Trong thế giới của khoa học viễn tưởng, trí tưởng tượng phong phú về một thế giới tương lai được pha trộn tài tình với nghệ thuật kể chuyện, pha trộn giữa nhiều yếu tố phiêu lưu, thần bí, khoa học, tình yêu, văn chương…, trở thành mảnh đất màu mỡ để sáng tạo, không chỉ trong văn học mà còn cả điện ảnh.
Đối với độc giả phổ thông, dòng sách khoa học viễn tưởng gồm những kiến thức khoa học cao siêu và ý tưởng độc đáo thường bị xem là xa lạ, khó hiểu; còn đối với bạn đọc say mê dòng sách “thuần văn học” thì Sci-fi lại thường bị đánh giá là viển vông, thiếu tính thực tế.
Vậy giá trị của dòng văn học từng được xem là “văn chương hạng nhì” này nằm ở đâu? Liệu các nhà văn có cố ý mượn mô típ và bối cảnh của tương lai nhằm triển khai cách nhìn của riêng họ về thế giới hiện đại? Ngoài sự thực tế, lạnh lùng và khô khan trong ấn tượng đầu tiên, Sci-fi phải chăng còn tồn tại một mạch triết lý ngầm sâu sắc?
Đây là những chủ đề mà nhà văn, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng và nhà văn Phan Hồn Nhiên sẽ cùng nhau trao đổi trong chương trình Into the books số thứ 4 do Nhã Nam thực hiện với chủ đề “Sci-fi: Cuộc gặp gỡ giữa khoa học và văn chương”, đồng thời giúp độc giả hiểu sâu hơn về những yếu tố làm nên đặc trưng của dòng văn học này. Buổi trao đổi diễn ra vào lúc 9 giờ ngày 24-10 tại Nhã Nam Books N’ Coffee Sài Gòn (24A, đường D5, P.25, Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh).
Into The Books là chuỗi chương trình tọa đàm mở về sách và các khía cạnh liên quan đến đời sống được tổ chức định kỳ tại Nhã Nam, nhằm tạo không gian cho độc giả có thể tìm hiểu và chia sẻ quan điểm của mình về cuộc sống phía sau những trang sách.