Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn: Song hành nhiệm vụ phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh

Nhiều năm qua, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (SNP) không chỉ dẫn đầu trong lĩnh vực khai thác cảng, dịch vụ logistics và các ngành kinh tế biển, khẳng định vị thế quan trọng trên trường quốc tế mà đơn vị còn là điểm sáng về kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
0:00 / 0:00
0:00
Cảng container quốc tế Tân cảng Hải Phòng là cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc với các tuyến dịch vụ trực tiếp đi châu Mỹ và châu Âu.
Cảng container quốc tế Tân cảng Hải Phòng là cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc với các tuyến dịch vụ trực tiếp đi châu Mỹ và châu Âu.

Lãnh đạo Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn khẳng định, đơn vị luôn phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó lấy con người là yếu tố quyết định với đội ngũ cán bộ đã khẳng định được năng lực chuyên môn, tinh thần đổi mới, sáng tạo và luôn phát huy phẩm chất của người lính cụ Hồ; thể hiện tấm lòng nhân ái, trách nhiệm vì cộng đồng, đất nước.

Xây dựng nguồn nhân lực xứng tầm

Chỉ với 36 cán bộ, chiến sĩ từ ngày đầu thành lập (15/3/1989), những người vốn đã quen với sóng gió biển khơi, khi được giao thêm nhiệm vụ làm kinh tế, các cán bộ, chiến sĩ nòng cốt ban đầu xem đó là trách nhiệm phải hoàn thành. Từ một bến cảng bên sông Sài Gòn cách nay 35 năm, đến nay, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã trở thành doanh nghiệp quốc phòng an ninh tiêu biểu - một thương hiệu quốc gia, có uy tín quốc tế cao, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, những năm qua, Tân Cảng Sài Gòn luôn coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc chọn người tài; tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hoạt động của đơn vị. Đơn cử, Đảng ủy Quân cảng Sài Gòn đã chủ động xây dựng, ban hành bộ “Tiêu chuẩn chức vụ cán bộ” cho hơn 113 chức danh cán bộ trong doanh nghiệp. Đây là căn cứ quan trọng để xem xét, quản lý, bố trí, sử dụng cán bộ được thống nhất, đồng thời xác định mục tiêu để cán bộ rèn luyện, phấn đấu, nâng cao trình độ, phẩm chất, năng lực về mọi mặt.

Đơn vị cũng chủ động xây dựng “doanh nghiệp học tập” khi chú trọng công tác đào tạo với 3 hình thức: đào tạo tại chỗ; đào tạo chuyên ngành kinh tế trực tiếp tại nước ngoài và tăng cường đào tạo ngoại ngữ trong môi trường bản ngữ; đào tạo bằng thực tiễn.

Đại tá Ngô Minh Thuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn nhấn mạnh: cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều cơ hội lẫn thách thức, đòi hỏi mỗi cán bộ phải có tầm nhìn rộng, cách nghĩ sáng tạo, có cách giải quyết khác biệt, năng động hơn, hiệu quả hơn. Để thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhân tố then chốt của then chốt là cán bộ và công tác cán bộ luôn được Đảng ủy, Ban lãnh đạo Tổng công ty tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.

Gắn phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh

Từ một doanh nghiệp nhỏ, căn cứ hậu cần-kỹ thuật, đầu cầu tập kết lực lượng, phương tiện, xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa chi viện cho các đơn vị trên vùng biển, đảo phía Nam và vận tải quân sự Bắc - Nam, đến nay, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã trở thành một doanh nghiệp có uy tín, hoạt động đa ngành, nghề, một điển hình cho doanh nghiệp kinh tế - quốc phòng chủ động hội nhập và kinh doanh hiệu quả. Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn hiện có hệ thống 28 cơ sở hạ tầng cảng biển, kho bãi trên khắp các vùng kinh tế trọng điểm, trong đó: Tân Cảng Cát Lái, cụm 3 cảng nước sâu tại Cái Mép và cảng container quốc tế Hải Phòng đều là các cảng lớn nhất Việt Nam đáp ứng hiệu quả cho hoạt động kinh tế xuất nhập khẩu của đất nước. Tân Cảng Sài Gòn cũng là nhà khai thác cảng container chuyên nghiệp, hiện đại và lớn nhất Việt Nam với 56,8% thị phần cả nước, xếp thứ 17 trong nhóm 20 cụm cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất thế giới. Đơn vị liên tiếp đứng đầu trong Top 5 doanh nghiệp logistics hàng đầu Việt Nam.

Đại tá Ngô Minh Thuấn cho biết, để duy trì “phong độ” và tăng tốc phát triển, đơn vị đã triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành sản xuất giúp nâng cao hiệu quả khai thác các cảng biển. Tiêu biểu như hệ sinh thái số eSNP, là một hệ thống điện tử trung gian giúp kết nối các hệ thống của các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực cảng biển; từng bước tự động hóa dây chuyền sản xuất cảng Tân Cảng Cát Lái; xây dựng hệ thống báo cáo thông minh ứng dụng Big Data nhằm hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định kinh doanh, hoạch định chính sách…

Năm 2024, Tân cảng Sài Gòn đề ra mục tiêu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo phương châm “3 tăng, 3 đẩy” (tăng công suất các cảng, tăng kết nối hệ thống, tăng quản trị hiệu quả; đẩy hợp tác đầu tư, đẩy cải cách hành chính, đẩy số hóa, xanh hóa”). Đột phá vào cải cách thể chế, cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả quản trị doanh nghiệp. Tương lai gần, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn hướng đến mục tiêu trở thành Tập đoàn kinh tế quốc phòng-an ninh hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế biển và dịch vụ logistics… Đồng thời, là điểm sáng về kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng, an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Đảng đã đề ra.