ND - Ngày 29-9, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã tới dâng hương tại khu di tích Tượng đài Vua Lê bên hồ Hoàn Kiếm, nhân kỷ niệm 577 năm Ngày mất của Anh hùng Dân tộc Lê Lợi (1433-2010).
Ðồng chí Phạm Quang Nghị đã nghe lãnh đạo tỉnh Lai Châu giới thiệu về phiên bản bài thơ khắc trên đá ở ngọn núi Pu Huổi Chò, thuộc xã Lê Lợi, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) của Vua Lê Thái Tổ, món quà của đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu kính dâng lên Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Phiên bản này được khắc theo nguyên gốc với sự giúp đỡ của PGS, TS Nguyễn Tá Nhí và các chuyên gia Viện Nghiên cứu Hán Nôm, trên phiến đá nặng gần 3 tấn, cao khoảng 2,5 m, rộng 1,5 m, cắt từ phần thân phiến đá khắc bài thơ gốc. Phiên bản bài thơ kèm theo bản phiên âm và bản dịch nghĩa được đặt trước Tượng đài Vua Lê để nhân dân và du khách chiêm ngưỡng, trân trọng tài văn võ của Vua Lê Thái Tổ đáng kính.
Theo sử sách, đầu thế kỷ XV, Trưởng ty Châu Ninh Viễn (Lai Châu) là Ðèo Cát Hãn đã câu kết với ngoại bang mưu đồ tạo phản, nhằm chia cắt miền đất phía Tây Bắc của Tổ quốc. Năm 1431, dù đã nhiều lần khoan hồng nhưng địch vẫn lấn tới, Vua Lê buộc phải dẫn quân lên Tây Bắc dẹp loạn Ðèo Cát Hãn. Khi giang sơn thu về một mối, Vua Lê cho khắc bài thơ với nội dung khẳng định chủ quyền của đất nước và răn đe ngoại bang không được xâm lấn bờ cõi nước Nam.
Nhân dịp Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, trong các ngày vừa qua, đoàn đại biểu Thành ủy, HÐND, UBND và Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đã đến dâng hương tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh (tỉnh Nghệ An), Khu di tích đền Vua Ðinh, Vua Lê tại Hoa Lư (Ninh Bình), di tích Lam Kinh (Thanh Hóa), di tích Ðền Trần (Nam Ðịnh), cố đô Huế (Thừa Thiên - Huế), Khu di tích Quang Trung (Bình Ðịnh).
Ngày 29-9, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Lễ khánh thành và gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cho công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung quanh hồ Tây. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.011 tỷ đồng, xây dựng hệ thống kè ven hồ Tây và các hồ nhỏ liên quan với tổng chiều dài 18,9 km; đường ven hồ dài 18,4 km bao gồm cầu và tuy-nen kỹ thuật, bãi đỗ xe nhỏ; hệ thống cấp nước, thoát nước mưa và nước thải sinh hoạt, đèn chiếu sáng, trồng 106.000m2 cây xanh..., tạo nên một hạ tầng hoàn thiện cho không gian hồ Tây. Sau mười năm tiến hành giải phóng mặt bằng, thi công, đến nay dự án hoàn tất, xây dựng tuyến đường mới bao quanh hồ Tây, đi qua địa bàn các phường: Yên Phụ, Quảng An, Nhật Tân, Xuân La, Thụy Khuê, Bưởi, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật. Công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng giải quyết tình trạng lấn chiếm hồ, tôn tạo cảnh quan khu vực, cải thiện môi trường phía tây Thủ đô.
Tối 29-9 tại Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Âu Cơ số 8 Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội), Hội Nghệ sĩ múa và Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp tổ chức vở kịch múa Ngọn lửa Hà Thành, kịch bản Thái Phiên, giải nhì trong cuộc thi sáng tác múa chào mừng Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Vở kịch múa nói về cuộc chiến đấu giữ thành Hà Nội năm 1873 của Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và quân, dân Hà thành với thời lượng 70 phút, do các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Quân đội biểu diễn. Ðây là công trình nghệ thuật được UBND thành phố Hà Nội, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đầu tư kinh phí xây dựng.
