Tốc độ tiêm cho đối tượng nguy cơ cao tại TP Hồ Chí Minh còn chậm

NDO -

Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, tốc độ tiêm đối với nhóm nguy cơ cao hiện đang còn chậm. Ngành y tế cần tăng tốc hơn trong việc tiêm cho đối tượng này. 

Toàn cảnh cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp.

Chiều 23/12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình phòng, chống dịch trên địa bàn.

Tại cuộc họp, ông Phạm Đức Hải cho biết, UBND TP Hồ Chí Minh đã có kế hoạch tổ chức các hoạt động đón chào năm mới 2022 với nhiều hoạt động văn hóa thể thao như: Tổ chức Chương trình countdown đón chào năm mới 2022, các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại quận, huyện; Tổ chức Giải Marathon TP Hồ Chí Minh lần IX năm 2022 tại quận 7; Tổ chức Liên hoan biểu diễn các bộ môn võ thuật và các bài thể dục nâng cao sức khỏe, sức đề kháng phòng, chống dịch Covid-19; Tổ chức Giải đua xe đạp phong trào đón chào năm mới 2022; Tổ chức thực hiện trang trí ánh sáng nghệ thuật trên các tuyến đường trung tâm thành phố…

Tuy nhiên, theo ông Phạm Đức Hải, TP Hồ Chí Minh sẽ không bắn pháo hoa vào dịp Tết Dương lịch. Việc tổ chức các hoạt động chào mừng trên tùy thuộc vào cấp độ dịch của thành phố trong thời điểm đó. Nếu thành phố ở cấp độ 3 và 4 các đơn vị sẽ chủ động giảm quy mô hoặc tạm dừng tổ chức các sự kiện, điều chỉnh các phương án phòng, chống dịch Covid-19 theo từng cấp độ dịch theo quy định.

Các quận, huyện, đơn vị thay đổi, ứng dụng các phương tiện truyền thông, đa dạng hóa phương thức và nội dung, đẩy mạnh các chương trình, hoạt động trực tuyến nhằm đạt được mục tiêu đề ra và phù hợp tình hình diễn biến của dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, điều kiện thực tế của đơn vị, địa phương.

Ông Phạm Đức Hải cho biết thêm, sau 15 ngày triển khai thực hiện chiến dịch bảo vệ người nguy cơ cao, tính 22/12, thành phố có 584.403 người thuộc nhóm nguy cơ cao. Trong đó,  41.379 người tiêm 1 mũi (tỷ lệ 7,1%); 518.304 tiêm 2 mũi (tỷ lệ 88,7%) và 24.420 chưa tiêm mũi nào (tỷ lệ 4,2%).

Thành phố đã tiến hành 2 đợt xét nghiệm với tổng số lượt là 737.753; trong đó âm tính 733.835 lượt (99,47%); dương tính là 3.918 lượt (0,53% ).

Theo ông Phạm Đức Hải, đối với người dương tính thuộc nhóm nguy cơ cao dù có triệu chứng nhẹ thì vẫn sử dụng gói thuốc C. Tính đến ngày 22/12, thành phố đã tăng tốc tiêm cho đối tượng nguy cơ cao được 4.397/24.420 người (18%).

“Tốc độ tiêm đối với nhóm nguy cơ cao như thế là còn chậm. Ngành y tế cần tăng tốc hơn trong việc tiêm cho đối tượng này”, ông Hải lưu ý.

Đứng trước thực trạng nguy cơ thiếu oxy, ông Phạm Đức Hải thông tin, hiện nay, thành phố sử dụng 170 tấn oxy lỏng/ngày. Tuy nhiên, với số ca mắc mới còn tăng, số ca sử dụng oxy còn nhiều nên thành phố dự báo phải cần 350 tấn oxy lỏng/ngày.

Hiện tại, thành phố đang ở giai đoạn phục hồi kinh tế nên từ 11 đơn vị cung cấp oxy y tế chỉ còn 5 đơn vị, những đơn vị còn lại chuyển qua sản xuất oxy công nghiệp.

“Nếu không có giải pháp thì sẽ không thể đáp ứng được số lượng oxy cần trong điều trị bệnh nhân Covid-19”, ông Phạm Đức Hải cho hay.

Để giải quyết tình trạng này, UBND thành phố đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ để Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương điều phối việc sản xuất oxy công nghiệp với oxy y tế nhằm bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong phòng, chống dịch.

Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, sau khi rà soát, Sở Y tế ghi nhận trên địa bàn có 2 bệnh viện công lập mua sinh phẩm, kit xét nghiệm của Công ty Việt Á đó là Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (1.250 test) và Bệnh viện thành phố Thủ Đức (hơn 65 nghìn test).

"Hiện các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát, điều tra với 2 đơn vị và ngành y tế sẽ sớm có thông tin về việc này", bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin.

Chiến dịch tiêm vaccine nhanh, an toàn, hiệu quả cho toàn dân