Ký ức hào hùng
Trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, Ngã ba Cò Nòi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) có một vị trí chiến lược về địa - quân sự, đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đây là địa bàn cửa ngõ Tây Bắc, có tuyến đường huyết mạch nối đồng bằng Bắc Bộ, Liên khu Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 với chiến trường Điện Biên Phủ. Sơn La cũng là một hậu phương lớn gần chiến trường nên là nơi cung cấp và tiếp tế sức người, sức của cho chiến dịch rất thuận lợi. Trong đó, Ngã ba Cò Nòi là vị trí chiến lược quan trọng nằm ở thung lũng hẹp và sâu, giao điểm nối giữa đường 13 (quốc lộ 37) với đường 41 (quốc lộ 6 ngày nay), cách thành phố Sơn La khoảng 45km về phía Nam.
Để chi viện cho cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở Điện Biên Phủ, một mạng lưới vận tải phục vụ chiến dịch gồm 3 tuyến chính được hình thành: Tuyến từ Việt Bắc xuống qua Ba Khe - Cò Nòi - Sơn La - Tuần Giáo đến Điện Biên Phủ; tuyến từ Khu IV xuất phát từ Nghệ An - Thanh Hóa - Suối Rút qua Mộc Châu - Cò Nòi - Sơn La - Tuần Giáo đến Điện Biên Phủ và tuyến từ Liên khu III - Nho Quan - Hòa Bình - Suối Rút qua Mộc Châu - Cò Nòi - Sơn La - Tuần Giáo lên Điện Biên Phủ.
Như vậy, cả ba tuyến vận tải chính hướng lên Điện Biên Phủ đều phải qua Ngã ba Cò Nòi. Cò Nòi được chọn là điểm tập kết, trung chuyển lớn nhất cho chiến trường Điện Biên Phủ. Do vậy, trong cuốn hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Ngã ba Cò Nòi là một cửa ải tất cả những người ra trận đều phải vượt qua”.
Cách đây 67 năm, vào thời điểm địch bắn phá cao điểm, khu vực Ngã ba Cò Nòi có khoảng 1.000 thanh niên xung phong và các lực lượng của 5 đơn vị thuộc Đội 34 và 40 trực tiếp làm nhiệm vụ tại đây. Những chàng trai thanh niên xung phong độ tuổi 20 năm ấy nay đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm.
Cũng như thế hệ những thanh niên xung phong từng bám trụ trước mưa bom của quân địch, ông Hồ Ngọc Toàn, người đã bước qua cái tuổi xưa nay hiếm vẫn không thể nào quên những năm tháng hào hùng năm đó. Năm nay đã 88 tuổi đời và 63 tuổi Đảng, mắt đã mờ, chân đã chậm, nhưng khi nhắc tới những ký ức hào hùng của tuổi trẻ, người Tiểu đội trưởng thanh niên xung phong của Đội 40, Đại đội 408 năm nào như được tiếp thêm sức mạnh.
Bồi hồi nhớ lại những ký ức hào hùng, giọng nói của ông Hồ Ngọc Toàn hào hứng hẳn lên: Khoảng tháng 2/1954, khi ấy, tôi mới tuổi đôi mươi, thực hiện lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, tôi cùng 9 thanh niên của xã Tiến Thủy (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) rời quê hương gia nhập Đội Thanh niên xung phong tham gia chi viện cho Tây Bắc. Sau gần 1 tháng hành quân đi bộ, chúng tôi mới đến được Cò Nòi. Khi đó, nhiệm vụ được giao là đảm bảo giao thông thông suốt phục vụ chi viện, tiếp tế nhân lực, lương thực phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ngày đó, chúng tôi chủ yếu hoạt động vào ban đêm. Có những ngày cao điểm, địch thả xuống hàng trăm tấn bom, mìn các loại xuống và đã có hàng trăm thanh niên xung phong ngã xuống. Lực lượng thanh niên xung phong chúng tôi đã cử người trực ban ngày quan sát, đánh dấu các điểm thả bom để lực lượng công binh rà phá bom mìn. Chờ đêm xuống, tập trung lực lượng, cuốc, xẻng san gạt đường để các lực lượng khác đi qua. Vất vả, hy sinh không kể siết, nhưng tinh thần của thanh niên xung phong chúng tôi luôn phấn chấn, lạc quan và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.