Chiều 29-9, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên-Huế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên - Huế khai mạc Triển lãm "Hà Nội - Thừa Thiên-Huế xưa và nay". Gần 300 hình ảnh, tư liệu, hiện vật quý được Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên - Huế tổ chức sưu tầm và trưng bày tại triển lãm, phản ánh đầy đủ các nội dung: Thăng Long - Hà Nội xưa; Phú Xuân - Thừa Thiên-Huế xưa; Hà Nội - Thừa Thiên-Huế trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong đổi mới, xây dựng và phát triển; Hà Nội - Huế - Sài Gòn trong mối tình đoàn kết gắn bó keo sơn đời đời bền vững, là cây một cội là con một nhà; Hà Nội - Thừa Thiên-Huế bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh. Triển lãm còn giới thiệu những thành tựu nổi bật, những điểm nhấn về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của Hà Nội và Thừa Thiên-Huế trong những năm đổi mới. Ðây là hoạt động thiết thực chào mừng Ðại lễ, thể hiện tình cảm gắn bó giữa Hà Nội và Thừa Thiên-Huế trong lịch sử cũng như hiện tại.
Nằm trong Chương trình "Thăng Long - hồn thiêng sông núi" và kế hoạch đón 1.000 Anh hùng, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng về dự Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, tối 29-9 tại Công viên Văn hóa Ðồng Xanh, TP Plây Cu, Tỉnh ủy, HÐND, UBND, UB MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai đã tổ chức buổi gặp gỡ, giao lưu với chủ đề "Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên". Dự cuộc giao lưu có đồng chí Phạm Ðình Thu, Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai; các đồng chí trong Ban Thường vụ; lãnh đạo Binh đoàn Tây Nguyên, Binh đoàn 15; đại diện các Anh hùng, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành của tỉnh; 400 đoàn viên thanh niên thay mặt cho tuổi trẻ các dân tộc Gia Lai cùng các Anh hùng, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng thuộc 11 tỉnh, thành phố đã về dự.
Phát biểu ý kiến chào mừng, đồng chí Măng Ðung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai khẳng định: Sự kiện Gia Lai được vinh dự là một trong bảy địa phương trong cả nước đón đoàn các Anh hùng, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng đã không chỉ góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, kết nối và tỏa sáng hào khí Thăng Long trong lòng đồng bào Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng mà còn làm phong phú thêm nội dung các hoạt động của Ðảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đang tổ chức hướng về Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và chào mừng Ðại hội Ðảng bộ lần thứ 14 tỉnh Gia Lai hướng đến chào mừng Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI. Tại buổi gặp mặt, các đại biểu còn được xem các phim tài liệu và nghe các Anh hùng, những người con của Gia Lai và Tây Nguyên kể về kỷ niệm của những lần vinh dự được gặp Bác trong thời gian được học tập ở miền bắc; gặp gỡ và giao lưu với các Anh hùng và Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng trong đoàn...
Trung tướng Ðỗ Xuân Công, Trưởng đoàn đã phát biểu ý kiến bày tỏ sự cảm ơn đối với lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã tạo điều kiện để cuộc giao lưu diễn ra hết sức xúc động, thành công để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, đồng thời trao cờ truyền thống của Ðoàn cho đại diện thế hệ trẻ Gia Lai. Nhân dịp này, Binh đoàn 15 đã tặng đoàn số tiền 200 triệu đồng. Theo kế hoạch, sau tỉnh Gia Lai, Ðoàn sẽ lên đường về TP Ðà Nẵng tiếp tục dự buổi giao lưu với chủ đề "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai".
