Tại phiên tòa, 9 thẩm phán Tòa án Hiến pháp Thái Lan cùng với đại diện nguyên đơn là 3 Thượng nghị sĩ, đại diện 40 Thượng nghị sĩ, bên bị đơn là Chánh Văn phòng Thủ tướng Prommin Lertsuridej, đại diện cho Thủ tướng Srettha Thavisin xem xét kỹ các chứng cứ.
Tại phiên tòa đại diện các thẩm phán đã đọc lời tuyên án trong hơn 30 phút, cho biết, với tỷ lệ nhất trí 5/9, tức là tỷ lệ nhất trí quá bán, Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết bãi nhiệm Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin.
Phía bên ngoài phiên xét xử tại Toà án Hiến pháp Thái Lan. (Ảnh: XUÂN SƠN) |
Vụ việc bắt nguồn từ việc ngày 15/5 vừa qua, thông qua Chủ tịch Thượng viện Pornpetch Wichitcholchai theo luật định, 40 Thượng nghị sĩ Thái Lan dựa theo điều 82 Hiến pháp đã gửi đơn kiện đến Tòa Hiến pháp, đề nghị truất tư cách Thủ tướng của ông Srettha Thavisin với cáo buộc ông Srettha Thavisin đã vi phạm luật khi bổ nhiệm ông Pichit Chuenban, một người từng có tiền án 6 tháng tù, vào vị trí Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ.
Ngày 17/5, Tòa Hiến pháp tiếp nhận đơn 40 nghị sĩ và ngày 23/5, chấp nhận thụ lý đơn kiện với tỷ lệ 6/9 số thẩm phán của tòa nhất trí. Do ngày 21/5, ông Pichit Chuenban đã từ chức, vì vậy, Tòa Hiến pháp Thái Lan chỉ xem xét về việc đề nghị bãi tư cách Thủ tướng của ông Srettha Thavisin.
Đông đảo phóng viên Thái Lan và quốc tế tới theo dõi phiên toà. (Ảnh: XUÂN SƠN) |
Sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp Thái Lan chiều nay, theo điều 168 Hiến pháp 2017, nội các tạm quyền Thái Lan sẽ nhóm họp để bầu ra một Thủ tướng tạm quyền và Thủ tướng tạm quyền có thể chọn phương án theo điều 159 Hiến pháp Thái Lan, tức là đề nghị Hạ viện tiến hành việc chọn Thủ tướng mới, là người nằm trong danh sách ứng viên Thủ tướng dự phòng mà các chính đảng có số lượng 25 Hạ nghị sĩ trở lên trong Hạ viện đã đăng ký trước đó với Ủy ban bầu cử quốc gia Thái Lan (ECT).
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Thái Lan, danh sách này gồm các ứng viên: Paetongtarn Shinawatra và Chaikasem Nitisiri của đảng Pheu Thai; Anutin Charnvirakul của đảng Bhumjaithai, Prawit Wongsuwan của đảng Palang Pracharath và Pirapan Salirathavibhaga của đảng United Thai Nation.
Các phóng viên chỉ được phép theo dõi phiên toà qua màn hình. (Ảnh: XUÂN SƠN) |
Một phương án khác có thể nhưng khó xảy ra là, sau khi được bầu, Thủ tướng tạm quyền Thái Lan tuyên bố giải tán Hạ viện. Với kịch bản này, trong vòng 5 ngày, ECT phải công bố ngày bầu cử tính từ ngày giải tán Hạ viện; và trong vòng 45-60 ngày, phải tổ chức bầu cử, trong đó các Hạ nghị sĩ cần phải có thời gian đăng ký là thành viên của một chính đảng ít nhất là 30 ngày tính từ trước ngày bầu cử.
Đại diện nguyên đơn tại phiên toà là 3 Thượng nghị sĩ. (Ảnh: XUÂN SƠN) |
Như vậy luật bầu cử cho phép, các Hạ nghị sĩ có 15 đến 30 ngày để chọn đảng mà mình sẽ là thành viên tính từ ngày Hạ viện bị giải tán.