Tôn vinh cống hiến của nhà văn nữ

Nhà văn Trần Thị Trường (Hà Nội) và nhà thơ Lê Thị Kim (Thành phố Hồ Chí Minh) là hai gương mặt vừa được Hội Nhà văn Việt Nam tôn vinh qua Giải thưởng Nhà văn nữ ấn tượng năm 2023. Miệt mài sáng tác, tạo dấu ấn bằng tác phẩm, họ là biểu tượng cho nghị lực sống với tấm lòng nhân ái hướng tới cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Hai nhà văn nữ Trần Thị Trường (bên trái) và Lê Thị Kim nhận Giải thưởng Nhà văn nữ ấn tượng năm 2023.
Hai nhà văn nữ Trần Thị Trường (bên trái) và Lê Thị Kim nhận Giải thưởng Nhà văn nữ ấn tượng năm 2023.

Từ năm 2021, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã phê duyệt và triển khai giải thưởng trên nhằm ghi nhận, tôn vinh nỗ lực, sáng tạo của các nhà văn nữ trong cuộc sống và sự nghiệp, nhất là những đóng góp cho cộng đồng. Giải thưởng đồng thời khuyến khích, cổ vũ, động viên các nhà văn nữ tiếp tục nâng cao chất lượng sống, góp phần nhân lên giá trị tốt đẹp, nhân ái, phù hợp với truyền thống, nhân cách của người phụ nữ Việt Nam.

Năm 2023, sau những nỗ lực tìm kiếm ứng viên tiêu biểu khắp các vùng miền, Ban Nhà văn nữ của Hội đã thống nhất bình chọn hai nhà văn để trao giải thưởng là nhà văn Trần Thị Trường và nhà thơ Lê Thị Kim. Đề xuất này nhận được sự nhất trí của Hội Nhà văn Việt Nam. Đây là hai nhà văn nữ có đóng góp lâu năm cho nền văn học. Họ thành danh từ những năm 1980-1990 và đã đạt nhiều giải thưởng uy tín của Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam... Dù cuộc sống đầy rẫy khó khăn thử thách, song, nghị lực sáng tạo và cống hiến của họ luôn dồi dào trong tất cả các giai đoạn.

Nhà văn Trần Thị Trường sinh năm 1950 tại Tuyên Quang, quê quán ở Hoài Đức, Hà Nội. Tiểu thuyết đầu tay “Lời cuối cho em” của bà do NXB Thanh niên ấn hành với tranh bìa của họa sĩ Thành Chương khi vừa ra mắt đã thu hút chú ý dư luận và gây sốt trên thị trường xuất bản Việt Nam từ năm 1990. Động lực văn chương khích lệ Trần Thị Trường theo đuổi nghiệp viết. Bà trở thành phóng viên, đôi khi đảm nhiệm cả vai trò họa sĩ trình bày cho một số tờ báo. Năm 1994 bà trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tính tới nay, gia tài tác phẩm của bà gồm nhiều tiểu thuyết và các tập truyện ngắn. Sự nghiệp lấp lánh nhưng nữ nhà văn có cuộc sống riêng đầy gian truân, nhiều biến động.

Cùng thế hệ, nhà thơ Lê Thị Kim sinh năm 1950 tại Thanh Hóa, sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Những năm 1979-1982, bà là nhà thơ nữ duy nhất trong nhóm ca khúc của Hội Trí thức yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh và đi lưu diễn nhiều nơi. Năm 1981, bà trở thành một trong những hội viên đầu tiên của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó lần lượt đảm nhận các vị trí: Ủy viên Ban Chấp hành Hội khóa 4-5; Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ; Ủy viên Hội đồng Thơ khóa 6 (2010-2015) của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh… Nữ nhà thơ đã cho ra mắt nhiều tác phẩm, có thể kể đến: “Thành phố tháng Tư” (in chung với Nguyễn Nhật Ánh, năm 1986); “Khi tình yêu đến” (năm 1988); “Đóa quỳ hư ảo” (năm 1991); “Sương bụi tình yêu” (năm 1997); “Em lạc đâu sao kim” (năm 2020)... Bản tính ấm áp, dịu dàng giúp Lê Thị Kim có được cái nhìn thiện cảm, tích cực với thơ ca và cuộc sống. Trước khi là nhà thơ, bà từng là kỹ sư hóa học. Chồng qua đời từ khi còn trẻ, số phận đặt bà vào cảnh mẹ góa con côi. Nữ nhà thơ từng viết những câu đầy chua xót: “Vì con đi hết đường này/ thôi đành phận số cát bay đá mòn/ mẹ như một cánh lá non/ khi cha bặt vắng mẹ còn hư vô/ vì con mẹ phải tự ru/ thôi thì ráng nốt kiếp hư vô này”. Trong hai con trai của bà, họa sĩ Nguyễn Trọng Hiếu có nhiều tranh triển lãm, được các nhà sưu tập chọn mua. Anh bị yếu chân từ nhỏ, phải chống nạng, làm mọi việc đều khó khăn hơn bình thường, nhưng vẫn dành nhiều thời gian sáng tác, làm từ thiện cùng mẹ.

Vừa là nhà văn, nhà thơ, hai cây bút nữ cũng là những họa sĩ có nhiều tác phẩm, nhiều triển lãm thành công và có hoạt động tích cực quảng bá cho văn học nghệ thuật. Nhà văn Trần Thị Trường được biết đến với không gian Cà-phê thứ bảy, Phố Hoài; nhà thơ Lê Thị Kim với nhóm ca khúc của Hội Trí thức yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh đã lưu diễn nhiều nơi. Họ đầy nhiệt tâm trong các chương trình thiện nguyện, giúp đỡ những số phận kém may mắn khác trong xã hội. Hai người phụ nữ ấy vẫn liên tục làm những việc đáng quý một cách âm thầm, giản dị. Nhà thơ Lê Thị Kim từng chuyển toàn bộ số tiền bán tranh (khoảng 200 triệu đồng) trong một cuộc triển lãm tặng cho các tổ chức thiện nguyện và các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Nhà văn Trần Thị Trường tích cực tham gia các tổ chức thiện nguyện và các tổ chức hỗ trợ cho trẻ em vùng cao và tại địa phương mình sinh sống.

Năm 2022-2023 với hai nữ nhà văn là giai đoạn thử thách khắc nghiệt của số phận. Họ đều mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng với nghị lực mạnh mẽ, ý chí kiên cường, họ đã đứng vững, tiếp tục sáng tạo và cống hiến. Ở bất cứ giai đoạn nào trong cuộc sống, dù nhiều lần họ đã phải vào ra bệnh viện, có lúc tưởng thập tử nhất sinh, trái tim những người phụ nữ tài hoa ấy luôn ngân rung những cung bậc của tâm hồn nhân hậu, bao dung. Nghị lực, tình yêu với cuộc sống, văn chương, hội họa và sự sẻ chia đầy lặng lẽ với cộng đồng luôn là mối quan tâm hàng đầu của họ ■