Tổ chức đảng ở Lạng Sơn bám sát thực tiễn, hướng mạnh về cơ sở

Xác định học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường củng cố tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên; nhiều cấp ủy, tổ chức đảng của tỉnh Lạng Sơn đã cụ thể hóa Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị bằng những chương trình, việc làm mới, hiệu quả, thiết thực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ và người dân xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng trao đổi về những giải pháp nâng cao tiêu chí của xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Cán bộ và người dân xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng trao đổi về những giải pháp nâng cao tiêu chí của xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn luôn xác định xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh bắt đầu từ việc xây dựng, củng cố các tổ chức cơ sở đảng và giáo dục, rèn luyện đảng viên.

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của phần lớn tổ chức cơ sở đảng khẳng định rõ vai trò hạt nhân lãnh đạo và là nhân tố quyết định thắng lợi các mặt công tác, các phong trào ở từng địa phương, đơn vị trong tỉnh.

Cán bộ cấp ủy phụ trách xã, thôn, hộ gia đình

Học tập và xây dựng phong cách dân chủ, sâu sát quần chúng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm cần thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay.

Nhưng qua tham dự các buổi sinh hoạt chi bộ thôn, xóm, nắm địa bàn, trực tiếp đối thoại với nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn nhận thấy, việc phân công cấp ủy viên các cấp phụ trách địa bàn mới chỉ dừng lại ở Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chưa phân công cấp ủy viên cấp tỉnh, lãnh đạo sở, ban, ngành theo dõi, hỗ trợ xã, phường, thị trấn; cấp ủy viên cấp huyện mới phụ trách cấp xã, chưa theo dõi đến thôn, tổ dân phố; cấp ủy viên cấp xã phụ trách chi bộ thôn, tổ dân phố mà chưa theo dõi, hỗ trợ hộ gia đình; chưa có quy định chặt chẽ, thống nhất về trách nhiệm, quyền hạn, chế độ làm việc, thông tin, báo cáo của các đồng chí được phân công phụ trách, theo dõi. Công tác phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng, xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị, vì thế còn nhiều khó khăn...

Tỉnh ủy Lạng Sơn đã sớm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025 bằng nhiều giải pháp để khắc phục, trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện chủ trương phân công (kèm quy định trách nhiệm) cấp ủy viên, lãnh đạo quản lý các cấp phụ trách, theo dõi, hỗ trợ xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố, hộ gia đình.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Toán, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, việc thực hiện chủ trương nêu trên vừa để theo dõi, hỗ trợ, giúp các đảng bộ, chi bộ thôn, tổ dân phố, hộ gia đình trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, vừa là giải pháp quan trọng nhằm tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.

Xã Chi Lăng là vùng thuần nông của huyện Chi Lăng. Mặc dù sớm đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao nhưng đời sống mọi mặt của người dân vẫn còn khó khăn.

Đồng chí Lăng Văn Thạch, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Thời gian qua, việc thực hiện chủ trương “Tỉnh nắm đến xã, huyện nắm đến thôn, xã nắm đến hộ gia đình; cấp ủy cấp tỉnh nắm đến tổ chức cơ sở đảng, cấp ủy cấp huyện nắm đến chi bộ, đảng viên ở cơ sở nắm đến hộ gia đình” đã giúp đội ngũ cán bộ, công chức xã và những người hoạt động không chuyên trách cả ở thôn, xóm đổi mới tư duy, phong cách, lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm của mình trong công tác.

Qua khảo sát toàn diện, nắm rõ tình hình của Chi Lăng, nhất là qua việc các đồng chí cấp ủy các cấp thường xuyên dự sinh hoạt chi bộ thôn, xóm và các hội nghị của xã, đã kịp thời có những chỉ đạo phù hợp, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hiện thực hóa thành công mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2022.

Năm 2024, xã Chi Lăng tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó tập trung xây dựng, củng cố hạ tầng, chỉ đạo sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, nâng cao chất lượng các tiêu chí về môi trường,…

Anh Hoàng Văn Đông ở xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc cho biết: “Cán bộ, đảng viên gần dân, sát dân, hiểu rõ đời sống của dân hơn, là điều bà con mừng hơn cả”.

Theo đồng chí Hoàng Văn Điều, Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã Cao Lâu, nhờ sự giúp đỡ của các đồng chí cấp ủy cấp trên, các tổ chức cơ sở đảng của xã được củng cố, năng lực lãnh đạo đã nâng lên nhiều so với trước, nghiệp vụ công tác đảng của đội ngũ đảng ủy viên, chi ủy các chi bộ và công chức xã vững vàng hơn. Việc sinh hoạt chuyên đề của các chi bộ được chú trọng, sát thực tế.

