Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư T.Ư Ðảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Trung ương, Ủy ban UNESCO cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và một số địa phương trong cả nước, Hội Kiều học Việt Nam, đại diện các tổ chức, cơ quan ngoại giao nước ngoài, các nhà văn, nhà thơ và đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Ðọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, đồng chí Lê Ðình Sơn, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh nêu bật những đóng góp quan trọng của Ðại thi hào Nguyễn Du với nền văn học và văn hóa Việt Nam, người đã để lại một di sản văn chương đồ sộ, nhất là kiệt tác Truyện Kiều - đỉnh cao của văn học trung đại Việt Nam, làm rạng rỡ văn hóa dân tộc và quê hương Hà Tĩnh trên trường quốc tế. Tự hào là quê hương của Ðại thi hào Nguyễn Du, Ðảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh luôn ý thức được trách nhiệm, sứ mệnh phải tiếp bước xứng đáng với công lao của các bậc tiền nhân. Ðồng chí nhấn mạnh: "Kỷ niệm 255 năm Ngày sinh, tưởng niệm 200 năm Ngày mất Ðại thi hào Nguyễn Du, Ðảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh nguyện cùng nhân dân cả nước gìn giữ, phát huy các di sản của Ðại thi hào; chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục xây dựng tỉnh nhà giàu về kinh tế, vững mạnh về chính trị, quốc phòng - an ninh, đậm đà bản sắc văn hóa, nhân dân có cuộc sống hạnh phúc, thỏa nguyện ước mơ của Ðại thi hào và bao lớp tiền nhân về một xã hội công bằng, dân chủ, tiến bộ, văn minh cho tất cả mọi người".
Lễ kỷ niệm tiếp nối bằng chương trình nghệ thuật sử thi đặc biệt với chủ đề "Nguyễn Du, trăm năm trong cõi…" do các nghệ sĩ, diễn viên đến từ mọi miền đất nước thể hiện. Chương trình đã tái hiện và khắc họa cuộc đời, sự nghiệp của Ðại thi hào Nguyễn Du, bao gồm tám trường đoạn: Khai từ, Tuổi thơ trong nhung lụa, Trôi giữa dòng đời, Non Hồng tức cảnh, Giao hưởng nhạc vũ - kịch Truyện Kiều, Ðối thoại với người trong truyện, Văn tế Nguyễn Du, Ngàn năm hậu thế nhớ Nguyễn Du. Mỗi trường đoạn tái hiện một mốc lịch sử từ lúc Nguyễn Du lọt lòng được bồng bế trên đôi tay mẹ đến những biến cố ông phải trải qua trong cuộc đời.
Nguyễn Du tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, sinh năm 1765, quê ở Tiên Ðiền, Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Truyền thống dòng tộc, sự giao thoa của văn hóa xứ Nghệ - miền quê của những làn điệu dân ca ví giặm đằm thắm, dung dị mà sâu sắc với Kinh Bắc - vùng đất mượt mà của dân ca quan họ và văn hóa bác học kinh kỳ Thăng Long đã sinh thành, nuôi dưỡng Nguyễn Du trở thành nhân cách lớn, tâm hồn lớn và tài năng vượt thời đại… Nguyễn Du đã viết nên những áng văn chương thấm đẫm tình đời và tình người, tiêu biểu như: Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục, Văn chiêu hồn... và đỉnh cao là kiệt tác Truyện Kiều. Tác phẩm là tiếng nói tố cáo các thế lực phong kiến bất công, bạo tàn; tôn vinh vẻ đẹp tài sắc, đức hạnh của người phụ nữ, về tình yêu lứa đôi, về giấc mơ công lý và khát khao cháy bỏng vươn tới hạnh phúc của con người. Truyện Kiều thể hiện biệt tài trong miêu tả thiên nhiên, khắc họa thế giới nội tâm con người; hội tụ vẻ đẹp thanh cao, biểu cảm tinh tế, lung linh đầy màu sắc, âm thanh của tiếng Việt; sự kết tinh mẫu mực của thể thơ lục bát dân tộc, có sức lôi cuốn diệu kỳ, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của mọi tầng lớp nhân dân từ xưa đến nay. Truyện Kiều đã trở thành tác phẩm đỉnh cao của nền văn học trung đại Việt Nam, ghi dấu ấn của văn học nước ta trên thi đàn quốc tế, làm lay động trái tim bạn bè khắp năm châu, bốn biển.
Với những cống hiến lớn lao của Ðại thi hào Nguyễn Du đối với văn hóa dân tộc và những giá trị cốt lõi của nhân loại, năm 1965, Hội đồng Hòa bình thế giới đã quyết nghị tổ chức kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Nguyễn Du cùng tám danh nhân văn hóa trên toàn thế giới. Năm 2013, Ðại hội đồng UNESCO quyết định vinh danh Ðại thi hào Nguyễn Du cùng 107 danh nhân văn hóa của nhân loại.
* Sáng cùng ngày, tại Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Ðại thi hào Nguyễn Du (thị trấn Tiên Ðiền, huyện Nghi Xuân), UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Hội Kiều học Việt Nam, Hội đồng gia tộc họ Nguyễn - Tiên Ðiền đã tổ chức lễ giỗ lần thứ 200 Ngày mất Danh nhân văn hóa thế giới - Ðại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Các đại biểu đã đến đặt vòng hoa, dâng hương, tưởng niệm tại phần mộ Ðại thi hào Nguyễn Du. Trong không khí trang nghiêm, thành kính, các đại biểu đã bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn sâu sắc, tri ân những đóng góp to lớn của Ðại thi hào Nguyễn Du đối với nền văn học nước nhà, với văn hóa nhân loại.
* Ngày 26-9, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức buổi tọa đàm "Duyên nghiệp Thúy Kiều" nhân dịp kỷ niệm 255 năm Ngày sinh và tưởng niệm 200 năm Ngày mất của Danh nhân văn hóa thế giới - Ðại thi hào Nguyễn Du. Các tham luận và ý kiến tại tọa đàm đã tập trung khẳng định công lao, tài năng và tôn vinh những đóng góp đặc biệt xuất sắc của Nguyễn Du đối với văn hóa Việt Nam. Trải qua bao biến động lịch sử, nhân cách và sự nghiệp lớn lao của Ðại thi hào Nguyễn Du vẫn luôn sáng mãi trong lòng hậu thế và đời sống văn hóa tinh thần dân tộc. Kiệt tác Truyện Kiều của ông đã in sâu vào tâm thức người Việt như một áng văn chương giàu tính nhân bản, nuôi dưỡng những nỗi niềm nhân thế. Tác phẩm của ông luôn thể hiện chủ nghĩa nhân văn sâu sắc trên cơ sở của tình yêu thương vô hạn và tư tưởng tự do, bình đẳng, góp phần đưa văn học Việt Nam trở thành một phần tinh hoa của văn hóa nhân loại. Nhân dịp này, nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Trần Ðình Sơn đã giới thiệu nhiều ấn bản Truyện Kiều trong nước và ngoài nước trong bộ sưu tập của mình.