Sáng 29-9 (tức 22-8 âm lịch), tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ kỷ niệm 592 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 582 năm Vua Lê Thái Tổ đăng quang, 577 năm Ngày mất Anh hùng Dân tộc Lê Lợi và chào mừng Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Ðồng chí Mai Văn Ninh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đọc diễn văn ôn lại trang sử vẻ vang của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi khởi xướng, lãnh đạo. Diễn văn nêu rõ, cách đây 594 năm tại Lũng Nhai, Lê Lợi và 18 người cùng chí hướng mở hội thề, quyết tâm kháng chiến chống giặc Minh xâm lược, xây dựng căn cứ địa Lam Sơn. Mùa xuân năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, quy tụ các tầng lớp nhân dân, nhân tài cả nước tham gia. Sau 10 năm kháng chiến, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, khôi phục quốc hiệu Ðại Việt, định đô ở Thăng Long (Ðông kinh), xây dựng Lam Kinh (Tây kinh). Lê Thái Tổ cùng các vị Vua kế tiếp đã thực thi nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ xây dựng đất nước cùng kinh đô nghìn năm văn hiến.
Phát huy hào khí Lam Sơn, truyền thống Thanh Hóa anh hùng, Ðảng bộ, chính quyền tỉnh không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nội lực ở địa phương, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tạo bước phát triển vượt bậc trong thời kỳ CNH-HÐH, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.
Ðồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy đánh trống khai hội. Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đọc chúc văn tế cáo trời đất, khắc ghi công lao của các bậc hiền nhân tiên tổ, anh hùng hào kiệt. Phần hội hoành tráng, tươi vui do 500 nghệ sĩ, diễn viên biểu diễn. Nội dung kịch bản tái hiện hoàn cảnh xã hội Việt Nam thời thuộc Minh, hội thề Lũng Nhai, Lam Sơn tụ nghĩa, 10 năm kháng chiến cùng những chiến công hiển hách của nghĩa quân Lam Sơn, Ðông Quan được giải phóng, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, hoàn gươm, thiên hạ thái bình, cùng hoạt cảnh về Thanh Hóa đổi mới, Hà Nội thành phố hòa bình và phát triển.
Cũng trong dịp này, tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ khánh thành nghi môn điện Lam Kinh, khởi công xây dựng chính điện đồng thời tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - thể thao tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh, các di tích trong không gian văn hóa Lam Sơn và cụm di tích, công trình văn hóa ở TP Thanh Hóa.
Một số trường học ở Hà Nội nghỉ học dịp Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội vừa yêu cầu các đơn vị, trường học cập nhật thông tin về kế hoạch tổ chức Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội của thành phố và kế hoạch phân luồng giao thông trong dịp tổ chức Ðại lễ kỷ niệm, thời gian từ ngày 28-9 đến 11-10 để xây dựng kế hoạch hướng dẫn phân luồng giao thông cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh tránh xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường khi đưa đón học sinh. Ðối với các đơn vị, trường học được huy động tham gia phục vụ Ðại lễ kỷ niệm và các cơ sở giáo dục đóng trên địa bàn - nơi diễn ra các hoạt động của Ðại lễ, giao các phòng giáo dục và đào tạo, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc căn cứ vào tình hình thực tế, chủ động bố trí cho cán bộ, giáo viên, học sinh được nghỉ học, thông báo tới phụ huynh học sinh để quản lý con em trong thời gian nghỉ học và có kế hoạch dạy bù, bảo đảm đúng tiến độ chương trình. Trong đó, một số quận có số trường phải cho học sinh nghỉ học nhiều như quận Hoàn Kiếm khoảng 20 trường phải nghỉ học vào sáng 1-10 do những trường này nằm trên các tuyến phố tổ chức diễu hành như phố Quang Trung, Lý Thường Kiệt, Hàng Bài, Bà Triệu, Tràng Tiền, Ðinh Tiên Hoàng... Buổi chiều 1-10 và các ngày khác diễn ra Ðại lễ kỷ niệm, các trường học vẫn học bình thường. Quận Ba Ðình cũng có bốn trường tham gia vào hoạt động văn nghệ chào mừng Ðại lễ kỷ niệm như Trường THCS Phan Chu Trinh, Thành Công... và nhiều trường nằm trên các tuyến phố cấm đường; quận Ðống Ða cũng có hoạt động văn nghệ chào mừng Ðại lễ kỷ niệm diễn ra tại Gò Ðống Ða, với sự tham gia của hơn 500 học sinh đến từ 40 trường... |