Hướng đến Ngày kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam (10-8-1961 - 10-8-2011), Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin Đà Nẵng phối hợp với Đảng ủy khối cơ quan TP, Hội cựu chiến binh, Sở Giáo dục - Đào tạo, UBND quận Hải Châu, VTV Đà Nẵng, Liên hiệp các Hội hữu nghị Đà Nẵng tổ chức Chương trình Đồng hành đi bộ, ký tên vì công lý và triển lãm tranh ảnh về nạn nhân chất độc da cam và truyền hình trực tiếp Chung tay vì nỗi đau da cam nhằm gây quỹ giúp các NNCĐDC tại cộng đồng.
Sau khi ký tên vì công lý nhằm kêu gọi, ủng hộ hành trình đi tìm công lý cho các NNCĐ da cam/điôxin, các tình nguyện viên cùng tham gia cuộc đi bộ với hành trình hơn 3 km trong khoảng một giờ đồng hồ và nhận được hơn hai tỷ đồng ủng hộ từ các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Năm năm qua, Hội NNCĐDC TP Đà Nẵng đã vận động, quyên góp được tổng số tiền là 35 tỷ đồng để giúp đỡ, chăm sóc, xây dựng và mua sắm các thiết bị phục vụ các NNCĐDC. Chương trình giao lưu trực tiếp Chung tay vì nỗi đau da cam sẽ gặp gỡ những số phận đang sống trong tận cùng nỗi đau của thảm họa chiến tranh cũng như nghị lực vươn lên trong cuộc sống của họ; trao đổi với các tổ chức, cá nhân hảo tâm về các phương án, kế hoạch giúp đỡ hơn năm nghìn nạn nhân tại TP Đà Nẵng đang ngày ngày đối mặt với những khó khăn. Bà Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội NNCĐDC TP Đà Nẵng nói: “Rất mong nhận được sự ủng hộ, đóng góp từ cộng đồng để góp phần mang lại tiếng cười, niềm tin yêu cuộc sống cho những nạn nhân da cam/ đioxin của TP Đà Nẵng nói chung và hơn 300 cháu hiện đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại ba cơ sở thuộc Trung tâm”.
Lần đầu tiên tham gia chương trình đồng hành đi bộ, ký tên vì công lý, sinh viên Phan Thị Thu Huyền, học năm thứ hai, Khoa ngữ văn, trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng xúc động chia sẻ “Có tận mắt chứng kiến nỗi đau, và những mất mát mà các nạn nhân chất độc da cam trải qua thì mới thấu hiểu được nỗi đau đớn tận cùng của họ. Cộng đồng cần rộng vòng tay sẻ chia và giúp đỡ họ, bằng tinh thần và vật chất, bằng những việc làm thiết thực nhất”.
Ngay sau chương trình đi bộ, các tình nguyện viên đã cùng sẻ chia với nỗi đau da cam/điôxin qua triển lãm những hình ảnh về cuộc sống của các nạn nhân chât độc da cam/điôxin. Với hàng chục bức tranh do các nạn nhân tự vẽ, hàng trăm bức ảnh chụp lại nhiều góc cạnh của cuộc sống nạn nhân. Người xem như được sống cùng nỗi đau của các nạn nhân và đồng lòng góp tay, chung sức về tinh thần, vật chất để cùng giúp đỡ họ vượt qua những bất hạnh, khó khăn trong cuộc sống. Ông Lê Văn Thanh, Hội Cựu chiến binh quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) chia sẻ: “Nhìn những bức ảnh của con em bạn bè, đồng đội, đồng chí của mình phải mang trong mình những di chứng của chiến tranh, nhiều đêm tôi không ngủ được. Mỗi chúng ta cần có trách nhiệm để cùng xoa dịu nỗi đau này, cho cuộc sống của họ đỡ phần khó khăn, vất vả”.
Trong chương trình truyền hình trực tiếp giao lưu Chung tay vì nỗi đau da cam ngay trong sáng cùng ngày, hội trường Nhà hát Trưng vương chật kín người, ai cũng lặng đi trong cảm xúc khi được gặp gỡ những gia đình có nhiều thế hệ bị nhiễm di chứng chiến tranh, càng xúc động hơn khi nghe các em nạn nhân chất độc da cam biểu diễn các tiết mục văn nghệ. Họ đã vượt lên số phận, vượt lên nỗi đau thể xác để được sống với cuộc đời thật ý nghĩa. Những nụ cười không bao giờ tắt trên những gương mặt, những thân hình mang di chứng chiến tranh. Xoa dịu nỗi đau da cam là trách nhiệm của lương tâm và trách nhiệm.