Với lịch sử là vùng đất hào sảng, năng động, không ngừng sáng tạo, thành phố Hồ Chí Minh luôn ươm mầm, khuyến khích, cổ vũ, thúc đẩy hình thành và hiện thực hóa nhiều sáng kiến, giải pháp, ý tưởng mới trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế-văn hóa-xã hội. Lễ hội Áo dài là một trong những ý tưởng đẹp, sáng tạo của ngành du lịch cùng ngành văn hóa và Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, không chỉ nhằm thu hút khách du lịch mà còn góp sức giữ gìn, tôn vinh và lan tỏa niềm tự hào về vẻ đẹp của chiếc áo dài truyền thống Việt Nam; quảng bá bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, đồng thời tạo môi trường thúc đẩy sự sáng tạo của các nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà thiết kế, của các người thợ và công chúng trong việc đưa áo dài vào trong sinh hoạt đời thường.
Lễ hội Áo dài qua gần 10 năm tổ chức với nội dung ngày càng phong phú và tinh tế, hình thức ngày càng đa dạng và lôi cuốn, quy mô và tính lan tỏa ngày một mở rộng; Lễ hội Áo dài trở thành sự kiện văn hóa-du lịch đặc trưng và uy tín của thành phố Hồ Chí Minh trong lòng người dân, du khách trong nước và quốc tế.
Sau chương trình khai mạc ấn tượng, một sự kiện đáng chú ý của Lễ hội Áo dài năm nay chính là chương trình diễu hành Áo dài “Tôi yêu Áo dài Việt Nam” tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Chương trình đã thu hút hơn 2.000 đại biểu, văn nghệ sĩ và công chúng tham gia. Giữa không gian tràn ngập sắc mầu của những tà áo dài Việt Nam, lần lượt từng đội hình diễu hành, sải bước tự tin trong chiếc áo mang giá trị truyền thống dân tộc, góp phần truyền cảm hứng “Tôi yêu Áo dài Việt Nam”.
Sau phần diễu hành của lãnh đạo các cấp và các đại sứ Áo dài, công chúng được thưởng thức màn diễu hành đặc sắc như: diễu hành áo dài với xe đạp, diễu hành buýt trên sông, diễu hành trên xe buýt hai tầng. Đây là những hình ảnh gần gũi, quen thuộc gắn liền với du khách khi đến trải nghiệm tại thành phố Hồ Chí Minh, qua đó, góp phần quảng bá đến du khách trong nước và quốc tế về một thành phố Hồ Chí Minh sống động và hiện đại nhưng vẫn gắn liền với giá trị văn hóa dân tộc.
NSND Kim Xuân chia sẻ, luôn hào hứng khi tham gia các sự kiện của Lễ hội Áo dài. Là một trong những đại sứ hình ảnh của Lễ hội Áo dài năm nay, NSND Kim Xuân mong muốn góp phần làm lan tỏa vẻ đẹp của chiếc áo dài Việt Nam đến với công chúng, để mọi người đều cảm nhận được vẻ đẹp truyền thống mà chiếc áo dài mang lại.
Bên cạnh những sự kiện chính, nhiều đơn vị, cá nhân cũng tổ chức các hoạt động hưởng ứng lễ hội. Theo đó, lễ hội phát động các nhà may, các đơn vị bán vải áo dài, phụ kiện kèm theo áo dài thông qua hình thức giảm giá từ 5% đến 50% khi may áo dài, may áo dài lấy nhanh, giảm giá mua vải áo dài và phụ kiện hoặc tặng phụ kiện kèm theo khi mua vải hoặc khi may áo dài... cho du khách và người dân thành phố.
Các doanh nghiệp lữ hành bổ sung thêm hoặc thiết kế các tua mới có nội dung gắn với Lễ hội Áo dài; đồng thời, vận động các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch có nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Lễ hội như: giảm giá tua, tặng hoặc bán các bộ quà tặng hưởng ứng Lễ hội Áo dài trong tháng 3, tháng 4; giảm giá cho du khách sử dụng dịch vụ du lịch khi mặc áo dài...
Các điểm đến trên địa bàn thành phố tổ chức các hoạt động hưởng ứng lễ hội phù hợp với điều kiện của đơn vị như: miễn, giảm vé cho du khách cũng như công chúng thành phố mặc áo dài đến tham quan; triển lãm áo dài xưa và nay; tổ chức hoạt động trải nghiệm với áo dài cho du khách chụp hình và cùng may, thêu, kết cườm, vẽ áo; tổ chức các buổi trình diễn về áo dài…
Đồng hành cùng Lễ hội Áo dài năm 2022, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ khai mạc khu trưng bày chuyên đề “Áo dài-Nhân vật và sự kiện” giới thiệu các bộ áo dài gắn với các nhân vật phụ nữ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; triển lãm ảnh “Áo dài xưa và nay” với hơn 60 ảnh tư liệu về áo dài Việt Nam từ đầu thế kỷ 19 đến nay; hoạt động nhận và may đo áo dài với các chương trình giảm giá khi may áo dài, giảm giá mua vải áo dài trong thời gian cao điểm từ ngày 7/3 đến 11/3.
Trong tháng 3 và tháng 4 tại Bảo tàng Áo dài sẽ có các hoạt động triễn lãm “Áo dài và cội nguồn” của các nhân vật nữ có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, y tế, văn hóa; triển lãm bộ sưu tập Áo dài mầu hồng chủ đề: “Hạnh phúc”; trưng bày áo dài với các chuyên đề “Lịch sử Áo dài”, “Áo dài Hội nhập” và nhiều hoạt động giao lưu, tham quan và trải nghiệm. Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài cho biết: Bên cạnh trưng bày những chiếc áo dài của những nhân vật nổi tiếng, hiện nay Bảo tàng còn trưng bày những chiếc áo dài của các nữ bác sĩ là lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống Covid-19 vừa qua. Đây là một trong những điểm mới trong không gian trưng bày của Bảo tàng Áo dài.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Thị Thắng cho biết: Lễ hội Áo dài năm 2022 này cũng là một minh chứng sinh động cho nội lực, sức sống mãnh liệt, sự đồng lòng, tinh thần sẵn sàng và niềm tin ở tương lai của thành phố Hồ Chí Minh. Lễ hội Áo dài thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 8-năm 2022 khẳng định sự trở lại mạnh mẽ và nhanh chóng của ngành du lịch thành phố, bồi đắp thêm niềm tin về sự thành công của ngành du lịch trong hành trình xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành “Đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á”.