TP Hồ Chí Minh - Hậu phương trực tiếp cho cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam

Sau Đại thắng mùa xuân năm 1975, TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập. Thế nhưng, nguyện vọng hòa bình, ổn định để hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và phát triển đất nước đã bị chế độ Pôn Pốt - Iêng Xari ra sức ngăn cản, khi chúng thi hành chính sách xâm lược, kích động hận thù dân tộc. Để góp phần bảo vệ đất nước và giúp đỡ nước bạn Campuchia trước nạn diệt chủng, TP Hồ Chí Minh đã trở thành hậu phương trực tiếp cho cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Nhắc lại thời kỳ lịch sử đó, Đại tá, PGS, TS Hồ Sơn Đài, cho biết: Để kịp thời giúp đỡ những người yêu nước Campuchia tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) trở về giải phóng đất nước, trong nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 1978, Đảng ủy Quân khu 7 đã ban hành Nghị quyết xác định: “Tích cực giúp đỡ Bạn khẩn trương xây dựng lực lượng cách mạng chân chính của dân tộc Campuchia…; tích cực bắt liên lạc và hỗ trợ cho các lực lượng cách mạng Campuchia xây dựng và phát triển; xây dựng căn cứ, tạo địa bàn cho Bạn hoạt động tốt bên trong Campuchia; chú trọng giữ dân và đưa dân về vùng giải phóng cho Bạn…”. Quán triệt nghị quyết của Thành ủy về nhiệm vụ tiếp tục đưa lực lượng lên sát cánh cùng quân và dân Tây Ninh chiến đấu bảo vệ biên giới, ngày 25-9-1978, tại sân vận động Thống Nhất, Thành ủy, UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trọng thể buổi lễ xuất quân cho LLVT thành phố lên đường bảo vệ Tổ quốc, với sự chứng kiến, cổ vũ nồng nhiệt của hàng chục nghìn người dân thành phố. Cùng với trung đoàn Gia Định, trong thời gian diễn ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, TP Hồ Chí Minh đã lần lượt tiễn Trung đoàn Quyết Thắng, Trung đoàn Thi công cơ giới, các tiểu đoàn địa phương và Tổng đội thanh niên xung phong lên tuyến biên giới chiến đấu và phục vụ chiến đấu. LLVT và nhân dân thành phố đã tham gia góp phần cùng quân, dân cả nước đẩy lùi, đập tan cuộc chiến tranh xâm lấn lãnh thổ của tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari, hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Đại úy Hoàng Ngọc Trung, ở quận 8, cựu chiến binh từng chiến đấu tại chiến trường Campuchia, nhớ lại: Ngay khi miền nam được giải phóng, tôi cùng các đồng đội trong đơn vị lại tiếp tục cầm súng hành quân về khu vực biên giới Tây Nam để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trước sự xâm lược và âm mưu của chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Suốt 15 tháng diễn ra cuộc chiến tranh, các cơ quan, đoàn thể, cùng nhân dân thành phố luôn hướng về mặt trận, bằng sự chi viện thiết thực cả về vật chất, lẫn tinh thần. Được sự lãnh đạo của Thành ủy, nhân dân thành phố đã dấy lên phong trào hướng ra tiền tuyến, thiết thực trợ lực cho phía trước, vừa chăm lo củng cố hậu phương chiến lược, vừa dồn sức vào mục tiêu đánh thắng quân xâm lược. Chỉ trong thời gian ngắn, thành phố đã chuyển lên biên giới ba triệu cây chông tre và chông sắt, hơn 480 nghìn bàn chông sắt, 70 tấn thép, 82 tấn xi-măng, hơn 96 nghìn cuốc, xẻng, năm nghìn dao tông, lưỡi cưa, cùng năm nghìn đoàn viên, thanh niên lên góp sức cùng đồng bào Tây Ninh xây dựng tuyến phòng thủ để ngăn chặn tội ác của tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari.

