Nhiều giải pháp giảm thiểu tác động môi trường từ cuộc thi Sáng kiến Mekong

Lần đầu tỉnh Đồng Tháp khởi xướng tổ chức cuộc thi Sáng kiến Mekong nhưng đã tiếp nhận đến hơn 135 dự án từ các cá nhân, nhóm cá nhân, tổ chức khắp cả nước. Từ cuộc thi, rất nhiều sáng kiến có khả năng nhân rộng và phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong trao giải tại cuộc thi Sáng kiến Mekong lần thứ nhất. (Ảnh: HỮU NGHĨA)
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong trao giải tại cuộc thi Sáng kiến Mekong lần thứ nhất. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Trong khuôn khổ Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long - Lần II năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức cuộc thi Sáng kiến Mekong năm 2024, với chủ đề “Chuyển đổi xanh - Phát triển bền vững”.

Cuộc thi được triển khai từ tháng 9/2024. Sau 1 tháng thông báo đăng ký và nộp bài dự thi, cuộc thi đã nhận được 136 dự án đến từ 18 tỉnh, thành phố thuộc cả 3 miền trong cả nước. Tỉnh Đồng Tháp có 79 dự án tham gia và là địa phương có nhiều dự án tham gia nhất. Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai với 14 dự án tham gia.

Sau sơ khảo, tại vòng bán kết, 30 đội thi thuyết minh qua nền tảng Zoom trước ban giám khảo. Tại vòng chung kết, 10 đội thuyết minh trực tiếp, diễn ra sôi nổi tại Nhà Văn hóa Lao động Đồng Tháp vào sáng 15/11.

Tại vòng thi quyết định này, tác giả các dự án lần lượt trình bày ý tưởng, thuyết trình, lập luận về tính mới lạ, sáng tạo; đồng thời, trả lời câu hỏi của ban giám khảo về tính khả thi của dự án.

Điển hình như dự án “Chuỗi giá trị tuần hoàn, giảm phát thải ngành thủy sản Alpha Amin” đưa ra giải pháp phục vụ nuôi trồng thủy sản giảm phát thải, giảm ô nhiễm hữu cơ trong môi trường nước và chế biến sản phẩm Lạp xưởng ếch tươi Amin Pro.

Hay dự án “Nông trại nghỉ dưỡng thuận thiên Việt Mekong farmstay”, nhằm phát huy tiềm năng du lịch của Đồng Tháp và bảo tồn hệ sinh thái bản địa.

Nhiều giải pháp giảm thiểu tác động môi trường từ cuộc thi Sáng kiến Mekong ảnh 1

Tác giả trình bày dự án tại vòng chung kết. (Ảnh: Ban tổ chức)

Bí thư Tỉnh đoàn Đồng Tháp Huỳnh Minh Thức cho biết, các dự án vào vòng chung kết năm nay đã mang đến sự phong phú cả về lĩnh vực lẫn chuyên môn, từ giải pháp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đến những sáng kiến ứng dụng khoa học công nghệ, chế biến tài nguyên bản địa và các giải pháp giảm thiểu tác động môi trường.

Theo Ban tổ chức, điểm mới đặc biệt của vòng chung kết năm nay là không chỉ có sự tham gia của các giám khảo là chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, mà còn có sự góp ý chuyên môn sâu và xem xét đầu tư từ đại diện các quỹ đầu tư lớn.

Sự hiện diện của các nhà đầu tư không chỉ mang đến những đánh giá thực tiễn, chuyên sâu mà còn mở ra cơ hội quý báu cho các bạn trẻ, giúp các sáng kiến tiềm năng tiếp cận nguồn lực cần thiết để phát triển.

Tại Phiên toàn thể Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long - Lần II năm 2024 diễn ra ngày 16/11, Ban tổ chức cuộc thi Sáng kiến Mekong năm 2024 cũng đã công bố xếp hạng giải thưởng cuộc thi đối với 10 dự án xuất sắc tham gia vòng chung kết.

Nhiều giải pháp giảm thiểu tác động môi trường từ cuộc thi Sáng kiến Mekong ảnh 2
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt và Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong trao giải nhất cho Dự án “Chuỗi giá trị tuần hoàn giảm phát thải ngành thủy sản Alpha Amin”. (Ảnh: Ban tổ chức)

Kết quả, dự án “Chuỗi giá trị tuần hoàn giảm phát thải ngành thủy sản Alpha Amin” của tác giả Nguyễn Trung Tính (tỉnh Đồng Tháp) xuất sắc đạt giải nhất.

Giải nhì thuộc về Dự án “Airboots - Robot siêu nhẹ chăm sóc cây lúa, với 3 chức năng phun thuốc, bón phân và gieo hạt” của tác giả Lê Thị Thu Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh).

Giải ba được trao cho tác giả Hồ Ngọc Trâm (tỉnh Đồng Tháp) với Dự án “Nông trại nghỉ dưỡng thuận thiên Việt Mekong farmstay”.

Bảy dự án nhận giải khuyến khích bao gồm: NetZero Pallet - Pallet làm từ vỏ dừa của nhóm tác giả Lê Thanh (Thành phố Hồ Chí Minh); Bộ sản phẩm xanh Endota sản xuất từ phụ phẩm nông nghiệp (Võ Duy Khánh - tỉnh Đồng Tháp); Nghiên cứu sản phẩm bê-tông xanh từ vật liệu tái chế dùng xỉ hàm lượng cao cho sàn hầm khối lớn (Nguyễn Thiên Phúc - tỉnh Trà Vinh).