Cùng với nhiều gợi mở hữu ích cho xã về xây dựng nông thôn mới, các đồng chí còn phối hợp các cơ quan, đơn vị trực tiếp tư vấn, hướng dẫn người dân cách thức vay và sử dụng vốn vay để sản xuất sao cho hiệu quả, xây dựng nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao,… tạo khí thế phấn khởi, khơi dậy nỗ lực vươn lên của cả xã.

Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng

Đồng chí Nguyễn Trọng Sơn, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn chia sẻ: Việc thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về phân công cấp ủy viên, lãnh đạo quản lý các cấp phụ trách, theo dõi, hỗ trợ xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố, hộ gia đình thời gian qua cũng chính là dịp để cấp ủy viên các cấp cập nhật tình hình, tích lũy thêm kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao năng lực, chất lượng tham mưu, đề xuất cho tỉnh có các quyết sách phù hợp, sát thực tế, đạt hiệu quả cao.

Tạo thuận lợi cho tổ chức đảng ở cơ sở và đội ngũ cấp ủy viên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã cụ thể hóa xây dựng, ban hành Hướng dẫn kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị, trong đó xây dựng thành 14 biểu tiêu chí đánh giá đối với từng loại hình đảng bộ, chi bộ.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các quy định về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của chi bộ cơ quan trực thuộc đảng ủy cơ sở cơ quan; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của chi bộ thôn, tổ dân phố trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn.

Ban Tổ chức Tỉnh ủy ban hành Quy chế làm việc mẫu của đảng ủy xã, phường, thị trấn và chi bộ thôn, tổ dân phố; mẫu báo cáo, nghị quyết sinh hoạt hằng tháng đối với loại hình chi bộ thôn, tổ dân phố.

Qua khảo sát các cấp ủy viên ở chi bộ thôn, tổ dân phố, quy chế làm việc mẫu và mẫu báo cáo, nghị quyết sinh hoạt hằng tháng thực tế đã giúp các chi bộ và cấp ủy viên xác định đúng, trúng nhiệm vụ chính trị, các công việc thường xuyên, trọng điểm cũng như vai trò, trách nhiệm của cấp ủy viên.

Tỉnh xây dựng phần mềm và ban hành quy chế quản lý, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về thôn, tổ dân phố.

Cơ sở dữ liệu được cập nhật hằng quý, bao gồm đầy đủ các thông tin diện tích, dân số, số lượng các tổ chức, số lượng thành viên của từng tổ chức đảng, tổ chức chính trị-xã hội ở thôn, tổ dân phố; số lượng, cơ cấu, trình độ, nghề nghiệp của lực lượng những người tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố.

Với đội ngũ hơn 90% bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, cách làm này giúp giảm bớt khối lượng công việc cho cán bộ cơ sở. Bí thư chi bộ, trưởng thôn có thêm thời gian thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị.

Việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ tiếp tục được các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm, chú trọng.

Đồng chí Đoàn Thu Trà, Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Chi Lăng chia sẻ: Cùng với sự giúp đỡ, theo dõi của các đồng chí cấp ủy viên được phân công phụ trách, tỉnh Lạng Sơn còn triển khai thực hiện ứng dụng nền tảng số Sổ tay đảng viên điện tử đến tất cả chi bộ và 55.442 đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh.

Nhờ đó, các chi bộ duy trì nền nếp sinh hoạt nghiêm túc hơn, nội dung được chuẩn bị kỹ và có nhiều ý kiến. Trong sinh hoạt, các chi bộ dành nhiều thời gian tập trung bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn và những vấn đề thực tế đặt ra, khẳng định rõ vai trò hạt nhân, lãnh đạo của mình.

Từng đồng chí, nhất là cấp ủy viên, bí thư chi bộ xác định rõ quyền hạn, nhiệm vụ, từ đó có kế hoạch hành động, đưa việc thực hiện nghị quyết trở thành việc làm thường xuyên, đạt hiệu quả.

Cùng với sắp xếp, kiện toàn tổ chức đảng đồng bộ với sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở cơ sở, thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn chú trọng thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh kết nạp được 6.359 quần chúng ưu tú, bình quân mỗi năm kết nạp được 2.000 đảng viên mới, đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 21-NQ/TW đề ra.

Riêng năm 2023, tính đến giữa tháng 11, toàn Đảng bộ kết nạp được 2.006 đảng viên mới (14 đồng chí là học sinh, sinh viên; 1.765 đồng chí là người dân tộc thiểu số; 1.128 đảng viên nữ), nâng tổng số đảng viên của toàn Đảng bộ lên 69.951 đồng chí, bằng hơn 8% dân số. Đến tháng 11/2023, toàn tỉnh không còn chi bộ sinh hoạt ghép (trước đó còn 13 chi bộ sinh hoạt ghép).