Buổi tọa đàm trực tuyến kéo dài ba giờ với sự tham dự của Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp và 30 đại biểu gồm các đại diện của Ủy ban Thương mại Quốc tế Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam - Eurocham, Bà Catherine Déroche, Thượng nghị sĩ, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Pháp tại Thượng viện Pháp và các chuyên gia kinh tế, giảng viên các trường đại học, các nhà nghiên cứu...
Phát biểu khai mạc, Đại sứ Nguyễn Thiệp đã hoan nghênh sáng kiến tổ chức buổi tọa đàm, cho biết, Hiệp định thương mại tự do EVFTA là kết quả của quá trình đàm phán trong vòng 10 năm giữa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu. Hiệp định sẽ mở ra nhiều cơ hội giúp doanh nghiệp hai nước có những bước tiến mới thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư.
Đại sứ cho biết các doanh nghiệp Pháp sẽ có nhiều cơ hội đầu tư và kinh doanh không chỉ trong những lĩnh vực kinh doanh truyền thống mà còn trong các lĩnh vực mới sử dụng trình độ khoa học công nghệ cao như: hàng không vũ trụ, năng lượng sạch, phát triển hạ tầng…
Về phía Liên hiệp châu Âu, bà Marie-Pierre Vadrenne, nghị sĩ nghị viện EU, Phó Chủ tịch hội đồng thương mại quốc tế, khẳng định đây là một Hiệp định toàn diện và là Hiệp định thứ hai mà EU ký với một nước trong khối ASEAN. Ngoài các lợi thế về thuế, song hành với EVFTA, Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) sẽ tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam và bảo đảm quyền lợi của các nhà đầu tư nước ngoài.
Các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp nơi trên thế giới, các nền kinh tế đang chịu sự suy giảm mạnh nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương. Trong quý I năm nay, kinh tế Việt Nam tăng trưởng +3,8%, quý II vẫn tăng trưởng + 0,4%, được coi là thành công “đặc biệt” so với các nước khác.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Quỳnh Anh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Pháp bày tỏ mong muốn tiếp tục phát triển hợp tác với các đối tác Pháp trong những ngành vốn là thế mạnh truyền thống của Pháp như năng lượng (đặc biệt là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo), công nghệ cao, nông nghiệp, chế biến, chế tạo… Đồng thời Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất về môi trường đầu tư, kinh doanh, cơ sở hạ tầng, các khu công nghiệp để khuyến khích các doanh nghiệp Pháp đến Việt Nam hợp tác, đầu tư, tận dụng lợi thế do EVFTA mang lại, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là ngành công nghiệp phụ trợ (cho dệt may, da giày, ô tô...), công nghiệp chế biến thực phẩm...
Buổi tọa đàm được coi là cơ hội để các doanh nghiệp Pháp tiếp cận với những chính sách thương mại của Việt Nam có hiệu lực sau khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi, những thông tin mới về thị trường đầy tiềm năng với hơn 90 triệu dân và là cửa ngõ để EU tiếp cận thị trường khu vực ASEAN với hơn 600 triệu dân.