Kỷ niệm 33 năm Ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam

Tôi tự hào về Đảng, về nhân dân mình

Tôi tự hào về Đảng, về nhân dân mình

Nhắc đến Hiệp định hòa bình Paris, không thể không nhắc đến bà Nguyễn Thị Bình, lúc ấy là Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam (CMLTCHMN) Việt Nam. Với nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới, cái tên Nguyễn Thị Bình đã trở nên quá đỗi thân quen, gần gũi. Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, hay thường được gọi là Hiệp định Paris, được ký ngày 27-1-1973 sau gần 5 năm đàm phán, là kết tinh sức mạnh dân tộc và chiến thắng huy hoàng của ngành ngoại giao Việt Nam. Để có được Hiệp định lịch sử đó, có sự đóng góp của rất nhiều người, nhiều ngành, và cả dân tộc, trong đó có vai trò của bà Nguyễn Thị Bình.

Phóng viên: Là nữ Bộ trưởng Ngoại giao duy nhất trong hội nghị Paris bốn bên (gồm Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Hoa Kỳ, Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa), bà có thể cho biết cảm xúc khi đảm trách nhiệm vụ thiêng liêng nhưng cũng đầy khó khăn, thử thách này ?

Nghe câu hỏi, bà Nguyễn Thị Bình ngồi trầm tư. Bà bảo, “Câu chuyện xảy ra cũng lâu quá rồi. Chưa chắc tôi còn nhớ hết mọi việc”. Rồi, sau giây lát hồi tưởng, bà bắt đầu nói, giọng trầm ấm.

Bà Nguyễn Thị Bình: Lần này, trong chuyến thăm và làm việc ở các nước châu Âu, mặc dù thời gian ít, tôi cũng đến thăm nhà hội nghị ở đại lộ Kléber, thủ đô Paris. Tôi không vào bên trong mà đứng bên ngoài để ngắm lại nơi đã diễn ra Hội nghị suốt gần 5 năm. Xong rồi, tôi về thăm Verrières Le Buisson, nơi Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam đóng cơ quan tại đó. Nghĩ lại thời gian ấy, khi được giao nhiệm vụ mới mẻ và nặng nề, tôi cũng rất lo. Thế nhưng suy nghĩ rằng Đảng đã chọn lựa và trao trách nhiệm đó, thì tất nhiên là Đảng có căn cứ để cho rằng mình có thể làm được. Vì vậy, tuy lo nhưng tôi cũng tin tưởng và cố gắng. Nay, nhìn lại thấy mình ngồi 5 năm kể ra cũng dài (bà cười thật tươi). Lúc bấy giờ, mình cùng  các đồng chí bám trụ suốt 5 năm mà không nghĩ rằng tất cả đều rất dũng cảm và kiên trì. Tất cả đều nghĩ mình làm được gì để góp vào chiến thắng. Ngồi tại Paris nhưng hai đoàn của ta đều hướng về chiến trường cả, bởi chúng tôi hiểu cái gì quyết định trên bàn đàm phán là phải từ tình hình của chiến trường. Cho nên chúng tôi luôn theo dõi sát sao diễn biến các cuộc chiến đấu tại chiến trường. Bây giờ, ngẫm lại các bước đi của mình trong giai đoạn đó, càng thấy sự tài tình của Đảng. Tại sao tôi lại nói là tài tình, vì lúc bấy giờ, nhân dân các nước đều rất ủng hộ mình, đặc biệt là các nước XHCN. Nhưng ngay các nước XHCN cũng không nghĩ rằng mình có thể đánh thắng được Mỹ. Thế nên, nhìn lại sự lãnh đạo của Đảng, tuy phải trải qua bước này bước khác, nhưng mà đi đến thắng lợi hoàn toàn như vậy, vừa nghĩ sự hy sinh dũng cảm của nhân dân mình đã tạo ra thế chủ động trên chiến trường, đồng thời cũng phải nói đến chủ trương, bước đi sáng suốt của Đảng lãnh đạo. Lúc này đây, tôi càng cảm thấy tự hào về Đảng, về nhân dân mình.

