Bữa cơm ca trưa của Công ty cổ phần Gạch men TASA (Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) rộn rã tiếng nói cười của công nhân. Tuy chỉ có một giờ nghỉ trưa, nhưng ai cũng hồ hởi. Cán bộ công đoàn không chỉ có mặt cùng nhà bếp kiểm tra chất lượng thực phẩm đầu vào đầu giờ sáng mà còn có mặt tại bữa ăn ca kiểm tra chất lượng bữa ăn. Thực đơn cho bữa trưa có thể gồm: Rau cải luộc, bò xào thập cẩm, chả lá lốt, rau củ quả luộc, canh rau ngót, có giá thành 16 nghìn đồng/suất không bao gồm chi phí nhiên liệu, nhân công, điện nước. Bếp trưởng Nguyễn Thị Kim Chung tới từng bàn, hỏi han công nhân thức ăn có vừa miệng không... Chị hồ hởi khoe: Tuần nào cũng đổi mới thực đơn. Giò chả, thịt gà công nghiệp, công nhân chê, họ chỉ ăn đồ tươi ngon. Chúng tôi luôn tự hào bởi các công nhân sau một thời gian vào công ty ăn cơm ca đều tăng cân.
Công ty TASA mới đi vào hoạt động từ năm 2014, thu hút hơn 1.200 NLĐ đều là đoàn viên công đoàn, thu nhập bình quân gần bảy triệu đồng/người/tháng. Tất cả các cán bộ, NLĐ được ký hợp đồng lao động, được đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, được đào tạo về hội nhập văn hóa doanh nghiệp, an toàn lao động, chuyên môn theo từng vị trí. Do đặc thù môi trường làm việc nóng, bụi, sản xuất ba ca liên tục, công đoàn phối hợp lãnh đạo công ty đưa ra nhiều giải pháp, sáng kiến khắc phục điều kiện làm việc. Chỉ trong hai năm, công ty đầu tư hơn 18 tỷ đồng cho các hạng mục công trình bảo đảm an toàn, cải thiện môi trường. Công đoàn công ty chủ động tham mưu lãnh đạo đơn vị bố trí các hoạt động, phúc lợi cũng như chế độ chăm sóc NLĐ theo mô hình đặc thù hoạt động. Chủ tịch Công đoàn công ty Phạm Hữu Vũ cho biết, ngay sau khi công ty đi vào hoạt động, Công đoàn các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Phú Thọ đã xuống tận nơi nắm bắt tình hình, vận động ban lãnh đạo công ty tạo điều kiện thành lập tổ chức công đoàn, hướng dẫn hoạt động cho cán bộ công đoàn lâm thời. Các hoạt động sau này của Công đoàn công ty đều nhận được sự quan tâm của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, công đoàn các KCN tỉnh. "Đó là động lực khiến chúng tôi không ngừng trăn trở trong hoạt động, tìm cách chăm lo thiết thực nhất quyền lợi cho đoàn viên của mình". Chủ tịch Công đoàn công ty Phạm Hữu Vũ nói.
Hằng năm, công ty phát động các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tạo động lực thi đua giữa các tổ, đội sản xuất, giữa công nhân lao động. Qua ba lần phát động thi đua, các sáng kiến đem lại hiệu quả kinh tế cho công ty trị giá hơn một tỷ đồng. Từ đó 11 cá nhân và bốn tập thể được thưởng “nóng” gần 100 triệu đồng. Công nhân Phạm Ngọc Khuê, xưởng gia công đá mài mặt gạch gương vào công ty từ những ngày đầu thành lập. Trong quá trình lao động, anh có nhiều cải tiến phục vụ cho chính công việc của mình. Khi Khuê trình bày ý tưởng “tự gia công đá mài phục vụ sản xuất không cần nhập khẩu” đã được Công đoàn, ban lãnh đạo công ty chấp nhận, cho thời gian hai tháng vừa thử nghiệm vừa sản xuất. Sáng kiến sau đó được áp dụng vào thực tế, tiết kiệm cho công ty hơn 1,4 tỷ đồng/năm. Khuê tâm sự, động lực để anh có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật xuất phát từ sự trân trọng công sức, chất xám của NLĐ, của lãnh đạo công ty, sự quan tâm động viên, khích lệ của Công đoàn.
