Tôn vinh phái đẹp trên toàn thế giới

Google đã cập nhật ảnh đại diện trên công cụ tìm kiếm để tôn vinh “một nửa của thế giới” nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3). 

Doodle đặc biệt để tôn vinh "một nửa thế giới" của Google.
Doodle đặc biệt để tôn vinh "một nửa thế giới" của Google.

Thông qua những hình ảnh đặc biệt nhằm chào mừng sự kiện này, Google mong muốn đưa người dùng đi vòng quanh thế giới để lướt nhìn cuộc sống hằng ngày của phụ nữ từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Mỗi hình minh họa được kết nối bởi một chủ đề chung về cách phụ nữ thể hiện vì bản thân, gia đình và cộng đồng của họ. 

Nhân Ngày 8/3, qua mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Đức Olaf Scholz ủng hộ thu hẹp khoảng cách tiền lương giữa phụ nữ và nam giới. Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh Văn phòng Thống kê liên bang Đức (Destatis) ngày 7/3 công bố số liệu cho thấy trong năm 2021, thu nhập trung bình theo giờ của phụ nữ ở Đức thấp hơn 18% so với nam giới. 

Với tốc độ tiến bộ như hiện nay, phải mất gần 30 năm nữa để thu hẹp khoảng cách lương theo giới.

Australia tổ chức Tuần lễ phụ nữ 2022 bắt đầu từ ngày 7/3. Chính quyền các bang tại Australia tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa trong tuần này, nhằm tôn vinh phái đẹp, thúc đẩy bình đẳng giới. Tại bang New South Wales, Hội chợ Sức khỏe phụ nữ là sự kiện mở màn cho chuỗi các hoạt động tôn vinh “một nửa của thế giới”. 

Câu lạc bộ Lao động Canberra sẽ tổ chức sự kiện bữa tối từ thiện vào ngày 10/3 nhằm gây quỹ cho một tổ chức từ thiện địa phương hỗ trợ phái nữ chống lại bạo lực, nghiện rượu, ma túy và tình trạng vô gia cư.

Hưởng ứng Ngày Quốc tế Phụ nữ, truyền thông Saudi Arabia đã đưa tin về những bước tiến của nữ quyền trong thế giới Arab. 

Với sự ra đời của Tầm nhìn 2030, Chính phủ Saudi Arabia thực hiện một loạt các biện pháp nhằm thu hẹp khoảng cách giới về địa vị xã hội, trong đó có việc chấm dứt lệnh cấm phụ nữ lái xe và nới lỏng quy định giám hộ của nam giới. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ tăng từ 20% vào cuối năm 2018 lên 33% vào cuối năm 2020.

Những gì đang diễn ra ở Saudi Arabia phản ánh nỗ lực của nhiều quốc gia Trung Đông nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận với giáo dục, việc làm và chính trị. Đầu năm 2020, chính phủ mới thành lập của Liban lần đầu tiên chứng kiến 6 thành viên nữ giới trong nội các 20 người. 

Kuwait cũng lần đầu tiên bổ nhiệm 8 nữ thẩm phán. Năm 2021, Tunisia có nữ Thủ tướng đầu tiên của thế giới Arab, được đánh giá là một bước nhảy vọt trong nỗ lực trao quyền cho phụ nữ ở khu vực.