Do theo dõi sát sao tình hình chiến trường, nên những giây phút hồi hộp, xúc động nhất trong thời gian diễn ra Hội nghị cũng chính là những khi nhận được thông tin về diễn biến quyết liệt ở chiến trường. Diễn biến trên chiến trường tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến chúng tôi, những người ở bàn đàm phán. Đặc biệt là diễn biến cuộc tổng phản công năm 1972 và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị. Trong suốt thời gian diễn ra cuộc chiến đấu ở Quảng Trị, tình hình chiến trường cực kỳ ác liệt. Đó cũng là trận đánh có tính chất quyết định tới đàm phán của ta ở Paris. Trong tình hình chung là tương quan lực lượng của mình chuyển biến có lợi, thêm trận đánh tuy rằng chưa phải thắng lợi hoàn toàn, nhưng địch cũng thấy được quyết tâm và khả năng chiến đấu của chúng ta. Vì vậy, dự thảo Hiệp định Paris năm 1972 cơ bản soạn xong chính là do trận đánh ở Quảng Trị góp phần vào việc Mỹ phải chấp nhận những điều khoản của ta.

Chúng ta cũng nhớ lại rằng lúc bấy giờ Hoa Kỳ vẫn ngoan cố vớt vát những đòn có thể làm chuyển biến tình hình, hoặc ít nhất là thay đổi một vài nội dung trong hiệp định có lợi cho chúng. Cho nên cuối tháng 12-1972 Mỹ đưa máy bay B52 tiến hành chiến dịch ném bom thủ đô Hà Nội, trận đánh thường được gọi là “Trận Điện Biên Phủ trên không”. Về mặt ngoại giao, chúng ta tuyên bố phản đối thái độ lật lọng, ngoan cố của Mỹ đưa máy bay đánh phá miền bắc và ngừng tiến trình đàm phán. Mặt khác, ở Paris, chúng tôi rất lo. Ngay cả các nước bạn bè cũng rất lo. Vì B52 là máy bay tối tân nhất lúc bấy giờ với phương tiện phá sóng rada và sức mạnh huỷ diệt khủng khiếp. Nhưng sau khi chiếc B52 đầu tiên, rồi chiếc thứ hai, thứ ba bị bắn hạ, các đồng chí ở hội nghị mới phấn khởi và bớt lo. Dần dần chúng ta cũng đứng vững. Rồi nhớ lại lời Bác Hồ căn dặn, rằng Mỹ chỉ chịu thua sau khi vũ khí hiện đại nhất của chúng là B52 bị thất bại hoàn toàn.

Sau thất bại nặng nề cả về quân sự và chính trị đó của trận Điện Biên Phủ trên không, ngày 31-12-1972 Mỹ buộc phải chấm dứt ném bom và đề nghị trở lại đàm phán. Hiệp định ta ký sau đó là cơ bản chuẩn bị hồi tháng 10 rồi. Những điểm đó, bây giờ nghĩ lại vẫn còn hồi hộp.

Phóng viên: Bà đón nhận tin Mỹ chấp nhận ký Hiệp định Paris trong bối cảnh như thế nào? Bà đã từng ký nhiều văn bản quan trọng, nhưng ấn tượng của bà ra sao khi đặt bút ký Hiệp định Paris ?

Bà Nguyễn Thị Bình: Khi Mỹ bắt đầu ném bom B52 vài ngày thì trong nước gọi tôi về. Đến Trung Quốc ngày 30-12-1972, ở nhà báo sang Mỹ đã đặt vấn đề trở lại đàm phán. Cho nên tôi phải về nước ngay để trở lại sớm. Mình cũng tin rằng trước sau Mỹ cũng phải trở lại đàm phán, nhưng không ngờ họ lại muốn đàm phán sớm thế. Tranh thủ về nước vài ngày rồi tôi trở lại Paris ngay để chuẩn bị cho lễ ký Hiệp định.

Sau khi nối lại các cuộc đàm phán, qua nhiều buổi tiếp xúc, đi lại bàn bạc, lễ ký Hiệp định Paris 27-1-1973 chỉ được ấn định trước đó khoảng chục ngày. Để thực hiện lễ ký cũng không hề đơn giản. Phải bàn cách ký như thế nào. Tới phút chót, Mỹ vẫn gây ra những trục trặc về vấn đề bản hiệp định này do hai bên ký, bản kia do bốn bên ký. Thực chất là Mỹ không muốn mất mặt. Mỹ tránh sự có mặt của Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam, tránh phải công nhận một đối thủ mà họ phủ nhận từ đầu tới cuối.