Riêng lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP), thành phố đã huy động 10 nghìn lượt đội viên TNXP lên biên giới tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Các tổng đội TNXP suốt 300 ngày đêm phục vụ trên tuyến biên giới Tây Nam, đã thực hiện một triệu ngày công để vận chuyển 20 nghìn tấn đạn, 30 nghìn tấn nhu yếu phẩm, 100 nghìn tấn gạo... Cùng với đó, lực lượng TNXP thành phố Hồ Chí Minh vừa làm nhiệm vụ hậu cần, công binh, tải thương, vừa trực tiếp chiến đấu chống địch bao vây, phục kích. Có thể nói, trên tuyến biên giới Tây Nam, TNXP là lực lượng sẵn sàng hy sinh để bảo vệ thương binh, trợ giúp đắc lực cho các đơn vị bộ đội chiến đấu hiệu quả nhất và còn là đội dự bị quân số cho các đơn vị bộ đội chủ lực trên chiến trường khi có yêu cầu.

Những phong trào: “Vì tuyến đầu Tổ quốc”, “Nối bước chân anh hùng” đã được phát động sâu rộng trong nhân dân. Các cháu thiếu nhi với phong trào: “Một tập giấy, một phong thư cho các chú bộ đội”, cùng nhân dân các giới gửi hơn 30 nghìn lá thư từ hậu phương để động viên cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đông đảo công nhân tích cực thi đua “Lao động ngoài giờ vì tiền tuyến”… Thành phố đã tổ chức hơn 40 đoàn đại biểu của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các đoàn văn công, các trường học lên biên giới thăm hỏi, phục vụ nghệ thuật, tặng quà cho bộ đội. Sức mạnh của hậu phương là đặc trưng nổi bật của sức mạnh chiến tranh nhân dân trên địa bàn chiến lược của thành phố. Đặc biệt, các giới, các ngành của thành phố đồng loạt ra quân xây dựng sáu công trình phòng thủ thành phố, với gần 200 nghìn lượt người tham gia lao động.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia, Quân tình nguyện Việt Nam đã phối hợp LLVT cách mạng Campuchia liên tục tiến công và truy quét địch, tiêu diệt và làm tan rã hàng chục sư đoàn quân Pôn Pốt - Iêng Xari, giải phóng nhiều tỉnh, thành phố... Ngày 7-1-1979, TP Phnôm Pênh được giải phóng. Tuy nhiên, TP Phnôm Pênh tan hoang như một thành phố “chết”, chính quyền và nhân dân nơi đây đối mặt với vô vàn khó khăn trước mắt. Trên cơ sở Hiệp ước Hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân Dân Campuchia, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh đã cử một đoàn cán bộ cùng hàng nghìn công nhân kỹ thuật, TNXP sang giúp Bạn những công việc cấp bách. Cuối tháng 1-1979, đoàn chuyên gia TP Hồ Chí Minh do đồng chí Lê Đình Nhơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố làm trưởng đoàn, cùng năm cán bộ Phó đoàn phụ trách các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quân sự, an ninh, Đảng, cơ quan và Mặt trận. Trong thời gian này, đã có hơn 500 lượt chuyên gia dài hạn và hơn 1.000 chuyên gia ngắn hạn sang phối hợp nhân dân nước bạn khôi phục đất nước sau chiến tranh. Tuy gặp nhiều khó khăn thử thách, nhưng các chuyên gia của đoàn đều nỗ lực nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, nhiệt tình, đem trí tuệ, nghị lực để làm việc, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ TP Phnôm Pênh.

Từ một thành phố “chết”, TP Phnôm Pênh ngày nay đã hồi sinh và phát triển. Các giá trị văn hóa và đời sống của người dân, nền kinh tế - xã hội phát triển ổn định.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Cách Mạng, nhận định: Ngày 7-1-1979 đã đi vào lịch sử như là mốc son của tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung; của tình hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia, mở ra một trang mới trong quan hệ láng giềng giữa hai nước. 40 năm qua, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam - Campuchia đã và đang phát triển lên tầm cao mới. Hợp tác kinh tế giữa hai nước tiếp tục được mở rộng, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều năm 2018 tăng khá, đạt 4,5 tỷ USD, đang phấn đấu đạt 5 tỷ USD trước năm 2020. Riêng TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn, góp phần vun đắp tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam -Campuchia.