Ngày 10/7, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, khai mạc kỳ họp thứ 24, kỳ họp thường lệ quan trọng để đánh giá tình hình 6 tháng đầu năm, đề ra các giải pháp nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và quyết định nhiều nội dung quan trọng theo thẩm quyền, có ý nghĩa tác động lớn đến kinh tế-xã hội của tỉnh.
Các Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh: Trần Xuân Vinh và Nguyễn Công Thanh chủ trì kỳ họp. Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cùng các đồng chí Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh dự kỳ họp.
Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Trần Xuân Vinh phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 24, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam khóa X. |
Trình bày báo cáo tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Phan Thái Bình, cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023; tăng trưởng kinh tế của tỉnh đã có chuyển biến tích cực, tạm thời chấm dứt đà tăng trưởng âm trong quý I (giảm 1,5%), đạt mức tăng trưởng dương vào quý II (tăng 6,5%).
Quy mô nền kinh tế gần 59 nghìn tỷ đồng, xếp vị thứ 26/63 tỉnh, thành phố (xếp vị thứ 7/14 tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung). Khu vực công nghiệp-xây dựng tăng 4,7% so với cùng kỳ 2023; khu vực dịch vụ tăng 4,4% so với cùng kỳ 2023.
Tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch đạt 4,6 triệu lượt, tăng 18%; trong đó: khách quốc tế đạt gần 3,1 triệu lượt, tăng 27% và khách nội địa đạt 1,5 triệu lượt, tăng 4%. Doanh thu du lịch đạt 3.870 tỷ đồng, tăng 11% và thu nhập xã hội từ du lịch đạt 9.095 tỷ đồng.
Du khách tham quan Khu phố cổ Hội An. |
Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng 12.221 tỷ đồng, đạt 51,8% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, thu nội địa 10.152 tỷ đồng, đạt 50,51% và thu xuất nhập khẩu 3.224 tỷ đồng, đạt 59%.
Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu gần 2,1 tỷ USD, tăng 11,2%; gồm kim ngạch xuất khẩu đạt 0,9 tỷ USD, tăng 2,6% và kim ngạch nhập khẩu đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng 18,9% so cùng kỳ năm 2023.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn tỉnh gần 17,7 nghìn tỷ đồng, tăng 21,3% so với cùng kỳ 2023. Tổng vốn đầu tư công năm 2024 hơn 8.884 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6, giải ngân 2.105 tỷ đồng, đạt 23,7%; trong đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 giải ngân 1.667 tỷ đồng, đạt 23,6%; kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài giải ngân 438 tỷ đồng, đạt 24%.
Tính đến ngày 30/6, có 588 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với số vốn đăng ký 3.335 tỷ đồng; đã cấp mới 7 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 124 triệu USD, cấp mới 15 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký hơn 4.245 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 198 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 6,2 tỷ USD.
Trong 6 tháng qua, công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường; chất lượng giáo dục được nâng cao; ngành văn hóa thể thao đạt nhiều kết quả khả quan. Công tác giảm nghèo, an sinh xã hội được quan tâm và thực hiện kịp thời; công tác bảo vệ môi trường, ứng dụng khoa học công nghệ được tăng cường.
Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số được triển khai quyết liệt; công tác thanh tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo có trọng tâm, trọng điểm. Công tác quốc phòng được tăng cường; tình hình an ninh trật tự trên địa bàn ổn định; hoạt động đối ngoại tiếp tục được củng cố...
Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp. |
Phát biểu tại buổi khai mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nêu bật lên những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm; đồng thời chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần tìm giải pháp tháo gỡ, khắc phục trong thời gian đến.
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị các vị đại biểu thảo luận, làm rõ những vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm; nêu rõ những mặt tích cực, những động lực mới để phát huy tốt hơn; thẳng thắn phân tích, nhận diện những nguyên nhân của tồn tại hạn chế, nhất là những nguyên nhân mang tính chủ quan.
Từ đó đề xuất, quyết định các giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn trong thời gian tới, thực hiện tốt phương châm: Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững.
Cụ thể: Một là, tập trung thảo luận để có giải pháp thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ chính như: Nâng cao hiệu quả điều hành ngân sách nhà nước, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 93/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát; đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, quyết tâm cải thiện bằng được thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường hiệu quả xúc tiến đầu tư, nhất là với các dự án, đề án đã được công bố sau lễ công bố quy hoạch tỉnh.