Ít hơn ông Hồ Ngọc Toàn 4 tuổi, ông Thái Hữu Hoành, 59 tuổi Đảng, nguyên là thanh niên xung phong thuộc Đại đội 292 được phân công đảm bảo giao thông tại cầu Tà Vài (Yên Châu, Sơn La), người đã 4 lần được cấp trên tăng cường chi viện cho Ngã ba Cò Nòi, nhớ lại: Ngày 13/3/1954, khi nhận được lệnh cấp trên, 2 trung đội 1 và 2 hành quân đi bộ cấp tốc không ngừng nghỉ 28 km từ cầu Tà Vài (Yên Châu) lên Ngã ba Cò Nòi. Khi chúng tôi đến nơi chứng kiến cảnh tượng đường sá bị băm nát, những hố bom chằng chịt… Lúc đó, chúng tôi đã nhanh chóng tham gia cùng các lực lượng khẩn trương phá mìn, san đất đá cho xe của bộ đội, dân công vượt qua. Đến rạng sáng ngày 14/4/1954, tôi và một số đồng chí tiếp tục được giao nhiệm vụ đi tìm kiếm di vật, các phần thi thể của thanh niên xung phong… Khi đó, tất cả mọi người ai cũng không cầm nổi nước mắt trước sự hy sinh anh dũng của đồng đội mình. Khi đó chúng tôi càng thêm quyết tâm bám trụ nơi được coi là “tọa độ lửa” để hoàn thành nhiệm vụ được giao...
Trong ký ức về những năm tháng hào hùng tại “tọa độ lửa”, được biết thời kỳ đó Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh đã quyết tâm đến cùng để bảo vệ con đường huyết mạch, đảm bảo thông suốt. Hàng vạn bộ đội, dân công, thanh niên xung phong ở khắp các địa phương được huy động và tăng cường làm nhiệm vụ tại trọng điểm huyết mạch này để bảo đảm giao thông vận tải thông suốt nhằm chi viện tốt nhất cho Điện Biên Phủ. Do vậy, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chỉ riêng tại Ngã ba Cò Nòi, đã có hơn 100 chiến sỹ và thanh niên xung phong hy sinh, để lại xương máu nơi đất mẹ.
Cũng chính bởi vị trí huyết mạch và bí mật chiến lược của Ngã ba Cò Nòi không có gì lạ đối với thực dân Pháp - một đội quân xâm lược nhà nghề, có đủ các phương tiện thông tin, chiến tranh hiện đại và đội ngũ chuyên gia quân sự từng trải, tướng Na Va - chỉ huy quân đội Pháp ngày đó đã ra lệnh cho không quân Pháp ở Đông Dương bằng mọi cách phải biến “Ngã ba Cò Nòi - Sơn La thành bãi lầy”. Bộ Chỉ huy quân Pháp khẳng định đây là “yết hầu”, “tử huyệt” của tuyến cung cấp hậu cần chiến dịch của Việt Minh. Ngã ba Cò Nòi trở thành trọng điểm đánh phá vô cùng quyết liệt của thực dân Pháp nhằm ngăn chặn sự chi viện của ta cho Điện Biên Phủ.
