Tọa đàm “Khơi nguồn văn hóa nghệ thuật thế kỷ XIX - XX - XXI”

NDO -

 Ngày 11-7 tới, Viện Pháp tại Hà Nội (L’Espace), Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Huế và Công ty CP sách Thái Hà tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Khơi nguồn văn hóa nghệ thuật thế kỷ XIX - XX - XXI” tại hội trường của Viện, số 24 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Hoàng thành Huế năm 1932. Ảnh: aavh.org
Hoàng thành Huế năm 1932. Ảnh: aavh.org

Tọa đàm diễn ra nhân dịp xuất bản cuốn sách “Hồi ức về kinh thành Huế” đầu thế kỷ XIX của tác giả Michel Đức Chaigneau, được phát trực tiếp tại địa chỉ https://www.facebook.com/EspaceHanoi/

Buổi tọa đàm có sự tham gia của dịch giả, TS Lê Đức Quang - Giảng viên Đại học Huế,; Nhà nghiên cứu Trần Đình Hằng - Phân viện trưởng, Phân viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế và TS Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Thái Hà Books.

Cuốn sách “Hồi ức về kinh thành Huế”  đầu thế kỷ XIX của Michel Đức Chaigneau (1803-1894) ghi lại những ký ức về kinh thành Huế của một người mang hai dòng máu Pháp - Việt. Tác giả là con của một vị quan người Pháp và một phụ nữ Huế, chào đời và lớn lên tại Kinh thành Huế trong hơn hai mươi năm đầu của thế kỷ XIX, dưới hai triều đại đầu tiên của nhà Nguyễn, suốt thời gian trị vì của vua Gia Long và năm năm đầu thời gian trị vì của vua Minh Mạng. 

Thông qua hồi ức của Michel Đức Chaigneau, người đọc ngày nay có thể hình dung ra diện mạo của kinh thành Huế xưa và vùng lân cận, với toàn bộ đời sống sinh hoạt từ hoàng cung cho tới làng quê bình thường, tiếp cận thêm một tài liệu đáng tin cậy, vẽ lên bức tranh về Huế xưa, góp phần tìm hiểu mối quan hệ Pháp - Việt đa chiều, với những góc cạnh đặc thù. Từ đó cho người đọc thêm hình dung, lý giải về những đụng độ va chạm sau này trong mối bang giao Pháp - Việt đầy duyên nợ. 

Nói về cuốn sách, Đại diện của Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế nhận xét, M. Đức Chaigneau đã phác họa rõ nét hơn bức chân dung lịch sử và văn hóa Đại Nam. Dịch giả Lê Đức Quang đánh giá những mô tả tỉ mỉ chính xác của tác giả giúp người đọc ngày nay hiểu rõ hơn về những khung cảnh lịch sử và không gian văn hóa thời xưa. 

Bên cạnh đó, chương trình còn đấu giá ba ấn bản Trúc chỉ Hồi ức về kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX. Toàn bộ số tiền đấu giá sẽ được dùng để ủng hộ Quỹ Văn hóa Huế.