Tổn thương tim ở trẻ nhiễm SARS-CoV-2

NDO -

Trẻ có thể gặp nhiều biến cố khó lường sau khi nhiễm Covid-19, trong đó có tổn thương tim. Vì vậy, tiêm vaccine là biện pháp tốt nhất để trẻ có kháng thể chủ động trước sự tấn công của virus SARS-CoV-2. 

Các bác sĩ can thiệp cho trẻ tổn thương tim sau nhiễm Covid-19. (Ảnh: Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố Hồ Chí Minh)
Các bác sĩ can thiệp cho trẻ tổn thương tim sau nhiễm Covid-19. (Ảnh: Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố Hồ Chí Minh)

Gần đây, Bệnh viện Nhi Đồng thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận một số trường hợp bệnh nhi bị tổn thương tim sau nhiễm Covid-19. 

Sau khỏi bệnh 2 tuần, nữ bệnh nhi N.T.K.B (7 tuổi trú tại Tây Ninh) xuất hiện triệu chứng bất thường như sốt nhẹ, ho ít, ăn uống kém và nôn. Ngày thứ ba, bé bắt đầu tím tái môi, lừ đừ nên gia đình đã quyết định đưa bé đến bệnh viện địa phương.

Tại đây, bé bắt đầu có các triệu chứng nặng hơn như lờ đờ, gồng cơ tay chân, trợn mắt, huyết áp không ổn định. Trong thời gian điều trị tại bệnh viện địa phương, tình trạng của B không những không cải thiện mà còn xuất hiện thêm các triệu chứng nặng hơn. Các bác sĩ quyết định chuyển B tới Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố với chẩn đoán sơ bộ là viêm cơ tim cấp ngày 3-block nhĩ thất độ III.

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố, bé B. nhập viện trong tình trạng thở máy, người tím tái, mạch nhẹ, tim lờ đờ, men tim và men gan tăng cao. Tình trạng trẻ diễn tiến nặng, sốc không cải thiện. 

Trẻ được thực hiện kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể bằng phương thức ECMO (kỹ thuật dành cho bệnh nhân suy tim). Ngoài ra, trẻ còn được điều trị tích cực với kháng viêm, kháng đông, điều chỉnh điện giải toan kiềm. Sau 3 ngày được can thiệp ECMO, tình trạng của trẻ cải thiện.

Giữa tháng 3, bé trai L.N.H. 9 tuổi, trú Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh nhiễm Covid-19 mới ngày thứ 2 đã sốt cao, ói, tái nhợt, tim chậm, rồi đập nhanh bất thường; tràn dịch màng tim, được dẫn lưu dịch ra ngoài vẫn không cải thiện, diễn tiến nặng vào sốc tim, viêm cơ tim cấp phải chạy ECMO khẩn trong đêm. Trải qua gần 10 ngày nguy kịch, bệnh nhi được cai ECMO.

Theo bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, những trẻ này có một trong các biểu hiện của hội chứng viêm đa hệ thống là tổn thương tim nặng.

Tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian qua cũng có một số trường hợp trẻ bị tổn thương tim mạch khi nhiễm Covid-19. Trẻ vào viện phải can thiệp ECMO, thở máy, cấy máy tạo nhịp tim, vận mạch, thuốc chống loạn nhịp…

Gần đây nhất, trung tâm tiếp nhận bé trai 7 tuổi, sau nhiễm Covid-19 ngày thứ 12, bị đột ngột co giật, mất ý thức, tái nhợt, tim chậm, ngừng tim (Hội chứng Adams Stokes). Bệnh nhi được chẩn đoán block nhĩ-thất hoàn toàn, sau 12 ngày cấy máy tạo nhịp tạm thời không hồi phục, được phẫu thuật cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn.

Tổn thương tim mạch, trong hội chứng viêm đa hệ thống sau nhiễm Covid-19 ở trẻ em rất phổ biến (80%). Biểu hiện lâm sàng thường gặp là shock tim, rối loạn nhịp, tràn dịch màng ngoài tim và giãn động mạch vành.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, với dữ liệu từ hơn 900 bệnh viện, Covid-19 là thủ phạm hàng đầu gây viêm cơ tim ở trẻ em dưới 16 tuổi, tỷ lệ viêm cơ tim ở trẻ bị nhiễm là 0,133%, nguy cơ mắc viêm cơ tim ở trẻ mắc Covid-19 là 37 lần, cao hơn so với nhóm không mắc virus này. 

Các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, cho tới nay chưa có yếu tố nào giúp tiên đoán chắc chắn trẻ sẽ bị hậu Covid-19 sau mắc cấp tính. Một trẻ mắc Covid-19 ở mức độ nhẹ cũng có thể xuất hiện các dấu hiệu của hậu Covid-19.

Tuy nhiên, nếu một trẻ mắc Covid-19 cấp tính nguy kịch cần điều trị hồi sức, trẻ béo phì, tiền sử dị ứng có nguy cơ xuất hiện triệu chứng hậu Covid-19 cao hơn nhóm trẻ khác.

Tổn thương tim ở trẻ nhiễm SARS-CoV-2 -0
 Gia đình cần theo dõi sát dấu hiệu của trẻ khi nhiễm và sau nhiễm Covid-19.

Theo PGS, TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, hậu Covid-19 có thể gây ảnh hưởng tới hầu hết các cơ quan trong cơ thể, trong đó thường gặp các triệu chứng tâm thần kinh như mệt mỏi, rối loạn vị giác, khứu giác, đau đầu, kém tập trung, các triệu chứng hô hấp hay gặp là ho kéo dài, đau họng, khó thở,… Ngoài ra trẻ có thể đau khớp, đau cơ, nặng ngực, hồi hộp đánh trống ngực.

Do đó, sau nhiễm Covid-19, gia đình cần theo dõi sát các dấu hiệu khác thường của trẻ. Nếu thấy trẻ có các triệu chứng như mô tả ở trên hoặc thấy xuất hiện bất kỳ dấu hiệu/triệu chứng nào mà trước khi mắc Covid-19 trẻ không có, cần cho trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để xác định bệnh cũng như có chế độ điều trị, can thiệp, và chăm sóc hợp lý.

Trường hợp trẻ phải nhập viện điều trị nội trú trong đợt mắc Covid-19, nên cho trẻ đi khám lại theo lịch hẹn của cơ sở y tế (nếu có).

Hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) sau nhiễm SARS-CoV-2 tuy hiếm gặp nhưng là tình trạng nặng và có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh thường xảy ra sau mắc Covid-19 khoảng từ 2-6 tuần. Do đó, các bác sĩ tuyến dưới cũng cần lưu ý tới việc điện tâm đồ, khám xét kỹ các triệu chứng liên quan đến hội chứng MIS-C để có những xử trí, chuyển lên tuyến trên kịp thời. 

"Hiện nay chưa có bất kỳ một biện pháp vật lý, thuốc hay thực phẩm nào giúp ngăn chặn việc xuất hiện hậu Covid-19. Phương pháp duy nhất giúp không xuất hiện hậu Covid-19 là dự phòng nhiễm SARS-CoV-2 cho trẻ bằng các biện pháp phòng bệnh thích hợp và tiêm vaccine Covid-19 theo khuyến cáo của ngành y tế", PGS, TS Trần Minh Điển nói. 

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan