Theo phán quyết của Tòa án Hiến pháp Thái Lan, sau khi Hiến pháp Thái Lan có hiệu lực vào ngày 6/4/2017, ông Prayut Chan-o-cha mới chính thức đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng. Như vậy, thời gian giữ chức Thủ tướng của ông Prayut Chan-o-cha hiện vẫn chưa vượt quá thời hạn được quy định tại điều 158, khoản 4, Hiến pháp năm 2017. Do đó, tư cách Thủ tướng của ông Prayut sẽ không bị chấm dứt theo Điều 170, khoản 2 cùng Điều 158, khoản 4, Hiến pháp Thái Lan.
Căn cứ vào những lý do nêu trên, Tòa án Hiến pháp Thái Lan, với số phiếu ủng hộ đa số, phán quyết rằng ông Prayut Chan-o-cha sẽ không bị miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng. Như vậy, theo phán quyết này, ông Prayut sẽ tiếp tục nắm quyền thủ tướng ít nhất đến hết nhiệm kỳ này và nếu được bầu lại trong cuộc bầu cử tiếp theo, ông có thể đảm nhiệm cương vị thủ tướng đến năm 2025.
Sau khi Tòa án ra phán quyết, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri cho biết, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha khẳng định tôn trọng phán quyết của Tòa án, đồng thời gửi lời cảm ơn tới tất cả người dân đã động viên và gửi lời chúc tốt đẹp tới ông.
Trước đó, ngày 17/8, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã chấp nhận xem xét đơn kiến nghị của phe đối lập, được đệ trình thông qua Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Chuan Leekpai, về thời hạn giữ chức vụ Thủ tướng của ông Prayut Chan-o-cha.
Phe đối lập cho rằng, thời gian bắt đầu nhiệm kỳ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha chấm dứt vào ngày 28/4 năm nay, bởi ông đã bắt đầu làm Thủ tướng Thái Lan từ ngày 24/8/2014, sau cuộc đảo chính quân sự tháng 5/2014.
Ý kiến của phe đối lập đưa ra căn cứ theo nội dung được quy định trong điều 158, bản Hiến pháp năm 2017: “Thủ tướng không được giữ chức vụ trong thời gian quá 8 năm, cho dù các nhiệm kỳ có liên tiếp hay không”.
Ngày 24/8, Tòa án Hiến pháp đã ra quyết định tạm dừng việc thi hành các nhiệm vụ thủ tướng của của ông Prayut Chan-o-cha trong thời gian chờ tòa án cân nhắc vụ việc.