Sáng 16-6, PGS, TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP Hồ Chí Minh phòng, chống dịch Covid-19 (lần 2) đã đến kiểm tra và làm việc với Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh.
Báo cáo với Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, GS, TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ, chức năng đã được phân công, trước những diễn biến dịch tại TP Hồ Chí Minh Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh trong công tác xét nghiệm, truy vết, điều tra dịch tễ…
Đối với công tác xét nghiệm, hiện viện đang thực hiện hỗ trợ ngành y tế TP Hồ Chí Minh thực hiện 3.000 mẫu xét nghiệm mỗi ngày, ưu tiên các mẫu xét nghiệm của các trường hợp F1 sau đó mới đến các trường hợp khác.
Chỉ tính riêng trong ngày 15-6, viện đã hỗ trợ TP Hồ Chí Minh thực hiện khoảng 2.500 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó có hơn 330 mẫu là của các trường hợp F1. Viện cũng đã xây dựng các kịch bản để sẵn sàng huy động, nâng cao công suất xét nghiệm dựa trên các tình huống thực tế của công tác phòng, chống dịch.
Về công tác truy vết, điều tra dịch tễ, ThS, BS Lương Chấn Quang, Phụ trách Khoa Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh đã có báo cáo nhanh về mối liên hệ, tình hình diễn tiến của các chuỗi lây nhiễm Covid-19 tại các tỉnh khu vực phía nam.
Theo đó, trong đợt dịch lần này ngoài TP Hồ Chí Minh, tại khu vực phía nam đã ghi nhận tám tỉnh, thành phố có xuất hiện các trường hợp bệnh nhân Covid-19, với nhiều mối liên hệ liên quan.
Tính đến nay đã có nhiều tỉnh thành phía nam không ghi nhận ca bệnh mới trong vòng 14 ngày qua, riêng hai tỉnh Bình Dương và Tiền Giang hiện đang được xem là khu vực cần quan tâm trọng điểm. Tại TP Hồ Chí Minh, công tác xét nghiệm, truy vết, điều tra dịch tễ được thực hiện với sự phối hợp của nhiều đơn vị liên quan với đầu mối chính là Trung tâm kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh.
Sau quá trình kiểm tra và nghe báo cáo từ Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã đánh giá cao những nỗ lực, hiệu quả công tác của viện và giao viện phối hợp, hỗ trợ TP Hồ Chí Minh sớm triển khai các biện pháp test nhanh cho các đối tượng tiếp xúc ngay khi xuất hiện các ca dương tính nhằm nhanh chóng phân nhóm nguy cơ, để áp dụng và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với từng nhóm.
Bên cạnh đó, viện cần phối hợp cùng ngành y tế TP Hồ Chí Minh nhanh chóng thực hiện các biện pháp xét nghiệm toàn diện hơn khi cần thiết nhằm phục vụ kịp thời công tác truy vết, điều tra dịch tễ; Xây dựng kế hoạch tổng thể về huy động nguồn nhân lực, trang thiết bị xét nghiệm từ các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn để sẵn sàng điều động và ứng phó khi cần.
Đánh giá về tình hình dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhận định thành phố có rất nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng. Điều này chứng tỏ mức độ lan rộng không chỉ tập trung ở một nguồn duy nhất, mà có thể từ nhiều nguồn khác nhau. Vì vậy, công tác dập dịch ở TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới phải rất tích cực.
Theo Thứ trưởng, hiện nay, kết quả giải trình tự gene virus SARS-CoV-2 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn là chủng B.1.617.2, chủng có nguồn gốc ở Ấn Độ, hay còn gọi là biến chủng Delta. Biến chủng Delta có khả năng phát tán nhanh hơn khoảng 60 lần so với chủng virus ở Anh (phát hiện tại Hải Dương). Và độc lực của chủng này cũng có xu hướng tăng lên.
TP Hồ Chí Minh đang là điểm nóng của dịch Covid-19 trong đợt bùng phát lần thứ 4 này tại Việt Nam. Từ ngày 27-4 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 1.015 bệnh nhân Covid-19, xếp thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.