* Ấn tượng sâu sắc nhất của ông về họa sĩ Tô Ngọc Vân?
- Mỗi lần nhớ đến anh là nhớ dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, tay cầm ba-toong, đầu đội mũ vải tự vẽ kiểu, và đặc biệt nhớ nụ cười tươi rói, thoải mái luôn đọng trên môi với đôi mắt chứa chan tình cảm. Lớp học trò chúng tôi luôn quấn quýt bên anh, vì anh rất dễ gần. Tôi nhớ, năm 1950, cuộc thi tuyển sinh khóa đầu tiên, nỗi lo lắng hồi hộp của chúng tôi vụt tan khi bắt gặp nụ cười của anh trong buổi tuyên bố kết quả. Tuy chưa hiểu anh nhưng chúng tôi thấy rất gần gũi, thân thiết…
* Những bài học đáng nhớ nhất về nghề nghiệp ông được tiếp thu từ họa sĩ?
- Những ngày đầu vào học, chúng tôi còn bỡ ngỡ. Cầm bút chì vẽ còn chưa đúng cách, nói gì đến việc phát hình, dựng cốt so sánh tỷ lệ, nhận xét đậm nhạt. Anh kiên trì đi sát từng người, giảng giải những điều cơ bản rất dễ hiểu và luôn khuyến khích từng bước tiến nhỏ bé của mỗi người. Anh nêu phương pháp hình hoạ vẽ ba điểm chính là: tỉ lệ (so sánh to nhỏ), tính chất (của khối hình), phương hướng (của đường nét), đồng thời luôn có cái nhìn toàn thể, bộ phận này so với bộ phận khác, từng phần so với cái chung, không được sa lầy vào chi tiết mà phải vẽ liên tục, tự nhiên, nhẹ nhàng, một hơi từ đầu đến cuối…
Có khi thầy giảng bài ngay dưới bóng cây đa, bên lũy tre xanh, dưới hào trú ẩn hoặc trong những buổi họp rút kinh nghiệm chuyên môn ngoài cánh đồng. Thầy nói về nguyên tắc bố cục như thế nào, về sự tương phản, đường nét khối hình, sắc độ sao cho hòa hợp, cân xứng, chặt chẽ. Vấn đề vẽ tranh “đẹp mắt” hay “đẹp ý” cũng thường được bàn luận tới. Anh nhấn mạnh, “giản dị’’ là tính chất của thời đại ngày nay, là đỉnh cao của nghệ thuật, vì giản dị bao nhiêu thì càng khó bấy nhiêu, bởi nó đòi hỏi nhiều công phu, nhiều tìm tòi mới đi tới đích đó được.
Nói về cách điệu anh nêu những thí dụ nhỏ, dễ hiểu để chứng minh: giản đơn không có nghĩa là tước bỏ. Khi vẽ một anh bộ đội, ở mặt mũi, quần áo ta đã đơn giản bớt những nét thừa, nhưng cũng rất gần với sự thật, đến khi vẽ chiếc áo trấn thủ ta lại gạch những nét thẳng tắp như ổ quả trám đều đặn, như vậy sẽ không ăn khớp với cái chung, như thể vẽ hàng rào gắn vào người !
Ngay những chi tiết nhỏ trong vẽ trang trí cũng được anh giảng giải cẩn thận với nhận xét sâu. Như khi tập vẽ huân chương, bằng khen…chúng tôi thường vẽ ngôi sao “mập” quá, trông nặng mà thô. Anh chỉ cho cách vẽ ngôi sao năm cánh có sắc cạnh vừa độ, trông thật cứng rắn và khoẻ.
* Họa sĩ Tô Ngọc Vân thường lấy tranh của những họa sĩ nào để giảng giải cho học trò?
- Anh đánh giá rất cao Leonard de Vinci, ca ngợi ông như một nghệ sĩ hiện thực vĩ đại, có tài diễn đạt tâm lý nhân vật sâu sắc và rõ ràng. Anh ca ngợi tài sử dụng sáng tối để tạo chất, tạo không gian, không khí, “nặn hình nổi trong bóng tối’ của ông trong bức “La Joconde” với nụ cười bí ẩn của Mona Lisa… Anh luôn nhấn mạnh và nhắc nhở chúng tôi đi theo con đường hiện thực. Người vẽ cần rút ra trong những chi tiết xô bồ cái gì là chính yếu, những chi tiết nào nói lên được tính chất, tâm hồn, tư tưởng của sự sống. Anh nhắc lại lời nói của Delacroix (Pháp) rằng: “Thiên nhiên là một cuốn từ điển’’, có nghĩa là ta cần lấy chất liệu là sự vật để làm tài liệu sáng tác, chứ không phải bản thân nó đã là tranh, giống như từ điển để tìm danh từ, động từ…, chứ không thể chép lại thành bài văn.
* Với riêng ông, những bài học của thầy có ý nghĩa ra sao?
- Năm 1952, cả trường đi thực tế, vận động phong trào sản xuất và tiết kiệm đẩy mạnh kháng chiến ở Thái Nguyên. Tốp chúng tôi được anh đi hướng dẫn. Sống ở nhà dân, thời gian này là lúc có nhiều dịp thầy trò nói chuyện với nhau. Ngoài những vấn đề về chuyên môn, anh luôn ân cần giải đáp ngay những khúc mắc của chúng tôi. Đi vẽ trong xóm, chúng tôi thường chú ý đến hình, đến cách vẽ nhiều hơn là vẽ cho giống người mẫu. Thầy hướng dẫn chúng tôi phải dựa vào những điểm chính như hình khối, đường nét, “chất” của từng người, mức độ đậm nhạt khác nhau. Đối với tôi, những lời chỉ bảo của thầy những năm đầu thật quý giá. Sự thực, đó cũng là những nguyên tắc cơ bản, là chân lý nghệ thuật. Con đường nghệ thuật trong hội hoạ mà thầy mở ra cho tôi từ những ngày ấy đã luôn nhắc nhở tôi trong công việc, và ngày càng được củng cố trong tôi.
* Xin cảm ơn ông!