Cuốn truyện thiếu nhi đình đám của văn học Nhật Bản
Nữ tác giả Kuroyanagi Tetsuko, ngoài vai trò là nhà văn, còn là nữ diễn viên, người dẫn chương trình truyền hình, vận động viên, và là Đại sứ thiện chí của UNESCO... Hiện nay, dù đã 77 tuổi, bà vẫn là một người dẫn chương trình được yêu thích ở Nhật.
Cuốn sách kể về thời thơ ấu của chính Tetsuko, với cá tính nghịch ngợm, mà ngày nay các bác sĩ tâm lý thường gọi là chứng tăng động ở trẻ em. Những trò nghịch ngợm không bao giờ chấm dứt của Tottochan (tên gọi thân mật của Tetsuko – nghĩa là bé xíu) đã khiến cho các giáo viên không thể chịu đựng được, và mẹ buộc phải chuyển con gái mình sang một ngôi trường đặc biệt. Ngôi trường đó với những phương pháp giáo dục khác biệt, dạy và học khá tự do, đã tạo nên một thế giới kỳ diệu cho Tottochan và các bạn học của mình. Đáng lưu ý, nghe mô tả trong truyện thì đầy vẻ hoang đường, nhưng thực tế, Tomoe lại là ngôi trường hoàn toàn có thật, và chỉ bị đóng cửa khi chiến tranh xảy ra.
Ông Takeji Yoshikawa, Giám đốc Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản cho biết, khi lần đầu ra mắt bạn đọc, với thiết kế bìa minh họa của họa sĩ Iwasaki Chihiro, cuốn sách chỉ thu hút các độc giả nữ chứ chưa được độc giả nam chú ý đến. Về sau, một số độc giả nam đã đọc cuốn sách này từ bạn gái của mình và truyền tai nhau về một nội dung kỳ lạ và hấp dẫn của cuốn sách. Cuốn sách ngày càng được phổ biến trong giới trẻ Nhật Bản và bán ngày một chạy.
Tính đến năm 2001, Tottochan bên cửa sổ đã bán được khoảng 9,1 triệu bản, là một trong những cuốn sách bán chạy nhất ở Nhật Bản, chỉ sau Rừng Nauy và No one’s perfect. Sách được dịch ra 33 thứ tiếng trên thế giới, thậm chí còn được đưa vào trong sách giáo khoa tiểu học của Nhật Bản.
Là một cuốn tự truyện, nhưng cuốn sách cũng đưa ra một phương thức tiếp cận rất tốt đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ mắc chứng tăng động, hiếu động quá mức. Tất cả những chuyện được kể trong Tottochan ngồi bên cửa sổ đều nhằm nói rằng, người lớn cần phải biết lắng nghe con trẻ, phải tạo một bầu không khí vui vẻ để trẻ em có thể nói ra những gì chúng nghĩ. Cũng chính vì lý do này, tác giả Kuroyanagi Tetsuko đã lựa chọn nghề dẫn chương trình truyền hình để được gặp gỡ, trò chuyện với nhiều người, và để lắng nghe mọi người nói. Trong chuyện, Tottochan cũng là cô bé nói rất nhiều, trong buổi gặp gỡ đầu tiên, cô đã nói chuyện với thầy hiệu trưởng tới 4 tiếng đồng hồ. Và ngôi trường cũng là nơi cô bé học cách lắng nghe người khác.
Một diện mạo mới hoàn toàn
Bản dịch đầu tiên của cuốn sách được phát hành ở Việt Nam năm 1989, với tên gọi Tottochan – cô bé ngồi bên cửa sổ. Bản này được dịch từ tiếng Anh, dưới sự cho phép của UNICEF, nơi mà nữ tác giả đã từng tặng tiền bản quyền cuốn sách.
Bản dịch mới nhất này là bản đầu tiên và duy nhất được dịch từ nguyên bản tiếng Nhật của Nhà xuất bản Kodansha, cùng với toàn bộ tranh minh họa nguyên gốc rất dễ thương của họa sĩ Iwasaki Chihiro, một họa sĩ rất nổi tiếng ở Nhật Bản, trong đó có 8 bức in màu. Việc sử dụng những bức tranh minh họa này cũng nằm trong yêu cầu của phía đối tác đối với Nhã Nam khi trao bản quyền cuốn sách.
Toàn bộ quá trình đàm phán mua bản quyền cuốn sách diễn ra trong vòng khoảng gần 2 năm, trong đó lâu nhất là đàm phán quyền sử dụng số tranh minh họa gốc của họa sĩ Chihiro với Bảo tàng Mỹ thuật Chihiro, kéo dài tới 1 năm, do một vài trục trặc trong liên lạc. Kết quả là cuốn sách với một diện mạo mới hoàn toàn đã ra mắt độc giả, với những ưu ái đặc biệt từ phía các đối tác Nhật Bản để cuốn sách được xuất bản đúng thời hạn, như được mua bản quyền tranh minh họa với một số tiền tượng trưng, và được sử dụng tranh qua một ghi nhớ giữa hai bên, trước khi làm hợp đồng chính thức….
Người chuyển ngữ tác phẩm từ bản gốc sang tiếng Việt là dịch giả Trương Thùy Lan, một dịch giả nữ còn rất trẻ. Câu chuyện về cô bé cá tính, nghịch ngợm Tottochan được kể bằng một giọng văn rất dễ thương và gần gũi, và sát với bản gốc nhất. Trương Thùy Lan cho biết, cô vốn mê câu chuyện về Tottochan từ bé, sau này học tiếng Nhật và có điều kiện sang Nhật Bản, cô đã mày mò đi tìm bằng được cuốn sách bằng tiếng Nhật. Khi Nhã Nam đề nghị dịch, Trương Thùy Lan đã bắt tay vào công việc luôn mà không cần chờ đến ngày ký hợp đồng. Toàn bộ cuốn sách hơn 350 trang được cô dịch trong vòng hơn một tháng, một tốc độ đáng nể đối với một dịch giả trẻ. Phần khó nhất đối với Thùy Lan trong cuốn sách là những vần thơ haiku, thơ ngụ ngôn, vè… phải làm sao để chuyển ngữ thật thanh thoát, vừa sát nghĩa lại vừa có vần, điệu.
Đối với Trương Thùy Lan, hai lần đến với Tottochan đã đem lại cho cô những cảm nhận khác nhau. Hồi nhỏ khi đọc sách, cô chỉ thấy đó là một câu chuyện ngộ nghĩnh, và mơ ước giá như mình được học tại một ngôi trường tiểu học như Tomoe, không phải học nhiều, có những người thầy không mắng học trò. Khi đã trưởng thành, được trực tiếp dịch cuốn sách từ tiếng Nhật, nữ dịch giả mới cảm nhận được những bài học đầy tính nhân văn trong câu chuyện, từ tình bạn cho đến việc chia sẻ tình yêu thương đối với những trẻ em có sự khác biệt đối với các bạn trong cuộc sống, cũng như những bài học về tính tự giác, tinh thần trách nhiệm dành cho trẻ em trong mỗi câu chuyện của Tottochan.
Nổi tiếng từ cách đây hơn hai thập kỷ, Tottochan đã để lại dấu ấn cho một thế hệ bạn đọc Việt Nam. Lần này trở lại, vẫn với những điều thú vị hấp dẫn như trước, ngoài những bài học trong mỗi câu chuyện, Tottochan còn là một cánh cửa mở rộng để bạn đọc khám phá thêm nhiều điều thú vị của đất nước Nhật Bản.