Ðà Nẵng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng và chất lượng khu vực dịch vụ và công nghiệp; thúc đẩy phát triển nhanh các ngành dịch vụ có lợi thế cùng với nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh, tăng cường xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Tập trung phát triển công nghiệp, thủy sản, nông - lâm nghiệp, kinh tế biển để tạo ra nhiều sản phẩm mới có giá trị tăng cao; tạo tiền đề trong việc thực hiện kế hoạch năm năm (2011-2015). Thành phố đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước cùng với tăng cao tỷ trọng vốn thực hiện với mức huy động vốn năm 2011 đạt khoảng 19.860 tỷ đồng. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, công tác quản lý đầu tư, xây dựng cơ bản, quản lý đô thị; gắn phát triển kinh tế-xã hội với bảo vệ tài nguyên môi trường; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới của thành phố xuống còn 5,5-6% và không còn hộ đặc biệt nghèo.
Ðể thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chủ yếu trên, TP Ðà Nẵng đề ra nhiệm vụ trọng tâm như thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư; thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển với tốc độ nhanh, bền vững; ưu tiên đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển và nâng cao các ngành dịch vụ có tiềm năng; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án giải tỏa, tái định cư trọng điểm. Ðà Nẵng tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội. Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm. Các cấp ủy đảng quán triệt và triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Ðại hội lần thứ XI của Ðảng, Nghị quyết Ðại hội lần thứ 20 của Ðảng bộ thành phố; tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; chú trọng xây dựng tổ chức đảng và các đoàn thể chính trị-xã hội trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Ðẩy mạnh công tác cán bộ và cải cách hành chính, phát huy dân chủ, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp.
* Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Hưng Yên nhiệm kỳ 2010-2015 chủ trương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HÐH; phát triển nhanh và bền vững gắn với tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng. Tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12,5%/năm; đến năm 2015, cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng: nông nghiệp 17% - công nghiệp, xây dựng 50% - dịch vụ 33%; tổng thu ngân sách đạt 6.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt 45 triệu đồng/người/năm.
Ðể thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu đề ra trong nghị quyết, tỉnh Hưng Yên tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: rà soát, hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành gắn với quy hoạch và xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững; tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Hưng Yên tập trung phát triển nhanh công nghiệp theo hướng hiện đại; ưu tiên các dự án lớn, công nghệ cao và thân thiện với môi trường, sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đóng góp nguồn ngân sách lớn.
Tỉnh huy động mọi nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến đầu tư; ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm chất lượng giáo dục và cân đối về quy mô, loại hình đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ CNH, HÐH. Tỉnh quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ, công chức các cấp, đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật. Hưng Yên phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của khu vực đồng bằng sông Hồng.