Năm 2020, cùng với đồng bào thuộc mọi tôn giáo khác nhau trên cả nước, đồng bào Công giáo đã có những đóng góp tích cực trong phòng, chống dịch Covid-19, phát huy tinh thần thi đua yêu nước, cùng nhau xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng vững mạnh.
Tính đến cuối năm 2019, cả nước có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động với 57.000 chức sắc, 157.000 chức việc, 29.000 cơ sở thờ tự. Có 46 trường đào tạo chức sắc tôn giáo tương đương từ bậc trung cấp đến đại học. 27% dân số (khoảng 25 triệu người) là tín đồ của một trong các tôn giáo. Việc in kinh sách và xuất bản các ấn phẩm liên quan tôn giáo được duy trì thường xuyên, bảo đảm phục vụ yêu cầu hoạt động tôn giáo. Mỗi năm có tới hơn 8.000 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức, thu hút đông đảo người dân và du khách. Cùng với đó, nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn đã được đăng cai, tổ chức thành công tại Việt Nam, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao như sự kiện Kỷ niệm 500 năm cải chánh đạo Tin lành (2017), Ðại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak (2019), Tổng hội dòng Ða Minh thế giới (2019)...
Cùng với những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, Việt Nam cũng đã đạt được những tiến bộ vượt bậc về tự do tôn giáo. Ðoàn kết tôn giáo đang trở thành nền tảng của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Chúng ta đã không ngừng nỗ lực để hoàn thiện các hệ thống pháp luật liên quan tôn giáo, đồng thời đề ra các chính sách tôn giáo phù hợp. Ngoài các quy định trong Hiến pháp, quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo được cụ thể hóa trong nhiều văn bản luật khác nhau, như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Dân sự, sự ra đời của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 là dấu mốc quan trọng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.
Thực tế những năm vừa qua cho thấy, không khí sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trong các tầng lớp nhân dân ngày càng sôi động và có chiều hướng gia tăng. Thống kê có tới 95% dân số Việt Nam hiện nay có đời sống tín ngưỡng. Cứ nhìn vào các lễ hội tôn giáo, các buổi lễ trọng của các tôn giáo và tín ngưỡng dân gian có thể nhận rõ, những sinh hoạt này không chỉ là sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng trong các cộng đồng của đồng bào có đạo mà còn đang trở thành ngày hội thu hút toàn dân tham gia. Ðiều đó thể hiện rằng Ðảng và Nhà nước ta luôn tạo mọi điều kiện để nhân dân được tự do tham gia các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Ðây là những sinh hoạt vừa mang tính tâm linh vừa mang yếu tố văn hóa, là nhu cầu chính đáng của người dân. Có không ít cơ sở thờ tự, tín ngưỡng đang trở thành địa chỉ du lịch thu hút du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng. Ðiều đáng nói là tự do tôn giáo của các dân tộc thiểu số luôn được bảo đảm. Ở từng địa phương, chính quyền cũng luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các chức sắc, chức việc và mọi tín đồ tôn giáo được hoạt động trên cơ sở tôn trọng pháp luật của Nhà nước.
Những thành tựu vượt bậc trong công tác bảo đảm tự do tín ngưỡng và đoàn kết tôn giáo những năm qua chính là cơ sở để tín đồ tôn giáo, chức sắc tôn giáo yên tâm hành đạo. Ðường lối, chính sách đúng đắn của Ðảng và Nhà nước về tôn giáo giúp cho mỗi người dân thấy được quyền lợi và trách nhiệm của mình, gắn bó quyền lợi của mình với lợi ích quốc gia, dân tộc, sống tốt đời đẹp đạo, không ngừng phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.