Đề dẫn tọa đàm do PGS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trình bày nêu rõ, Tổng Bí thư Trường Chinh, nhà lý luận, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự nghiệp hoạt động và cống hiến to lớn của đồng chí Trường Chinh đã góp phần tạo nên những bước ngoặt của cách mạng Việt Nam, đưa đến thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và kháng chiến chống xâm lược, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới.
Tại buổi tọa đàm, từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, các nhà khoa học đã đi sâu phân tích ảnh hưởng của truyền thống quê hương, gia đình, góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, phẩm chất cách mạng đổi mới, sáng tạo của đồng chí Trường Chinh và những đóng góp của đồng chí trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân; làm rõ hơn vai trò chủ động, sáng tạo của đồng chí trong xây dựng chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc, chuẩn bị lực lượng, cùng Đảng lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước quá độ đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam với trọng trách Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam, trước những khó khăn, phức tạp của tình hình trong nước và quốc tế, đồng chí nhận thức sâu sắc những yêu cầu bức thiết của sự nghiệp đổi mới đất nước. Đồng chí đã trăn trở, tìm tòi con đường đổi mới, đưa nước ta vượt qua khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, bảo vệ vững chắc chủ nghĩa xã hội ở nước ta trước những biến động phức tạp của tình hình chính trị thế giới, nhất là sự khủng hoảng về nhiều mặt của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô giữa những năm 80 của thế kỷ XX.
Đồng chí đã sớm cho tiến hành lập các tổ nghiên cứu lý luận, tổ khảo sát thực tiễn, do chính đồng chí là trưởng đoàn đi khảo sát thực tiễn ở các địa phương trên khắp 3 miền của Tổ quốc để tìm câu trả lời cho những vấn đề của đất nước tại thời điểm bấy giờ. Đây là cơ sở thực tiễn hết sức quan trọng, tạo bước ngoặt trong tư duy đổi mới, sáng tạo của đồng chí Trường Chinh; những kết quả nghiên cứu lý luận và thực tiễn này đã đóng góp quan trọng vào bước đầu đổi mới tư duy của Đảng tại các Hội nghị Trung ương 6, 7, 8, 9, 10 (khóa V), là tiền đề chuẩn bị các Văn kiện Đại hội lần thứ VI của Đảng.
Quá trình lãnh đạo đất nước của đồng chí Trường Chinh đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm trong đổi mới, như: sức mạnh của một nước, của cách mạng chính là ở nhân dân; trong công tác lãnh đạo phải tôn trọng quy luật khách quan, vận dụng nó vào thực tế; phải giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; đổi mới trước hết là đổi mới tư duy kinh tế để tháo gỡ những khó khăn, yếu kém của nền kinh tế…
Các tác giả, nhà khoa học cũng tập trung phân tích, tái hiện sinh động về một bản lĩnh, phong cách, tấm gương ngời sáng của đồng chí Trường Chinh, người cộng sản sớm tham gia các hoạt động cách mạng theo tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh. Trải qua hơn 60 năm hoạt động cách mạng liên tục, trên các cương vị, nhiệm vụ công tác được giao, đồng chí Trường Chinh đã thể hiện rõ tài năng, trí tuệ và uy tín của một nhà lãnh đạo tiền bối chủ chốt của Đảng và Nhà nước, người học trò xuất sắc, gần gũi và tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã góp phần dựng xây nên pho sử vàng vẻ vang của Đảng.
Đồng chí là tấm gương tiêu biểu của người chiến sĩ cộng sản, trọn đời phấn đấu, cống hiến, “tận trung với đất nước, tận hiếu với nhân dân”. Trong nhiều hoàn cảnh thử thách khắc nghiệt, đồng chí luôn nêu cao khí tiết, bản lĩnh của người cộng sản, không khuất phục trước kẻ thù tàn bạo hay trước những bước ngoặt lịch sử đầy khó khăn của cách mạng; nghiêm túc nhận sai lầm và kiên quyết sửa chữa khuyết điểm để tiến lên.