Hầu như năm nào, lưới điện miền trung cũng bị thiệt hại bởi các sự cố do mưa, bão, lũ gây ra. Để nhanh chóng khôi phục hệ thống lưới điện, Tổng công ty Điện lực miền trung (EVNCPC) đã huy động nhân lực từ các đơn vị thành viên, sự hỗ trợ của các đơn vị trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các đơn vị thi công… có lúc lên tới gần 1.000 người.
Bong bóng khép kín phòng Covid-19
Đây là phương án các đội hoạt động trong phạm vi riêng biệt, khép kín đã được quy định (kể cả lái xe), không tiếp xúc người ngoài, chỉ di chuyển từ nơi nghỉ - nơi công tác, khi di chuyển không quá 10 người/xe, thực hiện 03 ngày xét nghiệm PCR một lần trước khi thực hiện công việc. “Vị trí sinh hoạt, công tác phải được thiết lập, cảnh báo “vùng bảo đảm an toàn cho lực lượng phòng chống thiên tai”, việc chỉ huy điều hành, cung ứng vật tư, cấp phép làm việc trên lưới… đều qua hệ thống thông tin liên lạc trực tuyến, quá trình giao nhận vật tư, tác nghiệp hiện trường... thực hiện đúng yêu cầu về trang bị bảo hộ chống dịch, giữ khoảng cách, khử khuẩn”, ông Ngô Trường Thắng - Trưởng Ban An toàn, Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Tổng công ty Điện lực miền trung cho hay.
Cơn bão số 5 (Conson) vừa qua, khu vực miền trung có mưa to, gió lớn làm hệ thống lưới điện các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và 3 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk bị thiệt hại.
Trong điều kiện các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, cách ly y tế… để phòng chống dịch, Tổng công ty Điện lực miền trung huy động lực lượng xung kích tại Công ty Điện lực Quảng Ngãi và các đơn vị thuộc tham gia xử lý sự cố, tổ chức phương án “4 tại chỗ” (gồm chỉ huy, lực lượng, phương tiện vật tư và hậu cần tại chỗ) kết hợp với hai yêu cầu mới là 5K và vaccine.
Ông Lê Văn Danh, Trưởng phòng An toàn Công ty Điện lực Quảng Ngãi cho biết: địa phương đang trong giai đoạn giãn cách xã hội, nhưng nhờ các thành viên Đội xung kích, Xí nghiệp Dịch vụ điện và các đơn vị thi công trên địa bàn đều đã được tiêm vaccine nên việc tham gia triển khai lực lượng khắc phục sự cố hết sức thuận lợi. Trên cơ sở đó, Công ty Điện lực Quảng Ngãi đã có văn bản gửi UBND tỉnh, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Công an… xin chủ trương cho lực lượng xử lý sự cố được di chuyển, ăn ở, làm việc trên địa bàn tỉnh.
“Công ty đã điều động 50 cán bộ công nhân, tổ chức thành 5 nhóm và Xí nghiệp Dịch vụ điện cử thêm 12 người, tăng cường cho 3 huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh và Bình Sơn bị thiệt hại nặng. Các địa phương hết sức tạo điều kiện vì doanh nghiệp đã có văn bản cam kết chịu trách nhiệm trong công tác phòng ngừa Covid-19 khi triển khai khôi phục lưới điện sau thiên tai”, ông Danh cho hay.
Mới đây nhất, do ảnh hưởng của bão số 8 (Kompasu) và mưa lớn ở miền trung gây ngập lụt ở nhiều nơi, trong đó nặng nhất là tỉnh Quảng Nam. Để khôi phục cấp điện cho khách hàng trong khu vực sạt lở, ngập lụt, Công ty Điện lực Quảng Nam đã điều động các đội xung kích xử lý ngay khi tiếp cận hiện trường và bảo đảm các điều kiện an toàn, nước rút tới đâu xử lý đến đó. Đồng thời, lực lượng tham gia khắc phục sự cố phải thực hiện nghiêm túc quy định phòng dịch tại địa phương và tuân thủ các yêu cầu của Tổng công ty Điện lực miền trung, thực hiện nghiêm túc kịch bản bong bóng khép kín (di chuyển, ăn ở, khu vực phân công..) cho các đội xung kích.
Kịch bản bong bóng khép kín, tuân thủ quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong xử lý sự cố sau thiên tai là mô hình chung mà Tổng công ty Điện lực miền trung triển khai đồng loạt đến các đơn vị thành viên. Theo đó, tùy tình hình thực tế tại các địa phương, Tổng công ty Điện lực miền trung sẽ điều động Đội xung kích hỗ trợ sau khi lực lượng này được test nhanh Covid-19 âm tính. Việc tổ chức kịch bản bong bóng khép kín là để bảo toàn lực lượng, phòng dịch Covid-19 phục vụ công tác khắc phục hậu quả thiên tai của các đơn vị trong Tổng công ty Điện lực miền trung.
Huy động tổng lực khôi phục hệ thống lưới điện
Sự cố lưới điện do mưa bão năm nay xảy ra trong tình hình dịch Covid-19 hết sức phức tạp. Vì vậy, để hạn chế việc di chuyển các đơn vị khác ngoài địa bàn tỉnh, các Công ty Điện lực chủ yếu huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ; đồng thời liên hệ các đơn vị thi công với điều kiện nhân lực đã được tiêm vaccine để triển khai khắc phục sự cố. Tổng công ty Điện lực miền trung cũng hỗ trợ nhân lực cho các Công ty Điện lực bị thiệt hại nặng bằng việc huy động lực lượng từ các đơn vị thành viên cùng tham gia trên địa bàn tỉnh (Xí nghiệp Dịch vụ điện, Xí nghiệp Sửa chữa thí nghiệm), nếu thiếu mới tiếp tục điều động nhân lực, phương tiện từ các địa phương lân cận.
Lực lượng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong toàn Tổng công ty Điện lực miền trung (13 tỉnh, thành phố) hiện có 6.200 người. Trong đó đã có hơn 5.800 người (87%) đã tiêm đủ 02 mũi vaccine phòng Covid-19. Đây là một thuận lợi để Tổng công ty triển khai hiệu quả công tác khắc phục hậu quả thiên tai trong điều kiện phòng cống dịch.
Tại cuộc họp trực tuyến giữa lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền trung với các đơn vị về công tác ứng phó thiên tai mới đây, Phó Tổng giám đốc, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Tổng công ty Điện lực miền trung Nguyễn Thành yêu cầu các đơn vị không để mất điện tại các cơ sở y tế, bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 với bất cứ lý do gì.
“Các đơn vị cần tuyệt đối bảo đảm an toàn lao động trong công tác ứng phó, khắc phục sự cố; không để ảnh hưởng tới nhân lực tham gia khắc phục và an toàn cho người dân nơi xảy ra sự cố, thiên tai và nghiêm túc thực hiện đầy đủ các quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19 của các cấp chính quyền tại địa phương”, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Tổng công ty Điện lực miền trung Nguyễn Thành nhấn mạnh.