Tọa đàm “Văn hóa lễ hội sông nước” tiến tới thử nghiệm Festival di sản trong không gian văn hóa sông nước ở Việt Nam

Ngày 16/8, tại Không gian văn hóa Việt Ứng Thiên, thôn Đồng Âm, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội, Viện Phát triển văn hóa dân tộc đã tổ chức thành công tọa đàm “Văn hóa lễ hội sông nước” tiến tới thử nghiệm Festival di sản trong không gian văn hóa sông nước ở Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Không gian văn hóa Việt Ứng Thiên, thôn Đồng Âm, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội nơi diễn ra buổi tọa đàm. (Ảnh: Viện Phát triển văn hóa dân tộc).
Không gian văn hóa Việt Ứng Thiên, thôn Đồng Âm, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội nơi diễn ra buổi tọa đàm. (Ảnh: Viện Phát triển văn hóa dân tộc).

Với địa thế “tựa sơn đạp thủy” bên hồ Đồng Âm, Không gian văn hoá Việt Ứng Thiên được lựa chọn là nơi diễn ra buổi toạ đàm.

Tại buổi toạ đàm nhiều thông tin trao đổi về “Văn hoá lễ hội sông nước” được các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam đưa ra thảo luận. Trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế của nước ta, văn hóa truyền thống nói chung, trong đó có lễ hội đã được phục hồi và phát huy, làm phong phú hơn đời sống tinh thần của người Việt Nam.

Theo thống kê, Việt Nam hiện có hơn 7.000 lễ hội truyền thống phân bố ở cả 3 miền bắc, trung, nam, các lễ hội truyền thống ở Việt Nam diễn ra quanh năm, mang nhiều nét văn hóa đặc trưng của mỗi địa phương và quốc gia. Cũng như lễ hội dân gian ở các địa phương, lễ hội sông nước hướng tới hình ảnh những người đi tiên phong khai hoang mở làng mở nước, anh dũng chống giặc ngoại xâm, hay có công chống thiên tai, cải tạo thiên nhiên, xây dựng cuộc sống... Không chỉ để thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt, tâm linh của người dân, lễ hội còn là nơi diễn ra nhiều loại hình nghệ thuật, thể thao và các trò chơi dân gian. Đây được ví như những giá trị văn hóa phi vật thể trong đời sống tinh thần của người dân.

Nhìn lại thực tiễn địa vực cư trú và gắn bó với sinh kế của cộng đồng làng bản, cả một khoảng không gian rộng lớn từ các hệ thống sông ngòi, ao hồ đến những cánh đồng chiêm trũng mùa nước nổi, nếu được quan tâm khai thác, chúng ta sẽ có nguồn tài nguyên vô tận để tận dụng phối kết hợp tổ chức, sáng tạo các không gian văn hóa tích cực, vừa góp phần đắc lực bảo tồn được di sản văn hóa dân tộc, vừa khơi dậy ý thức về giá trị văn hóa truyền thống cũng như đáp ứng nhu cầu giải trí, thụ hưởng giá trị văn hóa của cộng đồng.

Tọa đàm “Văn hóa lễ hội sông nước” tiến tới thử nghiệm Festival di sản trong không gian văn hóa sông nước ở Việt Nam ảnh 1

Tọa đàm “Văn hóa lễ hội sông nước” diễn ra tại Không gian văn hóa Việt Ứng Thiên. (Ảnh: Viện Phát triển Văn hoá Dân tộc).

Cũng tại buổi toạ đàm, có nhiều ý kiến cho rằng: Với văn hóa lịch sử sông nước lâu đời, Việt Nam tiến tới thử nghiệm Festival di sản trong không gian văn hóa sông nước, đáp ứng được nhu cầu và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới, phục vụ cho phát triển du lịch văn hóa và du lịch văn hóa tâm linh ở những địa phương có điều kiện nhất định.

Tọa đàm “Văn hóa lễ hội sông nước” tiến tới thử nghiệm Festival di sản trong không gian văn hóa sông nước ở Việt Nam ảnh 2

TS Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông tại Không gian văn hóa Việt Ứng Thiên.

Theo ông Lạc Văn Tú, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Văn hoá Dân tộc: “Lựa chọn một địa bàn tiêu biểu của văn hóa ở một địa phương cụ thể thuộc châu thổ Bắc Bộ để thử nghiệm tổ chức festival di sản, từ đó hướng tới xây dựng mô hình tổ chức festival văn hóa sông nước, khả dĩ có thể áp dụng, vận dụng cho các cuộc sinh hoạt hoặc liên hoan di sản văn hóa ở các địa phương khác trên phạm vi cả nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, hiện tại và lâu dài”.

Buổi toạ đàm đã diễn ra thành công tốt đẹp, hầu hết ý kiến được trao đổi tại tọa đàm đều tựu chung một nội dung: Nền văn hóa lễ hội sông nước phong phú, đa dạng mang đậm bản sắc dân tộc. Tuy nhiên chúng ta còn chưa khai thác hết tiềm năng, chưa bảo tồn, phát triển đúng với vị thế của nó. Đây có thể là tiền đề để thử nghiệm Festival di sản trong không gian văn hóa sông nước ở Việt Nam.