Trong lễ ký Hiệp định Paris, phải ký 32 chữ ký và dùng 32 cái bút phớt. Lúc ký xong Hiệp định, lòng tôi thanh thản. Ai cũng hạnh phúc, mừng đến rơi nước mắt. Vì nghĩ rằng thế là chiến tranh chấm dứt, đỡ hy sinh xương máu. Những người thân yêu của mình không còn phải hứng chịu bom đạn, chết chóc nữa. Xúc động lắm. Một điều đáng nhớ nữa là hồi đầu, những người đi biểu tình trước cửa Trung tâm hội nghị quốc tế mang có cả ba lá cờ, cờ của Chính phủ Việt Nam DCCH, cờ của Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam và cờ của chính quyền Sài Gòn. Tất nhiên là cờ  đỏ sao vàng và cờ nửa xanh nửa đỏ sao vàng nhiều hơn. Đến khi ký xong Hiệp định Paris, bước ra cửa, cả biển cờ đỏ sao vàng và cờ của Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam rợp trời. Tịnh không còn một lá cờ nào của chính quyền Sài Gòn. Bạn bè quốc tế không phân biệt màu da, dân tộc, tụ họp rất đông chúc mừng hai đoàn Việt Nam, chia sẻ với Việt Nam niềm vui này. Bạn bè quốc tế coi đây là thắng lợi chung của chính nghĩa.

Dã tâm của bọn đế quốc xâm lược và tay sai không chịu dừng lại ở đấy. Mỹ và chính phủ Việt Nam Cộng hòa lật lọng, không chịu thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định, buộc chúng ta phải tiến hành Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với chiến thắng 30-4-1975 lừng lẫy thống nhất đất nước. Non sông từ nay thu về một mối.

Một điều đặc biệt mà chúng tôi ở Hội nghị ai cũng nhận thấy, là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta được cả thế giới ủng hộ. Có thể nói rằng, trong lịch sử thế giới, chưa có một phong trào đoàn kết quốc tế nào với một cuộc chiến đấu lại rộng lớn và mạnh mẽ như phong trào đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược. Đó cũng là một yếu tố góp phần vào thắng lợi của chúng ta, vì nó ảnh hưởng, tác động đến đế quốc Mỹ, và ngay phong trào hòa bình, phản chiến ở Mỹ cũng có vai trò nhất định.

Nhớ lại cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là nhớ lại trang sử oanh liệt nhất trong lịch sử dân tộc, cả về mặt quân sự, chính trị và điều mới nữa là về ngoại giao. Đến thời điểm này, ngành ngoại giao của đất nước ta đã trưởng thành rất nhiều so với trước.

Cuộc phỏng vấn thỉnh thoảng gián đoạn vì mọi người đến hỏi bà về chương trình làm việc buổi chiều, về chuyến thăm và làm việc với ông Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp - Việt Francis Gendreau, về cuộc gặp gỡ các bạn Pháp vào buổi tối. Giải quyết xong, bà quay lại bảo tôi “Tôi bây giờ có một cái bệnh. Đó là nếu không làm việc thì không chịu được. Quen mất rồi”. Bà lắc đầu rồi cười. Nụ cười giòn tan làm khuôn mặt rạng rỡ. Tôi chuyển sang chủ đề chính của chuyến đi công tác châu Âu lần này về ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin.

Phóng viên: Bà suy nghĩ gì khi đảm nhận chức Chủ tịch danh dự Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, một công việc đòi hỏi tinh thần trách nhiệm và nỗ lực lớn lao của bản thân, mà nếu không có tình yêu thương vô hạn, lòng nhân ái với con người thì rất khó hoàn thành nhiệm vụ, nhất là giờ đây khi tuổi bà đã cao ?

Bà lại trầm ngâm. Ánh mắt mông lung. Một chút yên lặng hồi tưởng, rồi bà nói, giọng khẽ khàng.

Bà Nguyễn Thị Bình: Có lẽ đó là do bản chất con người tôi. Nhiều người hỏi tôi: “Cái gì là động cơ của những việc làm của bà?”. Tôi trả lời “Đó là tình thương. Tất nhiên mình phải có tình yêu thương gia đình. Bên cạnh đó, mình cũng cần có tình yêu thương con người, tình thương với nhân dân, tình yêu thương rộng rãi”. Động cơ là tình thương con người, mong muốn mọi người gặp những điều tốt đẹp. Trong kháng chiến, tôi chứng kiến sự hy sinh to lớn của nhiều đồng chí, đồng bào mình. Tôi cứ nghĩ rằng những đồng chí, đồng bào ấy đã hy sinh cho mình để mình có được như ngày hôm nay. Vì vậy mình phải cố gắng làm gì để xứng đáng sự hy sinh cao cả đó. Sau này  làm về lĩnh vực giáo dục, tôi cứ suy nghĩ rằng: Con người Việt Nam có nhiều đức tính tốt. Làm thế nào để phát huy những đức tính đó. Nếu mà không phát huy được là trách nhiệm của người lãnh đạo. Cho nên tôi cũng rất cố gắng trong lĩnh vực giáo dục.

