Trong suốt chặng đường dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, Bắc Giang là nơi giao điểm và hội tụ văn hóa Việt Cổ với văn hóa Tày - Thái, từ sự đan xen các thành tố văn nghệ dân gian trên cả ba địa hình núi cao - trung du - đồng bằng (với sự hiện diện của 26 dân tộc anh em: Kinh, Nùng, Tày, Sán Chay, Sán Dìu, Dao...), đến sự tồn tại của các làng quan họ cổ phía bắc sông Cầu (mà bờ nam là quan họ Bắc Ninh) đã làm nên Quan họ Kinh Bắc - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Không chỉ vậy, Bắc Giang còn có nghệ thuật ca trù sánh vai với ca trù Thăng Long, ca trù Hà Tĩnh, có những điệu hát then, hát lượn, những trổ hát ví, hát ống đậm chất mộc mạc mà sâu lắng, mượt mà, chứa đựng trí tuệ và tình cảm hàng trăm năm, hàng nghìn năm của con người.
Nét đẹp trong văn hóa Bắc Giang còn bao gồm cả sức mạnh của lòng yêu nước, thương nòi, cần cù trong lao động, bất khuất trong chiến đấu. Trong lịch sử trường kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta, Bắc Giang ghi dấu ấn đậm nét với cuộc khởi nghĩa của người Anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám, người đã lãnh đạo khởi nghĩa nông dân Yên Thế (1884-1913) chống thực dân Pháp, được ghi nhận là lớn nhất, rộng nhất và kéo dài nhất, tiêu biểu cho phong trào yêu nước trước khi có Ðảng lãnh đạo. Một điều đáng khâm phục ở vị thủ lĩnh nghĩa quân là lòng dũng cảm, kiên trung với đất nước của ông luôn gắn liền với tình yêu văn hóa, đề cao văn hóa dân tộc. Trong bức thư gửi quân Pháp trong trận Hố Chuối (12-1890), Ðề Thám đã viết: "Chúng tôi gắn bó với phong tục của đất nước chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ từ bỏ phong tục ấy, dù có phải hy sinh cả tính mạng". Thấm đẫm tinh thần ấy, quân và dân Bắc Giang qua nhiều thế hệ đều một lòng chung sức, cùng cả nước bước vào hai cuộc kháng chiến thần thánh dẫn tới ngày đại thắng sau này. Dưới ngọn cờ của Ðảng, An toàn khu II - Hiệp Hòa và "các làng Ðỏ" đã trở thành một dấu son rực rỡ trong truyền thống anh hùng của lịch sử Việt Nam.
Thêm vào đó, sẽ là thiếu sót nếu như không nhắc đến những ngôi đình cổ, những ngôi chùa của Bắc Giang được xây dựng từ thời Lý, thời Trần với kiến trúc tinh xảo, toát lên sự trang nghiêm, trầm mặc. Ðặc biệt phải kể đến chùa Vĩnh Nghiêm (thôn Ðức La, Trí Yên, Yên Dũng), vốn được mệnh danh là "đại danh lam cổ tự" nức tiếng bấy lâu, là nơi ba vị "Trúc Lâm tam tổ": Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang từng trụ trì và mở đường thuyết pháp. Ðến nay, chùa vẫn còn giữ được kho tư liệu mộc bản kinh Phật và các bản khắc sách về lịch sử, y học, văn học, tôn giáo với số lượng lớn... Cùng với sự ảnh hưởng sâu rộng của tư tưởng, giáo lý thiền phái Trúc Lâm đối với đông đảo phật tử Việt Nam cũng như trên thế giới, những di sản của chùa Vĩnh Nghiêm xứng đáng được bảo tồn và tôn vinh hơn bao giờ hết.
Còn rất nhiều những trầm tích văn hóa đã bồi đắp nên mảnh đất Bắc Giang hôm nay hiện đại mà truyền thống, trong đó có hàng nghìn di tích vật thể và phi vật thể vẫn được lưu giữ và phát huy trong cuộc sống hôm nay. Ghi nhận những giá trị độc đáo của di sản văn hóa nơi đây, vừa qua, 3.050 mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, xét trên tất cả các phương diện như tính xác thực, tính độc đáo, tính quý hiếm và ý nghĩa quốc tế. Ðồng thời, những di tích, địa điểm của khởi nghĩa Yên Thế cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. Bên cạnh đó, 16 xã thuộc huyện Hiệp Hòa được quyết định công nhận là ATK II, nơi đã bảo vệ an toàn nhiều cán bộ cấp cao của Ðảng, tổ chức nhiều sự kiện quan trọng và là nơi đóng trụ sở nhiều cơ quan Trung ương trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Nhằm thiết thực kỷ niệm 117 năm thành lập tỉnh và vinh danh các thành tựu đã đạt được, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức chương trình Lễ đón nhận các sự kiện văn hóa tiêu biểu và Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc tỉnh Bắc Giang năm 2012. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh khẳng định chuỗi sự kiện này không chỉ tạo nên ngày vui chung của người dân Bắc Giang, mà còn là cơ hội lớn để quảng bá hình ảnh du lịch, giáo dục cho thế hệ trẻ về những truyền thống tốt đẹp của quê hương. Hơn thế nữa, đây còn là cơ sở, là những bước đi đầu tiên của một chiến lược lâu dài nhằm bảo tồn và phát triển bền vững những di sản văn hóa vô giá, đáng tự hào. Chương trình diễn ra từ ngày 5 đến 8-10 với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc như liên hoan ca múa nhạc dân gian, thi trại văn hóa, ẩm thực dân gian, thi Người đẹp Bắc Giang, thi đấu thể thao dân gian, trình diễn nghề thủ công truyền thống, hội thảo về liên kết phát triển du lịch Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn...
Bằng ngôn ngữ của âm nhạc, ánh sáng và nghệ thuật sân khấu, đêm khai mạc với tên gọi "Bắc Giang - Ký ức tỏa sáng" sẽ là điểm nhấn của ngày hội. Ðây cũng là dịp để quần chúng nhân dân, các nghệ nhân, diễn viên, nhạc công chuyên và không chuyên, lẫn các cán bộ, chiến sĩ, học sinh, sinh viên và nhân dân trên địa bàn được gặp gỡ giao lưu và thể hiện, góp phần xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh.