Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, việc tổ chức lễ giỗ nhằm tưởng nhớ các vị tiền nhân, anh hùng liệt sĩ, nhân dân đã có công mở mang bờ cõi, xây dựng, gìn giữ đất nước. Qua đó, nhằm giáo dục cho các thế hệ sau, đặc biệt là thế hệ trẻ biết hướng về cội nguồn dân tộc, có tình yêu quê hương Tổ quốc một cách thiết thực và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.
Đức Tả quân Lê Văn Duyệt sinh năm 1764; nguyên quán Quảng Ngãi, sinh quán làng Hòa Khánh, Huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường (nay là huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Ông hai lần được cử làm Tổng trấn Gia Định (từ năm 1812 - 1815 và từ năm 1820 - 1832).
Sinh thời, Đức Thượng Công làm Tổng trấn Gia Định thành thể hiện rõ là một vị quan công minh, thanh liêm, chính trực, luôn quan tâm chăm lo đời sống nhân dân, giữ an và mở mang vùng đất Nam Bộ. Tài năng và công đức của Tả quân khiến người dân hết lòng kính phục, thương yêu gọi người là Ông lớn. Do đó khi tạ thế (1832), Tả quân được nhân dân xây Lăng mộ ở khu vực Bà Chiểu (phường 1, quận Bình Thạnh) và hết lòng thờ phụng đến ngày nay. Đồng thời trong cách nhìn của dân gian, Tả quân Lê Văn Duyệt đã trở thành vị “Phúc thần” linh hiển. Lăng Lê Văn Duyệt ngày nay là một công trình kiến trúc nghệ thuật được hạng di tích cấp quốc gia.
Dịp này quận ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bình Thạnh tổ chức lễ công bố đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn từ Cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu) thành tên đường Lê Văn Duyệt.
Việc đổi tên đường Lê Văn Duyệt trên địa bàn quận Bình Thạnh có ý nghĩa rất quan trọng, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Qua buổi lễ công bố hôm nay, Quận Bình Thạnh sẽ có hướng dẫn và tạo điều kiện tốt nhất cho các hộ dân thay đổi, bổ sung hồ sơ quyền sở hữu nhà và đất ở, giấy tờ, hộ khẩu, căn cước công dân, chứng minh nhân dân... để bảo đảm các quyền lợi chính đáng của mình.