Phát biểu tại buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Tây Nguyên có vị trí chiến lược rất quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh; đây là vùng có dư địa phát triển rất tốt. Đồng chí cho biết, cùng với việc kiểm tra, đôn đốc về tình hình thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; sẽ tập trung đi sâu về công tác cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử. Đây là nhiệm vụ thường xuyên và hiện nay là nhiệm vụ rất quan trọng. Nếu làm tốt, sẽ bảo đảm mục tiêu Chính phủ, chính quyền thân thiện với người dân và doanh nghiệp, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ.
Đồng chí nhắc lại, từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng luôn đặt vấn đề quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân. Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Đồng chí đề nghị các địa phương tập trung đánh giá tình hình triển khai các nhiệm vụ được giao về xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính; nêu rõ các khó khăn, vướng mắc và đề xuất hướng giải quyết.
Hiện, năm tỉnh Tây Nguyên đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử qua Trục liên thông văn bản quốc gia; đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc ở các cấp chính quyền, bước đầu đã triển khai xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; đã triển khai kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia và hoàn thành tích hợp đăng nhập một lần, đồng bộ trạng thái và kết quả xử lý hồ sơ; 4/5 tỉnh đã tích hợp với nền tảng thanh toán trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã được các tỉnh quan tâm, xử lý kịp thời. Các địa phương đã thực hiện rà soát, chuẩn hóa chế độ báo cáo và ban hành các quyết định quy định chế độ báo cáo; bốn tỉnh đã xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh (Đắk Nông hiện sử dụng trực tiếp Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ để cung cấp, cập nhật dữ liệu).
Về tình hình triển khai cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, theo Par Index 2019, chỉ số thành phần về cải cách thủ tục hành chính của khu vực Tây Nguyên đứng thứ 5/6 khu vực. Cả năm tỉnh tổ chức theo hình thức Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, có tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn cao, như: Lâm Đồng (99,49%), Gia Lai (99,1%), Kon Tum (98,8%), Đắk Nông (98,7%), Đắk Lắk (95,91%).
Tại buổi làm việc, các tỉnh tại Tây Nguyên đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính tại địa phương và nêu các đề xuất, kiến nghị để Tổ công tác của Thủ tướng nắm bắt, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng có phương án hỗ trợ, giải quyết, như Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành đẩy nhanh triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia; tích hợp, chia sẻ các dữ liệu để địa phương khai thác, sử dụng phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử; về thực hiện Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 nên quy định rõ lộ trình thực hiện; ban hành các chính sách ưu đãi về thu hút, sử dụng nhân lực CNTT trong hệ thống chính trị; tăng cường việc đào tạo, bồi dưỡng về CNTT cho công chức, viên chức các địa phương để đáp ứng chuẩn CNTT theo quy định; hướng dẫn việc triển khai xây dựng Đô thị thông minh…
Kết luận buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá cao các tỉnh khu vực Tây Nguyên trong thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao và sự nỗ lực vượt qua khó khăn để triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính thời gian qua. Đồng chí cho biết, những tháng đầu năm, kinh tế - xã hội các địa phương phát triển khá đồng đều và tất cả đều tăng trưởng dương.
Qua ý kiến của lãnh đạo năm tỉnh Tây Nguyên, đồng chí Mai Tiến Dũng đề nghị các địa phương phải quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, cải cách phải thực chất; quan tâm xử lý tốt hai khâu quan hệ giữa chính quyền với chính quyền và chính quyền với cán bộ công chức (gửi, nhận văn bản địa tử; phân công chỉ đạo điều hành, gửi báo cáo…); tăng cường trao đổi kinh nghiệm để chủ động thực hiện nhanh, đạt kết quả tốt, không cầu toàn. Cụ thể, trước ngày 30-11, các địa phương phải kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia để gửi, nhận văn bản; hoàn thành thực hiện chữ ký số cá nhân của lãnh đạo các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Về dịch vụ công, đồng chí đề nghị rà soát lại quy trình, đến cuối năm 2020, các địa phương phải quyết tâm đạt được 30% dịch vụ công trực tuyến trên tổng số dịch vụ công đang thực hiện.
Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị, các tỉnh phải tiếp cận theo hướng cải cách thủ tục hành chính là chủ đạo, công nghệ thông tin là công cụ hướng dẫn thực hiện. Đồng chí mong muốn, các địa phương đồng thuận trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính, nhằm mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp; thể hiện chính quyền phục vụ, Chính phủ phục vụ. Đồng thời, khắc phục ngay những vướng mắc, tồn tại để các chỉ số xếp hạng của các địa phương liên tục tăng.
Trước buổi làm việc, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã tham quan, khảo sát Trung tâm điều hành thông minh TP Đà Lạt và Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Lâm Đồng.