“Địa chỉ đỏ” giáo dục thế hệ trẻ
Để tưởng nhớ, tri ân, tôn vinh công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ và lực lượng thanh niên xung phong hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 21/4/2000 UBND tỉnh Sơn La quyết định khởi công xây dựng Đài tưởng niệm liệt sỹ Thanh niên xung phong tại Ngã ba Cò Nòi. Đây là một công trình lịch sử - văn hoá, trung tâm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Đến ngày 7/5/2002, Đài tưởng niệm được khánh thành và đưa vào sử dụng. Đài tưởng niệm liệt sỹ Thanh niên xung phong được xây dựng bên cạnh Ngã ba Cò Nòi lịch sử trên diện tích 20.000m2. Cụm tượng đài được xây dựng với nhóm tượng 3 nam thanh niên xung phong ở tư thế khác nhau được tạo từ chất liệu đá xanh, tượng cao 12 mét, đặt trên bệ khối đá nặng 280 tấn. Cùng với nhóm tượng đài còn có hai bức phù điêu thể hiện hình ảnh toàn dân ra trận chiến đấu chống thực dân Pháp. Mỗi bức phù điêu có diện tích 42m2, nặng 52 tấn, được phủ bằng kim loại. Bức phù điêu bên phải thể hiện nội dung "Tất cả cho tiền tuyến". Bức phù điêu bên trái thể hiện nội dung "Tất cả để chiến thắng". Các bức phù điêu tái hiện lại hình ảnh quân và dân chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ, sức mạnh của lực lượng thanh niên xung phong trong việc san lấp hố bom, thông đường, kéo pháo…
Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng cấp Quốc gia theo Quyết định 16 ngày 29/4/2004 nhân dịp Kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Trao đổi về những giá trị lịch sử của Ngã ba Cò Nòi, ông Nguyễn Vũ Điền, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Sơn La khẳng định: Ngã ba Cò Nòi là một nét son, là điểm chốt của con đường vận chuyển chi viện cho Tây Bắc, vị trí đặc biệt quan trọng, góp phần làm nên chiến thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử chấn động địa cầu. Việc tôn tạo, tu bổ, nâng cấp, mở rộng di tích để trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, tuyên truyền, quảng bá, làm cho mọi người dân đến với Sơn La đều biết giá trị của Ngã ba Cò Nòi là việc làm quan trọng và hết sức cần thiết.
Những hố bom chiến tranh năm nào giờ đã được lấp đầy bằng con đường trải nhựa rộng thênh thang cùng những ngôi nhà san sát. Đồi núi từng bị cạo trắng, khoét sâu bởi bom đạn đã được phủ xanh bằng những vườn cây trái trĩu quả như càng khẳng định tinh thần bất diệt của thanh niên xung phong mãi trường tồn nơi vùng đất Cò Nòi anh hùng. Khu Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi ngày càng được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang, xứng với tầm vóc và giá trị di tích lịch sử quốc gia; đáp ứng tâm nguyện của thanh niên xung phong, cán bộ, nhân dân địa phương, là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho lớp lớp thế hệ trẻ mai sau.
Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh, trao đổi: Chúng tôi rất phấn khởi và cảm thấy tự hào, vui mừng khi Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi đã được quan tâm đầu tư tu bổ ngày một khang trang, đẹp đẽ, uy nghiêm, xứng tầm với ý nghĩa lịch sử quốc gia, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, gắn với tham quan du lịch của nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Năm 2020, Di tích lịch sử tiếp tục được quan tâm trùng tu, tôn tạo, nâng cấp, với tổng diện tích quy hoạch hơn 10 ha, gồm 3 khu chức năng chính: Chủ đề tưởng niệm, khu công viên chứng tích và đất giao thông. Đến nay, việc triển khai giai đoạn 1 Dự án đã cơ bản hoàn thành với các hạng mục công trình: Nhà tưởng niệm, bia ghi công và một số hạng mục khác với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng; hoàn thành xác minh danh tính của 46 liệt sỹ thanh niên xung phong và Sổ vàng ghi công. Để quản lý, khai thác hiệu quả Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi, huyện Mai Sơn cũng đã thành lập Ban Quản lý Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi trực thuộc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện.
Bà Cầm Huyền Trang, Bí thư Tỉnh đoàn Sơn La, chia sẻ: Thời gian tới, Tỉnh Đoàn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về ý nghĩa và giá trị của Di tích lịch sử đến cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh, để Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi thực sự là một địa chỉ đỏ, điểm đến ý nghĩa, là nơi giáo dục truyền thống lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành huy động, vận động nguồn lực xã hội hóa để triển khai Dự án tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi giai đoạn tiếp theo.
67 năm đã trôi qua, Ngã ba Cò Nòi đã trở thành địa chỉ đỏ trong những trang sử vàng của dân tộc. Bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử nói chung, di tích Ngã ba Cò Nòi nói riêng có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tri ân các anh hùng, liệt sỹ; phát huy truyền thống yêu nước, giáo dục và hun đúc lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, đức hy sinh, sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Do vậy, việc trùng tu, tôn tạo, nâng cấp, đầu tư Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi đúng với tầm vóc và giá trị lịch sử là rất cần thiết và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đồng thời là nơi đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm tinh, gắn với tham quan du lịch của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương thêm ấm no, giàu đẹp.