TP Hồ Chí Minh chưa có kế hoạch tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em

NDO -

Chiều 18/10, tại buổi họp báo thông tin về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh cho biết thành phố chưa có kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em.

Tại buổi họp báo.
Tại buổi họp báo.

Ông Phạm Đức Hải nói rõ, ngày 14/10, Bộ Y tế có văn bản số 8688/BYT-DP về việc tiêm phòng vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có Tờ trình trình UBND thành phố để chuẩn bị thực hiện tiêm vaccine cho trẻ em theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. 

“Hiện giờ chưa có kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em tại thành phố. Sau khi Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể hơn, đó là loại vaccine nào, tiêm vào thời điểm nào, tiêm như thế nào, Sở Y tế thành phố sẽ tiếp tục hoàn chỉnh tờ trình, từ đó UBND thành phố ban hành kế hoạch về tiêm vaccine cho trẻ em theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế”, ông Phạm Đức Hải thông tin.

Ông Phạm Đức Hải cũng cho biết thêm, những ngày qua, số bệnh nhân nặng đang thở máy ở thành phố có xu hướng giảm ngày càng rõ rệt. Nếu như cuối tháng 8, thành phố có khoảng 2.500 ca phải thở máy thì đến ngày 14/10 còn 458 ca; ngày 15/10 là 443 ca và ngày 17/10 là 404 ca. Số ca nhập viện cũng ngày càng giảm và thấp hơn số ca xuất viện. Cụ thể, ngày 14/10 là 1.022 ca nhập viện và ngày 17/10 là 640 ca. Về số ca tử vong, ngày 14/10, thành phố có 61 trường hợp; ngày 15/10 là 58 trường hợp; ngày 16/10 là 38 trường hợp và 17/10 là 51 trường hợp.

Trả lời câu hỏi về tiến độ thu hẹp bệnh viện dã chiến, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Lê Thiện Quỳnh Như cho biết, ngày 8/10, Sở Y tế có Tờ trình lên UBND thành phố về lộ trình tái cấu trúc các bệnh viện dã chiến giai đoạn sau 1/10. Theo đó, ngày 15/10, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận Trung tâm Hồi sức của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận Trung tâm Hồi sức thuộc Bệnh viện Bạch Mai.  Dự kiến cuối năm 2021, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ tiếp nhận Bệnh viện Trung ương Huế.

Thành phố đã có lộ trình ngưng các bệnh viện dã chiến. Cụ thể, đến ngày 31/10, thành phố sẽ ngưng hoạt động 5 bệnh viện: Bệnh viện dã chiến Củ Chi cơ sở 2, 3; Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1, số 7, số 9. Đến ngày 30/11, 5 bệnh viện dã chiến tiếp tục ngưng hoạt động đó là bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 2, 4, 10, 11 và 12. Đến ngày 31/12, thành phố tiếp tục ngưng hoạt động 5 bệnh viện: Bệnh viên dã chiến Củ Chi cơ sở 1; Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 3, 5, 6, 8. Trang thiết bị tại các bệnh viện dã chiến này sẽ được điều chuyển cho bệnh viện các quận, huyện và chuyển cho bệnh viện dã chiến 3 tầng tại Bệnh viện dã chiến số 13, 14, 16.

Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Lê Thiện Quỳnh Như cho biết thêm, khi các lực lượng hỗ trợ rút về, thành phố sẽ điều động luân phiên nhân viên y tế từ các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của thành phố và các quận, huyện về các bệnh viện dã chiến 3 tầng làm việc. Tại đây, các bệnh viện phụ trách các trung tâm hồi sức tích cực sẽ tiến hành đào tạo chuyên môn về hồi sức cấp cứu cho các y, bác sĩ, điều dưỡng làm nhiệm vụ luân phiên, bảo đảm có đầy đủ khả năng khám, chữa bệnh và điều trị cho bệnh nhân F0.

Chiến dịch tiêm vaccine nhanh, an toàn, hiệu quả cho toàn dân