Tôm càng xanh nuôi nhiều ở vùng lúa - tôm tỉnh Cà Mau, tập trung phần lớn ở huyện Thới Bình - địa phương sắp về đích huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh. Nơi ấy có con sông đã đi vào tiểu thuyết “Bên dòng sông Trẹm”. Dòng nước trong lành từ dòng sông ấy đã giúp những cánh đồng “cò bay thẳng cánh” miệt Thới Bình ngày thêm phì nhiêu, tươi tốt, tạo nên những mặt hàng lúa hữu cơ, lúa sinh thái đạt chuẩn xuất khẩu.
Vào mùa mưa hằng năm, khi độ mặn hạ xuống cực thấp không còn phù hợp nuôi tôm sú, tôm thẻ, nhà nông Thới Bình rửa mặn vuông tôm để trồng lúa, kết hợp tôm càng xanh. Khi trời dứt mưa, nước sông Trẹm bắt đầu trở mặn, nông dân thu hoạch tôm càng xanh, kéo dài đến Tết Nguyên đán.
Ông Phạm Văn Khải, có 1,3ha nuôi tôm càng xanh ở ấp Quyền Thiện (xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình), cho biết: Tôm càng được nuôi xen canh trong những cánh đồng canh tác lúa hữu cơ với các giống ST. Lúa không phun thuốc, hóa chất mà chỉ bón một lượng nhỏ phân hữu cơ vào thời điểm nhất định. Còn tôm càng, chỉ chọn giống tốt và để tôm tự kiếm ăn. Vì thế, thịt tôm, gạch tôm có mùi thơm đặc trưng riêng và rất chắc thịt.
“Năm nào mặn đến sớm quá khiến lúa bị chết, gia đình cấy bồn bồn lấp vụ và để làm chỗ dựa cho tôm. Nhờ môi trường sinh thái tự nhiên mà chất lượng tôm càng vẫn bảo đảm”, ông Khải chia sẻ.
Sau thời gian manh nha, diện tích nuôi tôm càng ở Thới Bình hiện đã phát triển lên khoảng 16.000 ha, tập trung ở các xã: Biển Bạch Đông, Tân Bằng, Biển Bạch, Thới Bình, Trí Phải, Trí Lực… Đến giữa tháng 1-2021, khoảng hơn 30% diện tích tôm càng xanh của huyện đã thu hoạch, năng suất đạt trung bình khoảng 200-250 kg/ha mặt nước.
“Với giá bán tại ruộng từ 110.000 - 130.000 đồng/kg, sau khi trừ hết các khoản chi phí, nhà nông nuôi tôm càng xanh còn lời khoảng 20 triệu đồng/ha mặt nước”, ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng phòng NN và PTNT huyện Thới Bình tiết lộ.
Việc thu hoạch tôm được tiến hành sau khi đã tháo bớt nước dưới chân ruộng lúa. Hộ thu tôm sẽ “mượn ngày công” của những “láng giềng” gần, chung tay ra ruộng bắt tôm. Cuối buổi, bà con chụm rụm, ăn bũa cơm thân mật kiểu “cây nhà lá vườn” cùng với gia chủ, mừng thành quả lao động sau một vụ mùa vất vả. Cách thu hoạch ấy khá bình dị, chân chất và còn lưu giữ được đến ngày nay, giúp vụ tôm càng càng thêm ấm cúng giữa thời tiết giao mùa.