử dụng thuốc, kèm theo 1 quy trình cụ thể nên càng chậm hơn so với việc phát túi thuốc A, B.
Sở Y tế thành phố cũng đã tổ chức các cuộc họp trực tuyến để hỗ trợ, hướng dẫn các trạm y tế tại các quận, huyện nhằm cải tiến quy trình làm việc, tăng tiến độ phát thuốc. Ngành y tế đã đề xuất khi phát hiện ra F0 là phát thuốc ngay; phối hợp 3 đội là đội xét nghiệm, đội chăm sóc F0 tại nhà, đội tiêm chủng để đẩy nhanh tiến độ phát thuốc; bổ sung thiết bị vi tính, phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin để có thể nhập liệu nhanh số liệu các bệnh nhân F0.
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, củng cố hệ thống y tế cộng đồng để chăm sóc, điều trị F0 tại nhà, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp chuyển nặng là chiến lược quan trọng của thành phố hiện nay và trong thời gian tới nhằm giảm các ca chuyển nặng, qua đó giảm tỷ lệ tử vong.
Theo thông tin từ buổi họp báo, từ 18 giờ ngày 4/9 đến 18 giờ 5/9, thành phố đã lấy 239.221 mẫu xét nghiệm, trong đó có 6.436 mẫu đơn và 11.258 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 254.957 mẫu.
Tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 5/9 là 6.553.548 (tăng 108.722 mũi vaccine so với ngày 4/9); trong đó, tổng số mũi 1 là 6.054.992, mũi 2 là 498.556, số người được tiêm hơn 65 tuổi, người có bệnh nền là 700.519.