Khi được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ mới, ngoài công việc chung, tôi làm Chủ tịch Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam. Nói Quỹ trẻ em Việt Nam là nói chung, còn tôi tập trung quan tâm các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Tôi đi nhiều vào lĩnh vực trẻ em tàn tật, và sau này thấy là trẻ em nhiễm chất độc da cam có nhiều hoàn cảnh thương tâm lắm. Mình đi và gặp những đồng chí, anh chị từng hy sinh, bị thương tật trong cuộc kháng chiến. Chính vì sự hy sinh đó, bây giờ có những đứa con bị ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin. Mình cũng là người mẹ, nên nhìn thấy những cảnh tượng thương tâm đó, lòng đau như cắt. Nói đâu xa, thằng cháu nội tôi năm nay đã 19 tuổi rồi, hôm qua bị đau bụng không ngủ được nên suốt đêm qua tôi cũng không ngủ. Thấy các cháu bị ảnh hưởng chất độc da cam, các cháu khổ quá. Mà thấy những bậc cha mẹ của các cháu bị dị tật, lại càng thương. Nghĩ những bậc cha mẹ đẻ ra những đứa con bị dị tật, bại não, vô phương cứu chữa, nhìn con chờ chết mà không làm gì được, còn gì đau đớn hơn. Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam tài trợ nhiều cuộc phẫu thuật cho các em như hở hàm ếch, chân tay, mổ tim, xây dựng trung tâm phục hồi chức năng...

Năm 1998, khi làm Phó Chủ tịch nước, tôi đề xuất phải có một Quỹ hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam. Tôi trình lên Bộ Chính trị Báo cáo về vấn đề nạn nhân chất độc da cam với những chủ trương, quan điểm rõ ràng để làm sao giảm bớt nỗi đau của các nạn nhân. Bên cạnh đó, phải đặt vấn đề với phía Mỹ về trách nhiệm bồi thường. Kể từ đó, tôi làm việc với ý thức làm thế nào giúp đỡ những người đau khổ nhất, vì những người đó phần lớn là những người đã hy sinh vì đất nước. Họ không có may mắn như mình, như những người khác.

Qua theo dõi, tôi nhận thấy thái độ của Mỹ rất thờ ơ, né tránh trách nhiệm đối với vấn đề hậu quả của chất độc da cam/dioxin. Vì vậy tôi thúc đẩy mạnh mẽ việc thành lập Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Hội thành lập ngày 10-1-2004, thì đến 30-1-2004, Hội cùng với một số nạn nhân chất độc da cam đã đứng nguyên đơ khởi kiện 37 công ty Mỹ sản xuất hoá chất độc hại tại toà án quận Brooklin, bang New York, Hoa Kỳ.  Sau hơn hai năm, phong trào ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã lan rộng trên phạm vi toàn thế giới. Trong giai đoạn quyết định sắp tới, dư luận quốc tế sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với kết quả của vụ kiện.

Phóng viên: Giờ phút này đây, bà mong ước điều gì nhất?

Bà Nguyễn Thị Bình: Sang năm 2006, tôi bước sang tuổi 79. Tính tuổi ta là 80. Việt Nam đã chiến thắng rất vẻ vang với một cái giá cũng rất cao, rất đắt để có độc lập. Tôi ước ao rằng trong giai đoạn xây dựng đất nước sắp tới, có thể xuất phát điểm của chúng ta còn thấp, nhưng chúng ta phải sớm đem lại cuộc sống tốt đẹp cho nhân dân mình. Tốt đẹp nghĩa là phải có công bằng, dân chủ, có hạnh phúc cho đông đảo nhân dân. Có thể mình chưa thật giàu, nhưng  với sự công bằng, dân chủ, mình cũng sẽ có hạnh phúc. Như Bác Hồ nói: Chúng ta có thể không giàu bằng các nước, nhưng chúng ta có thể xây dựng được một xã hội tốt đẹp. Tôi cũng mong rằng, tới đây chúng ta phải hoàn thành được nhiệm vụ đó.

Đó cũng là lý do tôi làm ở Quỹ Hòa bình và Phát triển. Hiện nay vấn đề phát triển là quan trọng lắm. Tôi quan tâm nhiều đến vấn đề gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tự do thương mại, đầu tư phát triển là vì thế. Đã có bao nhiêu người hy sinh vì tự do, độc lập rồi. Bây giờ, mình phải có trách nhiệm làm cho đất nước đi lên theo nguyện ước của bao nhiêu người. Tôi tin rằng đất nước ta có Đảng Cộng sản lãnh đạo với lý tưởng cao đẹp, nhất định sẽ thực hiện được điều đó. Quyết tâm thì sẽ làm được. Vấn đề là mình có quyết tâm không và thực hiện quyết tâm ấy như thế nào. 

