Tô Ngọc Vân và những bức ký họa thời chiến

NDO -

NDĐT – Những bức ký họa thời kháng chiến chống Pháp của họa sĩ Tô Ngọc Vân, vốn lâu nay nằm im lìm trong tủ, đã được đưa ra giới thiệu với công chúng, qua cuốn sách “Tô Ngọc Vân – Tấm gương phản chiếu xã hội Việt Nam 1906–1954”, của Nhà xuất bản Tri thức ấn hành.

Ký họa Thị xã Phú Thọ thời chiến.
Ký họa Thị xã Phú Thọ thời chiến.

Cuốn sách do họa sĩ Phan Cẩm Thượng thực hiện, dựa trên những bức ký họa trong bộ sưu tập của nhà sưu tầm Thái-lan Tira Vanictheeranont, bao gồm 380 bức vẽ của họa sĩ Tô Ngọc Vân trong thời kỳ đi sơ tán cùng trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam tại Phú Thọ và Thái Nguyên. Những bức vẽ này chỉ là phác thảo để chuẩn bị cho những tác phẩm sau này, tuy nhiên như vậy cũng đã đủ cho thấy một phần nào di sản quý giá của hội họa kháng chiến.

Những bức họa của họa sĩ Tô Ngọc Vân với đầy đủ chú giải, và được sắp xếp theo từng giai đoạn trong cuộc đời họa sĩ, kể từ lúc mới vào trường Cao đằng Mỹ thuật Đông Dương cho đến ngày ông hy sinh vì bom.

Những bức họa “soi gương” thời chiến

Những bức ký họa của họa sĩ Tô Ngọc Vân, khác với các họa sĩ cùng thời, không phải là những bức tranh hoàn chỉnh về nhân vật, bố cục, màu sắc…, mà chỉ là những phác thảo đơn sơ, thậm chí là những chi tiết với nhiều nét vẽ chồng lên nhau để tìm ra một dáng vẽ đúng nhất. Những chi tiết như chân, tay, khuôn mặt… sau này xuất hiện nhiều trong những bức tranh nổi tiếng của ông như Thiếu nữ bên hoa huệ (1943), Hai thiếu nữ và em bé (1944), Thiếu nữ với hoa sen (1944)...

Tô Ngọc Vân và những bức ký họa thời chiến ảnh 1

Thiếu nữ Hà Nội.

Những bức ký họa của ông trải dài từ thời kỳ ông mới vào học trường Cao đẳng Mỹ thuật, cho đến thời kỳ họa sĩ đi sơ tán cùng trường tại Phú Thọ và Thái Nguyên, cho tới những ngày cuối cùng ông ở trong rừng, trước khi hy sinh vì bom. Những bức ký họa phần lớn được vẽ bằng bút chì và bút sắt, trên những trang sổ tay hoặc mảnh giấy học trò, và thường ghép vài bức trong một tờ giấy do điều kiện thiếu thốn thời chiến.

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng, người tổ chức, chú giải và tìm tư liệu cho cuốn sách phân tích: Những bức vẽ ban đầu của họa sĩ Tô Ngọc Vân chủ yếu mô tả khuôn mặt và bàn tay của những phụ nữ thị thành, thường là những cô người mẫu Hà Nội tuổi khoảng 28-30, trong đó có bàn tay của cô Thăng, một người mẫu có đôi tay rất đẹp, sau này trở thành chi tiết đôi tay trong bức Thiếu nữ bên hoa huệ.

Thời kỳ này phong cách sáng tác của họa sĩ ảnh hưởng mạnh mẽ bởi nhóm Tự lực văn đoàn, và cách vẽ những chi tiết, những trích đoạn của bức tranh chịu ảnh hưởng của hội họa phương Tây.

Tô Ngọc Vân và những bức ký họa thời chiến ảnh 2

Hàng nước bà Lái.

Khi chuyển lên chiến khu sơ tán, có thể thấy phong cách sáng tác của họa sĩ đã thay đổi hoàn toàn. Những bức phác họa của ông giống như tấm gương phản chiếu hiện thực cuộc sống thời bấy giờ: Những dãy phố hoang tàn đổ nát ở thị xã Phú Thọ, các dân công tải lương thực đạn dược, khuôn mặt, dáng vẻ của những người nông dân, những người địa chủ trong cuộc họp cải cách ruộng đất, phong cảnh làng quê, ngôi nhà của một địa chủ, cảnh rừng Việt Bắc… mỗi bức họa cho thấy sự quan tâm sâu sắc đến số phận của nhân vật.

