Đến với Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2018 tại Công viên Thống Nhất, mọi người như lạc vào một không gian của phố, của làng Hà Nội xưa cũ. Ban tổ chức đã rất công phu ghi hình những cổng ngõ, cổng nhà cổ, ngôi nhà cổ, rồi in ra và tái dựng các mô hình nhà với kích thước như nguyên mẫu. Điều đó khiến khách tham quan như được bước vào những không gian cổ thật sự, với những mảng tường bong tróc, nhuốm mầu rêu phong. Như ở khu trưng bày, giới thiệu về sản phẩm cốm Mễ Trì, sau khi bước qua chiếc cổng cổ, khách tham quan sẽ bước vào "ngôi nhà", với "sân gạch", "tường bao" tương tự như ngôi nhà cổ. Trong khuôn viên ấy, những bó lúa nếp non tỏa hương thơm ngào ngạt, được trưng bày cùng với dụng cụ làm cốm. Còn ở khu giới thiệu sản phẩm bánh tẻ Phú Nhi, tương Đường Lâm, toàn bộ cổng, tường bao được in hình đá ong - đặc trưng của vùng đất xứ Đoài, còn ngôi nhà thì dựng theo nguyên mẫu nhà cổ của ông Hà Nguyên Huyến ở làng Đường Lâm. Ở khu trưng bày, giới thiệu về phở Hà Nội, Ban tổ chức phục dựng cả một góc phố cổ Hà Nội. Trong không gian ấy, khách tham quan được tìm hiểu về 10 món ăn đặc trưng của Hà Nội, gắn với các làng nghề. Ngoài bốn món ăn nêu trên, còn có các món: bánh cuốn Thanh Trì, xôi chè Phú Thượng, giò chả Ước Lễ, bánh chưng Tranh Khúc, bánh dày Quán Gánh, bún Phú Đô.
Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao) Phạm Thị Lan Anh cho biết: "Gốc gác văn hóa Việt Nam là nền nông nghiệp lúa nước. Bởi vậy, trong lần đầu tổ chức lễ hội, chúng tôi chọn lựa những món ẩm thực làm từ lúa gạo. Hầu hết các món ẩm thực giới thiệu tại lễ hội lần này đều gắn với hoạt động của các làng nghề cụ thể. Các làng nghề này là nơi lưu giữ nhiều tri thức dân gian về ẩm thực. Thông qua giới thiệu quy trình làm ra những sản phẩm, tạo không gian để những người đến lễ hội giao lưu với nghệ nhân làng nghề, chúng tôi mong muốn đem đến cho khách tham quan những trải nghiệm thú vị về ẩm thực Hà thành. Từ đó, khuyến khích mọi người đến tận các làng nghề để trải nghiệm, hỗ trợ du lịch phát triển".
Không gian giới thiệu 10 món ăn đặc sắc của Hà Nội còn giới thiệu những câu thơ, những đoạn văn hay về các món ẩm thực nổi tiếng. Khi tham quan, nhiều khách hàng đã ngạc nhiên khi nhìn lại món phở Hà Nội cách đây gần 100 năm - đó là khi phở được bán rong bằng gánh; mọi người cũng rất thích thú khi tìm hiểu về nghề làm cốm ở Mễ Trì. Tại không gian giới thiệu ảnh nghệ thuật về văn hóa - ẩm thực Hà Nội, Ban tổ chức lồng ghép giữa giới thiệu nét đẹp của ẩm thực với tuyên truyền cách ứng xử văn minh, thanh lịch của người Hà Nội. Cùng với không gian giới thiệu 10 món ăn đặc sắc của Hà Nội, không gian ẩm thực còn có 26 gian hàng bán các món ăn truyền thống. Tại đây có sự góp mặt của nhiều nhà hàng, quán ăn có thương hiệu tại khu vực phố cổ như: Miến lươn phố Chân Cầm, phở Thìn phố Đinh Tiên Hoàng... Ngoài ra, khách tham quan được thưởng thức những món ăn dân gian khác như: bánh đúc, bún riêu, bánh cuốn, phở, bánh cốm, nem Phùng... Trong không gian đậm chất văn hóa và nhiều món ăn hấp dẫn, các gian hàng đều rất đông khách đến thưởng thức. Chị Nguyễn Thu Thủy (phố Định Công, quận Hoàng Mai) cho biết: "Thời tiết những ngày tháng 10 rất đẹp, đến với Lễ hội Văn hóa ẩm thực vừa được thưởng thức món ăn, vừa được thưởng ngoạn không gian sinh động và phong phú là niềm vui của tôi và gia đình".
Một trong những mục đích của Lễ hội Văn hóa ẩm thực là giới thiệu những quy trình, kỹ thuật làm nghề đến với công chúng. Chia sẻ về vấn đề này, nghệ nhân Nguyễn Văn Thanh, làng bánh chưng Tranh Khúc cho biết: "Bánh chưng là món ăn quen thuộc của người Việt Nam, hầu như nhà nào cũng có thể làm được. Nhưng bánh chưng Tranh Khúc có chỗ đứng trên thị trường, trở thành một làng nghề là vì chúng tôi có cách làm riêng. Từ khâu chọn gạo, trộn gia vị, cho đến chế biến nhân bánh đều cẩn thận và có một chút làm khác biệt so với bình thường. Chẳng hạn như thịt lợn làm nhân bánh được chúng tôi chần qua nước sôi, như thế bánh sẽ lâu thiu. Còn thời gian đun bánh không quá tám tiếng nước sôi. Nhiều người quan niệm càng đun lâu bánh càng dền là không đúng, làm vậy không khác nào nấu nồi cơm quá lửa. Trong tối khai mạc, chỉ một tiếng đồng hồ chúng tôi đã bán hết hơn 100 chiếc bánh".
Đã có nhiều liên hoan ẩm thực của Hà Nội được tổ chức, song Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2018 là dịp mà "chất" văn hóa thủ đô thể hiện rõ nét nhất. Cùng với không gian đậm chất truyền thống, đúng như cam kết của Ban tổ chức, các gian hàng không có sự xuất hiện của những món ẩm thực "ngoại lai" như xúc xích, khoai tây chiên, hay những món lẩu, nướng tổng hợp... Ban tổ chức hy vọng sẽ biến Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội trở thành hoạt động hằng năm, để tiếp tục tôn vinh, giới thiệu nét đẹp ẩm thực của Thủ đô.