Tôn vinh Thơ Lục Bát và văn hoá truyền thống dân tộc

NDO -

NDĐT - Với mục đích thông qua các hoạt động văn hoá liên quan đến thể thơ truyền thống 6/8 trong "Ngày Lục Bát" (mùng 6 tháng 8 âm lịch hằng năm) nhằm nhắc nhở mọi người ý thức về cội nguồn, về bản sắc và sự kế thừa Di sản Văn hoá của cha ông từ ngàn đời, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hoá dân tộc phối hợp với website Lục Bát Việt Nam và một số đơn vị truyền thông tổ chức Ngày hội Lục Bát Bính Thân 2016.

Trao giải cho các tác giả đoạt giải.
Trao giải cho các tác giả đoạt giải.

Ngày hội Lục Bát năm nay có sự tham gia của các Câu lạc bộ và người yêu thơ Lục Bát đến từ nhiều vùng miền trên cả nước: TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng, Hòa Bình, Phú Thọ… Các chương trình được tổ chức và thực hiện tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam vào đúng ngày 6-8 năm Bính Thân, tức ngày 6-9-2016.

Trong khuôn khổ chương trình, Ban Tổ chức đã công bố kết quả và trao giải cho các tác giả xuất sắc trong cuộc thi sáng tác thơ Lục Bát “Tổ quốc và Đạo pháp”. Cuộc thi năm nay, ban tổ chức nhận được hàng ngàn bài thơ từ những người yêu thơ Lục Bát khắp mọi miền tổ quốc gửi về.

Theo đó, Hội đồng Chung khảo đã chọn ra chọn được chín tác giả để vinh danh, trong đó có ba tác giả được trao giải Lục Bát Trăng Vàng gồm: tác giả trẻ sinh năm 1991 Nguyễn Thị Thùy Linh (Hải Phòng) với chùm thơ Bà nội và Làng; Nguyễn Ngân (Tây Ninh) với chùm thơ Cung trầm gửi Cần Thơ và Bà Nà; Nguyễn Thị Thúy Ngoan (Hải Phòng) với chùm thơ Em tôi và Khoảng cách.

Sáu tác giả còn lại được trao giải Lục Bát Trăng Bạc, đó là: Trần Kế Hoàn (Nam Định) với chùm thơ Viếng bạn và Ru mẹ; Vũ Xuân Hồng (Quảng Ninh) với chùm thơ Trở về và Tháng Ba; Huy Trụ (Thanh Hóa) với chùm thơ Mẹ ru…tháng Bẩy và Trường Sa, không xa; Nguyễn Văn Đôn (Tây Ninh) với chùm thơ Nghe đêm và Đêm nghe tiếng mối bổ mòn lá khô; Hoàng Việt Tài (Quảng Ninh) với chùm thơ Mùa hoa lan và Thân cò ; Trần Huy Minh Phương (TPHCM) với chùm thơ Mưa trượt và Phiến mơ trắng.

Nhân dịp này, Ban Tổ chức đã giới thiệu tập thơ “Lục phát Bính Thân-2016”, với mục đích tuyên truyền vận động để Thơ Lục Bát sẽ sớm được công nhận là “Quốc thi” và Di sản Văn hóa Phi vật thể. Với gần 300 bài thơ của gần 200 tác giả, cuốn sách này là thể hiện sự cố gắng rất lớn của nhóm Tổng hợp và biên soạn, do Nhà thơ Trương Nam Chi chủ biên.

Ngày Lục Bát được tổ chức vào “Mùa Phát Lộc” hàng năm như một điểm nhấn nhằm giữ gìn và tôn vinh Lục Bát - Thể thơ truyền thống của dân tộc Việt Nam, nơi lưu giữ văn hóa Việt, tâm hồn Việt. Đây thực sự là một cầu nối giữa truyền thống với hiện đại, giữa quá khứ với tương lai; góp phần làm cho thế hệ trẻ hôm nay thêm nhớ tới công lao của tổ tiên, thêm tự hào về truyền thống của quê hương đất nước mình.

Trước đó, đã diễn ra “Đêm giao lưu Thơ 6/8” nhân kỷ niệm sinh nhật lần 9 của website Lục Bát Việt Nam, tại Café Lục Bát (40 Võ Thị Sáu, TP Hà Nội).