Trước xu thế chính trị thế giới phức tạp hiện nay, muốn phát triển phải có hòa bình, trong đó sự ủng hộ của dư luận quốc tế là vô cùng quan trọng. Mấy năm nay, tôi cũng có đi đây đi đó. Vừa rồi, qua chuyến công tác các nước châu Âu, tôi thấy ảnh hưởng sâu xa của Việt Nam từ cuộc kháng chiến còn lớn lắm. Tới các thành phố trên nước Pháp như Montpellier, Marseille, các hội hữu nghị địa phương nhiệt tình mời đi thăm các thành phố khác. Tôi phải bảo thôi vì đâu có thời gian. Qua thành phố Milan, Italy, tôi dự Bữa cơm Việt Nam do bà con nơi đây tổ chức vào tháng 12 hàng năm. Đến đó, tôi được gặp nhiều người Italy ủng hộ Việt Nam ba, bốn chục năm nay. Có bà già kể: “Nhà tôi mới mất hai tháng. Trước khi mất, ông ấy bảo tôi đeo cho chiếc nhẫn làm bằng xác máy bay B52 của bạn Việt Nam tặng”. Có một ông nói: Tôi vẫn nhớ rằng tôi bỏ thuốc lá để dành tiền mua thuốc chữa bệnh tặng Việt Nam. Tôi cũng gặp một ông từng là thuyền trưởng tàu chở hàng viện trợ cho Việt Nam. Trong lúc cảng Hải Phòng bị Mỹ thả thủy lôi phong toả, ông đã luồn lách thành công để mang lương thực, đồ viện trợ đến tận tay các bạn Việt Nam.

Trong chuyến sang Anh, tôi tiếp xúc với các thành viên của Hội giúp đỡ y tế cho Việt Nam suốt 40 năm qua. Một ông thị trưởng nhắc lại: Ngày này cách đây 36 năm, bà đã đến Anh và có một buổi meeting rất lớn. Tôi đã bế con tới quảng trường để hoan hô. Sau từng ấy năm trời, bạn bè quốc tế vẫn còn yêu mến, tin tưởng Việt Nam lắm. Nghe công cuộc Đổi mới của Việt Nam có những thành tựu, từ nhập khẩu gạo nay đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, họ rất mừng. Người ta cho rằng dân tộc Việt Nam đương nhiên phải làm được như vậy thôi. Vì mình đã làm được điều kỳ diệu mà người khác không làm được là đánh thắng Mỹ. Nói thật là đôi khi tôi cũng hơi mắc cỡ, vì nước mình còn nhiều điều dở. Cho nên mình phải coi đó là vốn chính trị. Tình cảm là cái vốn chính trị rất quý báu cần trân trọng. Phải làm sao để bạn bè tin tưởng, ủng hộ mình khi cần.

Muốn phát triển lâu dài, điều quan trọng là phải đầu tư, quan tâm đến thanh niên, tương lai của đất nước. Tôi rất thích bài hát về thanh niên có câu: Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi rằng ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay. Tôi đòi hỏi thanh niên là phải như vậy. Phải lấy lý tưởng phụng sự Tổ quốc làm đầu. Tất nhiên, để huy động được điều đó, người lãnh đạo phải làm gương, phải biết phát huy, sử dụng thanh niên đúng mức.

Đã đến giờ bà phải đi. Tôi tiễn bà ra xe. Trời Paris tuyết lất phất rơi. Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Pháp Trịnh Ngọc Thái đi bên cạnh bà bảo: “Trong chuyến đi này, chị cứ mong được ngắm lại tuyết Paris. Thế là hôm nay tuyết rơi rồi nhé”. Bà gật gật đầu. Nhìn dáng bà ung dung, thư thái đi trong tuyết trắng, trong tôi bỗng dâng lên lòng cảm phục vô bờ.

Bà Nguyễn Thị Bình sinh ngày 26-5-1927 tại Châu Đốc, Sa Đéc, Đồng Tháp. Quê quán: Điện Bàn, Quảng Nam.

Quá trình hoạt động: Tham gia cách mạng từ năm 1946; Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam tại Hội nghị Paris (1968-1973); Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam (6/1969-7/1976)

Các chức vụ sau khi làm Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam: Bộ trưởng Bộ Giáo dục; Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; Ủy viên T.Ư Đảng khoá V.

Được tặng thưởng: Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng...