Tổ liên gia chữa cháy “4 tại chỗ” tại khu dân cư

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai xây dựng thí điểm mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và Ðiểm chữa cháy công cộng tại các khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Hy vọng đây là các mô hình sẽ hạn chế những rủi ro, thiệt hại do hỏa hoạn gây ra.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Công an Thành phố Hồ Chí Minh trao bình chữa cháy, dụng cụ hỗ trợ phòng cháy cho người dân hẻm 51, đường Tân Chánh Hiệp 08, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 khi ra mắt mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Lãnh đạo Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Công an Thành phố Hồ Chí Minh trao bình chữa cháy, dụng cụ hỗ trợ phòng cháy cho người dân hẻm 51, đường Tân Chánh Hiệp 08, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 khi ra mắt mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Sau khi được các cán bộ, chiến sĩ PCCC quận 12 hướng dẫn, thị phạm cách sử dụng bình chữa cháy, nút bấm khẩn cấp, Tổ trưởng Tổ 3, hẻm 51, đường Tân Chánh Hiệp 08, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 Ðinh Thị Nga rất tự tin sử dụng các dụng cụ mà lâu nay bà cũng như nhiều người dân trong khu phố chưa từng sử dụng.

Tại thành phố Thủ Ðức, chị Nguyễn Thị Cẩm Thúy, ngụ khu phố Phước Hiệp, phường Trường Thạnh cho biết, khi cán bộ Ðội PCCC đến tận nhà lắp đặt các trang thiết bị phòng cháy và hướng dẫn người dân sử dụng, chị thấy rất hữu dụng. Giờ đây, khi phát hiện các nguy cơ về cháy nổ, hỏa hoạn thì một trong các gia đình sẽ bấm chuông để người dân trong dãy nhà đều biết và thực hiện các bước chữa cháy ban đầu nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra các đám cháy lớn trong khu dân cư.

Kế hoạch số 273/KH-BCA-C07, ngày 1/6/2022 của Bộ Công an ban hành nhằm mục đích tập trung xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng tại chỗ theo hướng thực chất, hiệu quả, xây dựng thế trận liên hoàn PCCC. Triển khai mô hình này, cơ quan chức năng hướng dẫn người dân trong các khu vực dân cư thiết lập tổ liên gia gồm 5 đến 15 hộ gia đình (nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh) liền kề nhau. Mỗi hộ gia đình trang bị ít nhất một bình chữa cháy xách tay và tối thiểu một dụng cụ phá dỡ (xà beng, kìm cộng lực, búa, rìu...). Các phương tiện này sẽ để ở nơi dễ thấy, dễ lấy nhằm kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra. Ðồng thời, mỗi hộ gia đình lắp đặt một chuông báo cháy tại tầng một (độ cao từ 2,5m-3m); lắp đặt hai nút ấn báo cháy (một nút ấn ở trong nhà, một nút ấn ngoài nhà) ở các vị trí phù hợp tại mỗi hộ gia đình. Nút ấn và chuông báo cháy của các hộ gia đình trong tổ liên gia được liên kết với nhau để kịp thời tương trợ khi có tình huống, sự cố cháy, nổ xảy ra. Ngoài ra, các thành viên trong hộ gia đình cài đặt và sử dụng thành thạo ứng dụng “báo cháy 114” và “Help 114” để kết nối và báo cho các cơ quan chức năng nhanh nhất khi có sự cố.

Theo Ðại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ Công an Thành phố Hồ Chí Minh, tùy theo tình hình địa bàn, các tổ liên gia có thể trang bị thêm các phương tiện chữa cháy khác phù hợp thực tế. Có thể đó là bình chữa cháy đặt dọc theo đường, ngõ; khu vực có trụ nước chữa cháy có thể trang bị lăng, vòi, đầu nối, thiết bị mở khóa; khu vực có ao, hồ, bể nước có thể trang bị máy bơm chữa cháy khiêng tay, lăng, vòi chữa cháy;...

Trong khu liên gia sẽ thành lập một tổ PCCC cơ động gồm những thành viên nhiệt tình, có kiến thức trong xử lý các tình huống chữa cháy. Các thành viên được hướng dẫn thực hiện bài bản các thao tác, quy trình PCCC nhằm bảo đảm xử lý nhanh, hiệu quả các sự cố cháy, nổ ngay từ ban đầu, không để phát sinh gây hậu quả nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng định kỳ sáu tháng, một năm một lần tổ chức họp để phổ biến kiến thức, nắm lại tình hình, đặc điểm địa bàn để kịp thời đưa ra phương án mới, chủ động phòng ngừa khi có sự cố xảy ra.

Ðại tá Huỳnh Quang Tâm cho biết thêm, mô hình này lấy phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng ở trong dân-phương tiện ở trong dân-hậu cần ở trong dân-chỉ huy ở trong dân) làm trung tâm; người dân là chủ thể thực hiện công tác PCCC. Ðể công tác chữa cháy hiệu quả, cần xác định được “thời điểm vàng” là không quá năm phút kể từ khi vụ cháy xảy ra. Khi đám cháy mới bùng phát, nếu lực lượng tại chỗ xử lý và dập tắt kịp thời có thể kéo giảm thiệt hại về người và tài sản xuống mức thấp nhất. Ðây cũng là lực lượng có thể tiếp cận đám cháy một cách nhanh nhất. Ðến nay, lực lượng chức năng đã triển khai được hơn 80 Tổ liên gia an toàn PCCC và 77 Ðiểm chữa cháy công cộng được đăng ký thực hiện tại 16/22 quận, huyện. Các địa phương còn lại đang tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Công an thành phố.

Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ còn triển khai mô hình “Ðiểm chữa cháy công cộng” tập trung tại các ngõ, hẻm có chiều sâu từ 50m trở lên, xe chữa cháy không tiếp cận được. Tại các điểm này, cơ quan chức năng phối hợp người dân bố trí hai bình bột chữa cháy; nội quy quản lý, sử dụng phương tiện chữa cháy. Công an thành phố đề nghị các địa phương duy trì và phối hợp trong việc đánh giá, rút kinh nghiệm để mô hình ngày càng hoàn thiện và nhân rộng trên toàn địa bàn.