Tôn trọng luật pháp, văn hóa khi tới Việt Nam du lịch

Liên quan vụ việc 14 du khách Trung Quốc mặc áo in hình đường “lưỡi bò” nhập cảnh tại sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) những ngày qua, mới đây, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định:

Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông được xác lập phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Đây là một thực tế không thể thay đổi và cần được tôn trọng. Được biết, những du khách này khi nhập cảnh mặc áo khoác, sau khi làm xong thủ tục ra khu vực sảnh mới cởi áo ngoài làm lộ áo thun in hình bản đồ có đường “lưỡi bò” phía sau lưng. Ngay khi phát hiện, lực lượng an ninh Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh đã yêu cầu họ cởi bỏ những chiếc áo này, đồng thời tiến hành thu giữ rồi mới cho rời khỏi sân bay. Câu chuyện này một lần nữa đặt ra vấn đề cần siết chặt hơn việc quản lý du khách khi tới Việt Nam du lịch. Khoản 1 Điều 12 Luật Du lịch năm 2017 nước ta quy định nghĩa vụ của khách du lịch là phải “Tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi đến du lịch; ứng xử văn minh, tôn trọng phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa địa phương, bảo vệ và giữ gìn tài nguyên du lịch, môi trường du lịch; không gây phương hại đến hình ảnh quốc gia, truyền thống văn hóa dân tộc của Việt Nam”. Điều này có nghĩa, bất kể du khách mặc áo in bản đồ có đường “lưỡi bò” khi vào nước ta, dù vô tình hay cố ý cũng là biểu hiện vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam; không thể chấp nhận và cũng không thể để tái diễn.

Đây không phải lần đầu du khách quốc tế tới Việt Nam có hành động thiếu tôn trọng luật pháp, văn hóa nước sở tại, gây bức xúc dư luận. Trước đó, từng có trường hợp du khách nước ngoài đốt tiền Việt Nam hoặc xin nhập cảnh Việt Nam với những tấm hộ chiếu có in hình đường “lưỡi bò”... Đáng báo động hơn là tình trạng một số người nước ngoài tìm cách nhập cảnh Việt Nam theo con đường du lịch rồi ở lại làm ăn trái phép. Đến nay, tình trạng này vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm, nhất là ở những địa phương có mức tăng trưởng “nóng” khách quốc tế đến từ các thị trường như Trung Quốc, Nga. Việc người nước ngoài kinh doanh du lịch “chui” hoặc trở thành những hướng dẫn viên du lịch “chui” đã gây nhiều tác động tiêu cực không chỉ về kinh tế - xã hội mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh điểm đến, uy tín thương hiệu du lịch quốc gia khi mà chất lượng dịch vụ không được bảo đảm; lịch sử, văn hóa Việt Nam bị thuyết minh bóp méo, sai sự thật…

Theo các chuyên gia, việc phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp để du khách tuyệt đối tuân thủ pháp luật, văn hóa, phong tục tập quán Việt Nam là điều cần tập trung, quyết liệt thực hiện. Bên cạnh việc phối hợp liên ngành giữa các cơ quan chức năng thuộc lĩnh vực du lịch, an ninh, thị trường… để làm chặt công tác quản lý, giám sát, thanh kiểm tra hoạt động du lịch; công tác truyền thông để nâng cao nhận thức cho du khách trước khi nhập cảnh cũng cần được đẩy mạnh và nên thực hiện sớm ngay từ khâu đầu vào. Cụ thể, cần có bộ quy tắc ứng xử chuẩn dành cho du khách quốc tế, trong đó quy định rõ những điều cấm, những điều không được làm khi đến Việt Nam du lịch. Những hãng lữ hành đưa, đón khách nước ngoài tới Việt Nam có nghĩa vụ phổ biến các quy định này và yêu cầu du khách cam kết thực hiện. Các quy định này cũng cần được phổ biến rộng rãi tới khách du lịch quốc tế quan tâm tới Việt Nam thông qua phương tiện truyền thông đại chúng, cơ quan đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, website du lịch, trang làm visa online… hay công bố ở những cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế... Cần nhấn mạnh để du khách hiểu đất nước, con người Việt Nam luôn thân thiện, mến khách nhưng không có nghĩa sẽ chấp nhận cả những vị khách thiếu tôn trọng luật pháp, văn hóa, phong tục tập quán Việt Nam. Trong trường hợp đã được giải thích rõ ràng, cam kết thực hiện mà du khách vẫn cố tình vi phạm, tất yếu cần tới chế tài đủ mạnh, có sức răn đe để bảo đảm những vi phạm tương tự không lặp lại, như: không cho nhập cảnh, thực hiện lệnh trục xuất hoặc cấm nhập cảnh vĩnh viễn...

Về vụ việc nhóm du khách Trung Quốc mặc áo in hình đường “lưỡi bò” khi nhập cảnh Việt Nam, Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, đây là sự việc có thể xảy ra ở bất cứ khu vực nào. Sở dĩ lần này lực lượng an ninh sân bay phát hiện ra bởi nhóm du khách cởi bỏ áo khoác ngay tại đó. Do vậy, các địa phương và chính người dân cần nâng cao vai trò giám sát. Khi phát hiện những sự việc tương tự, cần chủ động ngăn ngừa, báo cáo để có biện pháp xử lý kịp thời. Phương châm xử lý là vừa phải bảo đảm tôn trọng pháp luật Việt Nam, vừa không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh du lịch cũng như quan hệ đối ngoại giữa nước ta với các nước trong bối cảnh quan hệ quốc tế khu vực và thế giới đang diễn biến ngày càng phức tạp.