Ba là, tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường, xử lý chất thải rắn, quản lý tài chính, đấu giá, đấu thầu...
Bốn là, đẩy nhanh các quy trình thủ tục thuộc thẩm quyền và quyết liệt thực hiện các cơ chế, giải pháp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến kế hoạch sử dụng đất, xác định giá đất, đền bù hỗ trợ thu hồi đất, chuyển mục đích sử đất, chuyển mục đích sử dụng rừng; các vấn đề liên quan đến khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường… nhằm thúc đẩy tiến độ thi công các dự án, công trình.
Năm là, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, tăng cường phân cấp cho địa phương quản lý, tổ chức thực hiện; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội miền núi; cơ chế khuyến khích phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh
Sáu là, làm tốt hơn nữa công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, công tác đền ơn đáp nghĩa, chương trình hỗ trợ xoá nhà tạm, nhất là với các trường hợp khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa bảo đảm và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị tiếp tục phát huy vai trò Hội đồng nhân dân tỉnh trong công tác xây dựng thể chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; nhất là xây dựng văn bản cụ thể hóa các chính sách theo quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản để kịp thời thực hiện khi các quy định của các luật này có hiệu lực thi hành.
Chú trọng công tác xây dựng nghị quyết, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền bảo đảm đúng quy định của trung ương và phù hợp thực tiễn của tỉnh. Tăng cường giám sát, theo dõi thực hiện các chủ trương, chính sách được Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành để kịp thời phát hiện sơ hở, bất cập và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
Cạnh đó, cần rà soát các chính sách do Hội đồng nhân dân đã ban hành, bảo đảm các chính sách thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ đúng đối tượng. Sớm rà soát các chính sách, các quyết nghị của Hội đồng nhân dân liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp; các chính sách liên quan đến thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; giảm nghèo; hỗ trợ sản xuất nông lâm ngư nghiệp... Tiếp tục nghiên cứu ban hành, thể chế hóa các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của tỉnh nhằm khơi thông, giải phóng và huy động mạnh mẽ các nguồn lực phát triển.
“Cần làm mới các động lực cũ đang có, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội, khơi dậy tinh thần, khát vọng vươn lên của người dân và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh; quan tâm phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường ngay trong các giai đoạn phát triển của tỉnh; nâng cao chất lượng sống của nhân dân về mọi mặt“, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết lưu ý.
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, cần tập trung thực hiện thường xuyên hơn và nâng cao chất lượng giám sát việc thực thi công vụ của các cơ quan nhà nước; bảo đảm kỷ luật kỷ cương, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ công chức, kịp thời kiến nghị, nhắc nhở, không để tình trạng sợ trách nhiệm, không làm đúng, làm đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao trở nên phổ biến. Chú trọng hơn giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân, bảo đảm đúng quy định, quy trình.
Mặt khác, tăng cường đi kiểm tra thực tế, lắng nghe, kiến nghị và có giải pháp quyết liệt xử lý các kiến nghị mang tính bức xúc, kéo dài của người dân. Tăng cường hoạt động chất vấn tại kỳ họp, bởi vì chất vấn là cách thức giám sát hết sức quan trọng, thể hiện rõ nét tính dân chủ, nguyên tắc pháp quyền, chuyên nghiệp, minh bạch trong hoạt động của Hội đồng nhân dân. Đây cũng là dịp để cử tri và nhân dân trong tỉnh đánh giá trách nhiệm, năng lực, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và lãnh đạo các ngành cũng như lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị, sau kỳ họp này, Hội đồng nhân dân và các vị đại biểu khẩn trương tổ chức tiếp xúc cử tri, lan tỏa mạnh mẽ những kết quả đạt được, tiếp thêm động lực, niềm tin, không khí phấn khởi để các cử tri, nhân dân tỉnh nhà bước vào 6 tháng cuối năm 2024 với quyết tâm mới, khí thế mới.
Đồng thời đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh cũng linh hoạt tổ chức các kỳ họp chuyên đề để kịp thời giải quyết các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội thuộc thẩm quyền, góp phần quan trọng để có thể hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội mà Hội đồng nhân dân tỉnh đã quyết nghị từ đầu năm.