Tới thăm Công ty TNHH Công nghệ Namuga Phú Thọ (100% vốn Hàn Quốc), hoạt động trong lĩnh vực điện tử vào dịp công ty tròn ba năm tuổi. Ba năm đối với từng cán bộ, công nhân viên, NLĐ nơi đây đủ để nhìn lại, để tha thiết, gắn bó, để ấp ủ bứt phá. Những NLĐ chúng tôi gặp, trò chuyện đều gọi nơi này là đại gia đình của họ. Với nhân lực dồi dào (gần ba nghìn lao động), môi trường làm việc ổn định, thu nhập bình quân gần bảy triệu đồng/người/tháng, Namuga nổi lên không chỉ là DN làm tốt công tác chăm lo đời sống, tinh thần của NLĐ mà còn có ý thức chia sẻ trách nhiệm xã hội.
Ngay sau khi công ty thành lập năm 2014, công đoàn cấp trên đã xuống tận nơi hướng dẫn thành lập Ban chấp hành Công đoàn lâm thời của công ty với 300 đoàn viên. Sau ba năm đi vào hoạt động, Công đoàn Công ty Namuga đã thu hút hơn hai nghìn đoàn viên. Dưới sự chỉ đạo của Công đoàn các KCN tỉnh, Công đoàn công ty luôn gắn bó mật thiết với NLĐ qua việc chủ động xây dựng các phương án hoạt động, giáo dục tư tưởng, phát động các phong trào thi đua, bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ. Chủ tịch Công đoàn Hoàng Ngọc Tuấn chia sẻ: "Ở DN 100% vốn nước ngoài, trọng trách bảo vệ đoàn viên của công đoàn cơ sở càng nặng nề hơn. Chúng tôi phải thật sự trở thành cầu nối giữa chủ sử dụng lao động và đoàn viên của mình, làm cho hai bên hiểu rõ về phong tục tập quán, lề lối làm việc, nhằm tạo dựng môi trường văn hóa; phải có sự trao đổi chặt chẽ giữa công đoàn và chủ DN. Từng NLĐ vào công ty đều được công đoàn thay mặt ký thỏa ước lao động tập thể, ký hợp đồng lao động trực tiếp với chủ DN. Chỉ tính riêng quý I năm 2017, công đoàn ghi nhận khen thưởng cá nhân và tập thể công đoàn xuất sắc trị giá hơn 18 triệu đồng; phối hợp công ty tổ chức Tết sum vầy, trao quà hơn 100 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn. Công đoàn công ty đã triển khai rà soát đối tượng công nhân có khó khăn về nhà ở, phải thuê trọ để có biện pháp hỗ trợ. Hằng tháng đều tham mưu cho Tổng giám đốc những biện pháp khen thưởng, động viên NLĐ hăng hái thi đua lao động".
Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phú Thọ Nguyễn Việt Hùng cho biết: Kết quả chăm lo cho NLĐ của các DN nói chung, công đoàn cơ sở nói riêng đã góp phần ổn định an sinh xã hội trên địa bàn, nhất là giúp giải quyết việc làm cho NLĐ tại chỗ, giúp họ làm ăn sinh sống trên mảnh đất quê hương. Đồng thời, các công đoàn cơ sở đã tạo hiệu ứng tốt, tạo niềm tin trong NLĐ, góp phần đưa vị thế của công đoàn ngày càng nâng cao. Từ đó, tạo động lực, sức mạnh để công đoàn các cấp tiếp tục thực hiện tốt sứ mệnh chăm lo, bảo vệ đoàn viên, NLĐ.