Sản xuất nấm đông trùng hạ thảo (cordycep militaris) từ tinh chất dừa - không dùng cơ chất sâu nhộng - tạo chuỗi liên kết sản xuất địa phương và nâng tầm dừa việt (Võ Lê Như Ngọc - tỉnh Bến Tre); Áo giáp hạt giống (Thạch Hoàng Anh - thành phố Cần Thơ).

Thu gom và xử lý chất thải hữu cơ từ ngành công nghiệp cá tra - ủ biogas và sản xuất năng lượng tái tạo (Lê Minh Hiếu - tỉnh Đồng Tháp); Máy đọc chỉ số thông minh: nước, điện, gas, khí (Nguyễn Thành Công - thành phố Hà Nội).

Tất cả 10 dự án đều đã ra được những sản phẩm đầu tiên, trong đó nhiều sản phẩm đã được tiêu thụ trên thị trường. Đơn cử như sản phẩm của dự án giải nhất đã đại diện Đồng Tháp tham gia một số chương trình xúc tiến thương mại, dù mới bắt đầu từ năm 2023.

Dự án “Chuỗi giá trị tuần hoàn giảm phát thải ngành thủy sản Alpha Amin” bao gồm: Bộ giải pháp Antibio X2 thay thế kháng sinh và sản phẩm BiO Gen1 xử lý môi trường trong nuôi thủy sản; sản phẩm lạp xưởng ếch tươi Amin Pro.

Tác giả Nguyễn Trung Tính cho biết: "Khi tham dự cuộc thi, tác giả mong muốn tìm tiếng nói chung, cùng chung tay xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, an toàn và giảm phát thải.

Bên cạnh đó lan tỏa sứ mệnh và giá trị mà chúng tôi mang lại cho cộng đồng. Và quan trọng nhất, việc tham gia cuộc thi nhằm lắng nghe góp ý, đánh giá của chuyên gia để dự án có thể liên kết, hoàn thiện chuỗi giá trị ngành hàng trong tương lai".

Các giải pháp của dự án “Chuỗi giá trị tuần hoàn giảm phát thải ngành thủy sản Alpha Amin” hướng đến giảm thiểu sử dụng kháng sinh, cải thiện sức khỏe và hệ miễn dịch tự nhiên của động vật thủy sản, từ đó giảm phát thải Ni-tơ tổng ra môi trường, cải thiện chất lượng nước, phân thải ra môi trường.

Dự án đứng thứ 2 là “Airboots - Robot siêu nhẹ chăm sóc cây lúa, với 3 chức năng phun thuốc, bón phân và gieo hạt” cũng mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho người dân.

Airboots - Robot là sản phẩm của Công ty Shoes Agtech, có hiệu quả vượt trội trong việc điều hướng cánh đồng lúa, vượt trội so với máy bay không người lái thông thường trong các nhiệm vụ như phun thuốc, bón phân và gieo hạt.

Đặc điểm nổi bật của phương tiện này là việc sử dụng nhiều phao nhỏ được thiết kế để di chuyển trên ruộng lúa một cách dễ dàng, không bị sình lầy như các phương tiện nặng nề khác, không cần chừa đường kênh nước mà máy vẫn có thể di chuyển và không gây hư hại cây lúa.

Hệ thống điều khiển được tích hợp vào máy để tự động vận hành trên ruộng, thực hiện các tác vụ được lập trình sẵn có thể dễ dàng quản lý thông qua điện thoại thông minh.

Nông trại nghỉ dưỡng thuận thiên Việt Mekong farmstay (Viet Mekong farmstay) là dự án thiết kế và cung cấp giải pháp du lịch nghỉ dưỡng, hướng tới cuộc sống cá nhân hóa, cân bằng và tự do tinh thần, theo xu hướng du lịch xanh - du lịch bền vững theo nhu cầu phát triển thị trường du lịch của thế giới.

Nhiều giải pháp giảm thiểu tác động môi trường từ cuộc thi Sáng kiến Mekong ảnh 3
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa và Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn Nguyễn Thái An trao giải Khuyến khích cho 7 dự án. (Ảnh: Ban tổ chức)

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp Mai Thanh Nghị, đại diện ban giám khảo cuộc thi, cho biết, xuyên suốt quá trình sàng lọc cả 3 vòng thi, Ban giám khảo và Ban tổ chức đã nhận thấy sự chăm chút của các thí sinh, bám sát vào mục tiêu chính của cuộc thi là kinh tế xanh và phát triển bền vững.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, điểm rất mới của diễn đàn lần này là tỉnh Đồng Tháp đã khởi xướng tổ chức cuộc thi Sáng kiến Mekong lần thứ nhất, năm 2024, tiếp nhận sáng kiến từ các cá nhân, nhóm cá nhân, tổ chức khắp cả nước để chọn được các sáng kiến tiêu biểu, nổi bật, có khả năng nhân rộng và phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội.

Qua đó, đóng góp cho mục tiêu chuyển đổi xanh của khu vực, hướng tới góp phần phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững - thích ứng biến đổi khí hậu.