Tô Ngọc Vân và những bức ký họa thời chiến ảnh 3

Họa sĩ Dương Bích Liên.

Tô Ngọc Vân cũng vẽ khá nhiều chân dung của những họa sĩ, trí thức tên tuổi và quen thuộc với Tô Ngọc Vân thời bấy giờ như họa sĩ Phan Kế An, nhà văn Nguyễn Đình Thi, các họa sĩ Dương Bích Liên, Nguyễn Đỗ Cung, Vũ Giáng Hương hồi trẻ… được khắc họa kỹ lưỡng và ra được thần thái của mỗi người. Hình ảnh phong cảnh và con người qua từng bức họa cho thấy sự gắn bó, tình cảm chân thành của ông dành cho người dân và vùng đất nơi họa sĩ từng đi qua và ở lại.

Mối duyên của nhà sưu tầm Thái-lan

Tô Ngọc Vân và những bức ký họa thời chiến ảnh 4

Chiến sĩ vệ quốc.

Tira Vanictheeranont là một nhà sưu tầm người Thái-lan, và theo ông tự nhận là cũng không giàu, nuôi khao khát của mình bằng những bức tranh từ khắp nơi. Tira kể, trước năm 2008 ông hoàn toàn không hề biết đến hội họa Việt Nam. Chỉ cho đến khi tham dự một triển lãm tranh ở Viet Art (Hà Nội), ông mới được biết đến nhiều tác phẩm và họa sĩ người Việt. Trước đó, từ năm 2002, Tira đã bắt đầu sưu tầm những tác phẩm hội họa Việt Nam, tuy nhiên ông không có thông tin cũng như chú giải liên quan đến các tác phẩm này. Sau này, khi tìm hiểu thêm về hội họa Việt Nam, cũng như gặp gỡ họa sĩ Phan Cẩm Thượng cho dự án sách của mình, ông bị thu hút và trở nên yêu hội họa Việt Nam hơn.

Tira cho hay, ông cứ cặm cụi mỗi năm mua một vài bức, và đến nay, trong tay nhà sưu tầm nhẫn nại này đã có khoảng hơn 2.000 bức tranh của các họa sĩ nổi tiếng Việt Nam, với đủ các chất liệu từ sơn mài, sơn dầu, cho đến thuốc nước… Tranh trong bộ sưu tập của ông đã trưng bày tại cả Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội và Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh.

Tô Ngọc Vân và những bức ký họa thời chiến ảnh 5

Anh Hiệp cố nông.

Tira cho biết, vào khoảng năm 2011, qua thư ký người Việt của ông là chị Lý Bích Ngọc, ông quen với con trai của cố họa sĩ Tô Ngọc Vân là ông Tô Ngọc Thành, người khi đó sở hữu toàn bộ các ký họa, ghi chép, giấy tờ, tư liệu của họa sĩ thời kỳ kháng chiến. Tira đã nài nỉ ông Thành bán lại bộ sưu tập cho mình, tuy nhiên ý muốn của ông thất bại, bởi ông Thành giải thích, đó không chỉ là gia sản vô cùng quý giá của gia đình ông mà còn của cả nền hội họa Việt Nam. Sau đó, Tira đã ngỏ ý muốn làm một cuốn sách tranh về những bức ký họa của Tô Ngọc Vân, và lần này nhà sưu tầm đã được toại nguyện.

Sau một năm, cuốn sách hoàn thành, với khoảng 380 bức ký họa, cùng với các văn bản viết tay của cố họa sĩ, và những tư liệu, hình ảnh liên quan đến giai đoạn hoạt động trên chiến khu Việt Bắc của họa sĩ.

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng cho biết, ông chỉ có vỏn vẹn một năm để hoàn thành cuốn sách, mà nếu đủ điều kiện, ông cần đến 10 năm. Họa sĩ cũng bày tỏ nỗi lòng trước vị tiền bối: “Tôi thực sự suy nghĩ khi mỗi một họa sĩ thời nay như chúng tôi có thể mua được cả tạ sơn dầu mà không vẽ nổi về người dân như Tô Ngọc Vân đã vẽ khi ông chỉ có một hai cây bút và một cuốn sổ tay”.